Cần xử lý nghiêm đối tượng dâm ô đối với trẻ em

ANTD.VN - Bất kể diễn ra dưới hình thức nào, các vụ dâm ô đối với trẻ em đều gây bất bình trong dư luận. Mặc dù một số đối tượng phạm tội đã bị đưa ra xét xử, song hiện có nhiều ý kiến cho rằng, hình phạt đối với tội này chưa đủ sức răn đe.

Ngày 16-3, cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Cao Mạnh Hùng (SN 1983, quê Thái Bình) về hành vi “Dâm ô đối với trẻ em”.

Trước đó, VKSND Tối cao đã chỉ đạo VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an TP Vũng Tàu ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Khắc T về cùng tội danh. Những quyết định trên của cơ quan chức năng đã được đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy vậy, nhiều người vẫn băn khoăn về khả năng răn đe cũng như ngăn chặn tiếp theo của pháp luật đối với các đối tượng này. 

Cần xử lý nghiêm đối tượng dâm ô đối với trẻ em ảnh 1Nghiêm trị đối tượng có hành vi xâm hại để ngăn chặn những tội ác đối với trẻ em

Kịch khung là 12 năm tù

Cách đây ít ngày, TAND tỉnh Đắk Lắk vừa đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dâm ô với trẻ em. Bị cáo trong vụ án là Bế Ích Tín 73 tuổi, trú tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk bị phạt 6 tháng tù giam nhưng đã kháng cáo vì cho rằng… quá nặng. Song, trong phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Đắk Lắk vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với Bế Ích Tín. 

Tại Hà Nội, đầu năm 2016, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Vadim Scott Benderman (tức Ben, SN 1970, quốc tịch Canada)  4 năm tù giam với tội danh “Dâm ô đối với trẻ em”. Dạy tiếng Anh tại một trung tâm ở quận Nam Từ Liêm, vào ban đêm, Ben thường đi đến khu vực hồ Hoàn Kiếm, rủ rê các cháu trai sống lang thang về phòng trọ của mình ngủ qua đêm. 

 Còn tại Hà Tĩnh, cách đây không lâu, TAND huyện Nghi Xuân đã tuyên phạt Đậu Văn Tợi (SN 1959) 39 tháng tù về tội “Dâm ô với trẻ em” do đối tượng này đã dụ dỗ cháu D vào phòng ngủ và 3 lần thực hiện các hành vi dâm ô đối với cháu D.

Điều 116 BLHS về Tội dâm ô đối với trẻ em quy định, người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em thì bị phạt tù từ 6 tháng-3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội nhiều lần; Đối với nhiều trẻ em; Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; Gây hậu quả nghiêm trọng; Tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 3-7 năm. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 7-12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Xử lý không đơn giản

Về các yếu tố cấu thành của tội này, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn luật sư Hà Nội phân tích, mặt khách quan của tội phạm được thể hiện qua các dấu hiệu: Có hành vi buộc trẻ em sờ, bóp, cọ xát… vào những bộ phận kích thích tình dục hoặc bộ phận sinh dục của người phạm tội hoặc của người khác; Có hành vi kích dục như sờ, bóp, dùng các bộ phận nhạy cảm về tình dục (như dương vật) cọ xát vào cơ thể hoặc bộ phận sinh dục của trẻ em. 

Có thể nói, việc ban hành chế tài xử lý hình sự đối với đối tượng thực hiện hành vi dâm ô dù chỉ ở mức độ lời nói, sự động chạm tiếp xúc bên ngoài đã thể hiện sự nghiêm khắc của các nhà làm luật đối với tội phạm này. Song trên thực tế, để xử lý về tội dâm ô trẻ em không hề đơn giản bởi phải có đầy đủ cơ sở pháp lý, chứng cứ để chứng minh đối tượng đã có hành vi này.

“Nhằm hạn chế xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, các nhà làm luật cần sớm điều chỉnh quy định về tội dâm ô đối với trẻ em theo hướng cụ thể hơn để các cơ quan tố tụng, các cơ quan quản lý có biện pháp hỗ trợ can thiệp và đấu tranh với tội phạm một cách hiệu quả, tránh tình trạng các cơ quan liên quan còn chậm trễ, lúng túng, áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi tội phạm gây ra, dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân” - luật sư Lê Hồng Vân đề xuất.

Không chấp nhận thương lượng để “không làm to chuyện”

Sau một số vụ án dâm ô trẻ em hoặc hiếp dâm trẻ em, gia đình người phạm tội cố sức thương lượng, hòa giải bằng tiền, vật chất để đối tượng phạm tội không bị đưa ra xử lý trước pháp luật. Tuy nhiên, điều đó không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành cũng như yêu cầu thực tế trong đấu tranh, phòng ngừa với loại tội phạm rất nguy hiểm này.

Đơn cử như vụ án Đặng Văn Trình (SN 1960, trú ở xã Vân Phúc, Phúc Thọ, Hà Nội) bị TAND huyện Phúc Thọ (Hà Nội ) kết án 21 tháng tù về tội “Dâm ô với trẻ em”. Nạn nhân là bé gái tên Nguyên Thị M (SN 2002), bị khuyết tật bẩm sinh. Cuối tháng 12-2014, trong một lần sang nhà chú ruột (gần nhà) chơi, M bị Trình lôi kéo sang nhà đối tượng và bị thực hiện hành vi dâm ô.

Ngay sau đó, người thân của đối tượng đến nhà xin lỗi và tự nguyện đưa 100 triệu đồng bồi thường thiệt hại cho bé M với mong muốn gia đình nạn nhân rút đơn… Bị truy tố ra trước vành móng ngựa hồi tháng 11-2016, Trình một mực chối bỏ tội phạm nhưng căn cứ vào lời khai của bị cáo tại CQĐT, lời khai của đại diện hợp pháp bị hại tại phiên tòa cùng các chứng cứ tài liệu liên quan, trong đó có nội dung ghi âm lời thú tội của Trình tại gia đình nạn nhân, HĐXX sơ thẩm TAND huyện Phúc Thọ vẫn có đủ cơ sở để tuyên án với bị cáo này.

Từ vụ án nêu trên và bàn về tội danh “Dâm ô với trẻ em”, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định: “Pháp luật không bao giờ chấp nhận việc thương lượng, hòa giải để “không làm to chuyện” đối với người có hành vi dâm ô hoặc hiếp dâm trẻ em. Bởi theo quy định tại Điều 105 - Bộ luật Tố tụng Hình sự thì đây không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại”. Phân tích sâu hơn về vấn đề này, luật sư Giang Hồng Thanh cho biết, trẻ em là chủ thể đặc biệt trong xã hội. Do đó về nguyên tắc, mọi hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe và danh dự, nhân phẩm của trẻ em đều bị pháp luật trừng trị. 

Đặc biệt, đối với trẻ em chưa đủ 13 tuổi thì mọi hành vi xâm hại đến chức năng tình dục và sinh sản đều bị pháp luật nghiêm cấm và xử lý thích đáng. “Xuất phát từ thực tiễn đó nên pháp luật xử lý rất nghiêm khắc đối với những người thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em”, luật sư Giang Hồng Thanh nhìn nhận. Mặt khác, theo vị luật sư này, trong giải quyết vụ án hình sự, việc tích cực bồi thường, khắc phục hậu quả cho người bị hại thường chỉ có ý nghĩa là làm giảm trách nhiệm hình sự của người phạm tội chứ không thể xóa bỏ tội lỗi.

Trịnh Tuyến