Cảnh báo đỏ trước nguy cơ "tem giấy"

ANTD.VN - Trước mối đe dọa xâm nhập của loại ma túy gây loạn thần cực mạnh có tên gọi “tem giấy” hay “bùa lưỡi”, ngày 19-9, các trường học ở Hà Nội được yêu cầu sớm tuyên truyền nguy cơ này tới phụ huynh, học sinh.

Tuyên truyền về các dạng ma túy nguy hiểm cho phụ huynh học sinh 

Thông tin sớm nhưng phải sâu

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, trước diễn biến phức tạp của tệ nạn ma túy, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường tăng cường công tác đảm bảo an ninh trường học, trong đó, đặc biệt lưu ý xây dựng kế hoạch tuyên truyền phòng chống ma túy; tập trung vào việc đưa ra các khái niệm cơ bản về ma túy, tình hình phát triển, lây lan và tác hại của các loại tiền chất ma túy, ma túy tổng hợp, các loại ma túy mới như keo chó, bóng cười, “bùa lưỡi” (tem giấy)…

Đặc biệt, trước cảnh báo nguy cơ sử dụng “tem giấy” ở Hà Nội trong thời gian tới rất cao. Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường học trang bị cho học sinh, giáo viên kiến thức phòng ngừa, kỹ năng đối phó, hóa giải với những tình huống có nguy cơ dẫn đến hành vi sử dụng dạng ma túy này.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho biết: “Nhà trường sẽ cảnh báo ngay đến học sinh toàn trường về loại ma túy này cũng  như nguy cơ, tác hại của nó. Thông thường, việc tuyên truyền được thực hiện vào thứ hai hàng tuần, trong giờ chào cờ.

Tuy nhiên, để học sinh hiểu sâu hơn, có ý thức rõ hơn trong việc bảo vệ mình và bạn bè thì nhà trường sẽ xây dựng thêm các chương trình tuyên truyền, lựa chọn các hình thức phù hợp với học sinh như tổ chức cuộc thi, diễn kịch hay tọa đàm…” - ông Nguyễn Quốc Bình cho biết. 

Khó kiểm soát hàng quán quanh trường học

Trước yêu cầu của Sở GD-ĐT về việc “trường học cần chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, kiểm tra, theo dõi, giải tỏa các hàng quán, người bán hàng rong, các tụ điểm có biểu hiện phức tạp, liên quan đến ma túy ở các khu vực xung quanh trường học”, ông Nguyễn Quốc Bình cho biết, việc này ngoài tầm tay nhà trường.

“Chúng tôi chỉ có thể liên hệ với CAP Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) để lực lượng chức năng kiểm tra, yêu cầu các hàng quán xung quanh trường học phải ký cam kết không buôn bán, cung cấp các loại hàng hóa gây nguy hiểm cho học sinh như thực phẩm bẩn, các dạng tiền chất ma túy, ma túy… Chúng tôi đã rà soát khu vực hàng quán quanh trường học và phát hiện khá nhiều học sinh rất thích ngồi quán tụ tập, ăn uống. Trường đã nhắc nhở phụ huynh, học sinh. Nhưng vì hoạt động diễn ra bên ngoài nhà trường nên chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở chứ không thể xử phạt”.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường học ở Hà Nội bởi cứ nơi nào có học sinh là lại phát sinh hàng quán phục vụ nhu cầu ăn uống, mua bán của các em. “Tôi luôn phải nhắc nhở con mình không nên la cà vào các hàng quán. Nếu có khát nước, mua nước uống ngoài trường thì cũng không tiếp xúc với người lạ, không nhận quà, hàng người khác cho hay nhờ chuyển… Tôi cũng phải tự cập nhật thông tin về các loại ma túy, tính nguy hại của nó để truyền đạt cho con mình. Hy vọng là với sự nhắc nhở thường xuyên của bố mẹ và nhà trường, con mình sẽ xây dựng được ý thức tự bảo vệ bản thân khi ra ngoài xã hội” - chị Phan Nguyệt Vân, phụ huynh học sinh trường THCS Nguyễn Trường Tộ, Đống Đa chia sẻ.

Cũng theo Sở GD-ĐT Hà Nội, ngay trong đầu năm học này, Sở đã có kế hoạch xây dựng các chuyên đề tuyên truyền mạnh về phòng chống ma túy tại các trường trọng điểm, nằm trong những khu vực phức tạp, nhạy cảm. Việc tiếp cận với những người đã từng nghiện ma túy, được nhìn tận mắt những loại ma túy trá hình, ma túy tổng hợp mới… sẽ tác động mạnh vào nhận thức của học sinh, phụ huynh.

Bên cạnh đó, việc tổ chức khám sức khỏe đầu năm cho học sinh, kết hợp kiểm tra, xét nghiệm sử dụng ma túy ngẫu nhiên và xét nghiệm đột xuất khi cần thiết đối với người có biểu hiện nghi vấn sử dụng ma túy trái phép cũng là biện pháp mà các trường bắt buộc phải thực hiện.