Cần làm gì để thoát "bẫy" lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội?

ANTD.VN - Sự phát triển của khoa học công nghệ đã đem lại tiện ích phục vụ đời sống của con người, tuy nhiên nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng việc này để phạm tội lừa đảo...

Người dân cần đề cao cảnh giác khi thấy số máy lạ gọi đến

Những cuộc gọi... lạ!

9h ngày 23-11, ông Trịnh Hòa H. (trú tại chung cư 671 Hoàng Hoa Thám, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) đến CAP Vĩnh Phúc trình báo, 15h 45 phút ngày 22-11, gia đình ông nhận được cuộc gọi điện thoại lạ, từ máy bàn. Khi nghe máy, từ phía đầu dây bên kia là một phụ nữ nói giọng miền Nam thông báo, gia đình ông H. đang nợ gần 9 triệu đồng tiền cước điện thoại và đề nghị phải thanh toán gấp.

Sau hai giờ đồng hồ khi cuộc gọi này kết thúc, nếu gia đình  không nộp tiền thì sẽ bị cắt liên lạc. Để biết thêm thông tin và được tư vấn, người phụ nữ từ đầu dây bên kia đề nghị gia đình ông H. bấm số máy lẻ (số 9) để được tư vấn.

Làm theo hướng dẫn, ông H. tiếp tục được một người đàn ông cũng nói giọng miền Nam xưng danh là Phạm Tuấn T., là Cảnh sát thuộc lực lượng 113, CATP. HCM dọa dẫm, hiện ông H. đang liên quan đến đường dây mua bán trái phép ma túy.

Sau đó, người đàn ông này tiếp tục yêu cầu ông H. khai hết các sổ tiết kiệm của gia đình tại các ngân hàng và yêu cầu ông chuyển 850 triệu đồng vào số tài khoản do người đàn ông này cung cấp.

Tuy nhiên, do đã được CSKV - CAP sở tại và tổ dân phố phổ biến về phương thức thủ đoạn hoạt động của một số đối tượng lừa đảo qua điện thoại trong thời gian qua, gia đình ông H. đã thoát khỏi chiếc “bẫy” này.

Trong một tình huống khác, khoảng 12h ngày 14-12, gia đình bà Cao Thị N. (ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) cũng nhận được một cuộc điện thoại lạ của một người đàn ông giới thiệu đang làm ở Bộ Công an.

Người đàn ông này cho biết, hiện bà N. đang liên quan đến một đường dây mua bán ma túy do Bộ Công an làm nên yêu cầu bà  cung cấp địa chỉ nhà ở, số CMND, tài khoản ngân hàng và thông tin về sổ tiết kiệm để cơ quan điều tra đối chiếu.

Do được tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo như trên, gia đình bà N. đã cảnh giác và khéo léo từ chối cung cấp thông tin, đồng thời lên CAP Ngọc Hà trình báo lại toàn bộ vụ việc để lực lượng chức năng kịp thời nắm bắt.

Cần đề cao cảnh giác

Một chỉ huy Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PCTP CNC) - CATP Hà Nội cho biết, thời gian qua, CATP Hà Nội đã khám phá nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng cách gọi điện thoại, giả danh là lực lượng công an. Các đối tượng thường sử dụng kỹ thuật công nghệ cao lập ra các số điện thoại “ma”, nhưng có mã giả danh cơ quan Công an rồi lập ra các tài khoản nhằm mục đích lừa đảo.

Các đối tượng trong một vụ lừa đảo bằng điện thoại bị bắt giữ

“Để tạo lòng tin, các đối tượng thường gọi điện và nói cần kiểm tra số điện thoại này thì có thể vào 1080 hay mạng intenet. Nhiều người sau khi kiểm tra đã vội tin và thực hiện bước tiếp theo của các đối tượng lừa đảo. Theo đó, người dân nên hết sức cảnh giác nếu không vô tình sẽ tiếp tay cho loại tội phạm này”, chỉ huy Phòng Cảnh sát PCTP CNC cho hay. 

Thượng tá Nguyễn Văn Tính – Phó trưởng CAQ Ba Đình cho biết, hiện nay ngoài phương thức thủ đoạn gọi điện trực tiếp để lừa đảo, các đối tượng còn sử dụng phương thức nhắn tin, hay gọi điện trực tiếp cho các thuê bao lừa khách hàng trúng thưởng với một khoản tiền lớn. Sau đó, các đối tượng đề nghị người trúng thưởng chuyển tiền (phí) vào một tài khoản do các đối tượng cung cấp với lý do để đơn vị viễn thông xác nhận, hoặc chi phí để công ty mang tiền đến tận nhà trả trực tiếp…

“Gần đây, các đối tượng lừa đảo còn tung ra một thủ đoạn nữa là gọi điện thoại cho các thuê bao dọa chưa thanh toán tiền cước phí, nếu không chuyển tiền vào tài khoản trong vòng 2 tiếng sẽ cắt dịch vụ, thậm chí sẽ bị khởi kiện ra tòa. Khi gặp trường hợp như vậy đề nghị khách hàng không cung cấp thông tin cá nhân vì có thể bị kẻ xấu đánh cắp. Do vậy, người dân cần liên lạc, thông báo đến cơ quan công an nơi gần nhất”, Thượng tá Nguyễn Văn Tính khuyến cáo.

Còn Trung tá Tạ Thanh Bình, Đội trưởng Đội CSHS – CAQ Ba Đình cũng cho rằng, việc một người lạ gọi điện tự xưng là người đại diện của cơ quan pháp luật rồi yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân là điều bất thường. Chưa kể, CQĐT tuyệt đối không bao giờ yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh vô tội, chưa kể yêu cầu đó lại được đưa ra qua điện thoại.

“Do vậy, người dân khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn không làm theo yêu cầu của đối tượng. Đặc biệt, không chuyển tiền vào các tài khoản của người lạ cũng như cung cấp thông tin mà đối tượng yêu cầu. Đồng thời, tìm cách thông báo ngay đến cơ quan công an, không nên tự giải quyết vì sẽ “sập bẫy” lừa đảo của tội phạm”, Trung tá Tạ Thanh Bình khuyến cáo.