Cần chấm dứt hành vi trái pháp luật tại khu vực 42 phố Nhà Chung
(ANTĐ) - Cho đến 17h chiều qua 27-1, đề nghị của UBND TP Hà Nội: “Di chuyển tượng Đức mẹ, thánh giá, khẩu hiệu, lều bạt, các vật dụng có liên quan và giải tán toàn bộ giáo dân, giáo sỹ ra khỏi khuôn viên Phòng VHTT, Nhà văn hóa số 42 Nhà Chung”, đã không được Tòa Tổng giám mục Hà Nội thiện chí hợp tác. Có lẽ đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần thực hiện các biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật đối với những hành vi trái pháp luật này.
>>> Những hành vi không thể chấp nhận!
Đến khu vực phố Nhà Chung ngày 27-1, chúng tôi đã tiếp xúc và ghi lại ý kiến của nhiều người dân phường Hàng Trống xung quanh sự việc đáng tiếc xảy ra ngày 25-1. Bác Trần Xuân Phối, nhà ở phố ấu Triệu cho biết: “Khu phố 5 nơi tôi ở có cả người công giáo và người không theo đạo. Bao nhiêu năm qua, mối quan hệ giữa chúng tôi rất thân ái, đoàn kết, luôn tương trợ giúp đỡ và tôn trọng lẫn nhau.
Thế nhưng từ ngày 20-12-2007 bắt đầu xảy ra một số việc khiến người dân chúng tôi rất bức xúc. Như việc một số người rước tượng Chúa ra gốc cây đa, bày hoa ở hàng rào sắt và cầu nguyện. Những hành vi này không giống với cách hành lễ của đạo Thiên chúa, vốn rất trang nghiêm. Hôm 25-1, tôi chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh những giáo dân phá cổng sắt, tụ tập đông người, gây náo loạn phố Nhà Chung.
Chúng tôi tự hỏi vì sao họ lại có hành động như vậy? Từ trước đến nay, các giáo dân đều rất tốt. Tôi nghĩ phải chăng có sự chỉ đạo, lôi kéo của ai đó, bởi nhiều giáo dân ở tỉnh ngoài cũng kéo về? Trong sự việc này, trách nhiệm của Tòa Tổng giám mục rất lớn. Tòa Tổng giám mục chăn dắt phần hồn của các con chiên thì cũng cần phải giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho họ...”.
Cánh cổng sắt đã bị các giáo dân dỡ bỏ và dựng lều, hành lễ trái phép trong khuôn viên cơ quan Nhà nước |
Cũng với tâm trạng bất bình, bác Nguyễn Đình Phùng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Hàng Trống nói: “Tôi sống ở đây đã hơn 50 năm, và lần đầu tiên mới chứng kiến sự việc buồn thế này. Tôi cho rằng phải có sự chỉ đạo của ai đó đối với giáo dân thì mới xảy ra những hành động như trên. Việc tập trung đông người, phát loa ra đường không chỉ gây lộn xộn đường phố mà còn ảnh hưởng đến việc học tập của các cháu học sinh. Tôi thực sự bức xúc vì cách hành xử của một số giáo dân.
Sáng 26-1, tôi chứng kiến một nữ giáo dân có những lời lẽ rất không hay đối với đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khi đồng chí khuyên bà con giáo dân không nên tập trung đông người gây mất trật tự công cộng. Bản thân tôi khi can ngăn, giải thích cũng bị nữ giáo dân ấy giật áo và phát ngôn đầy thách thức. Theo tôi, Tòa Tổng giám mục cần khôi phục hiện trạng cũ ở sân 42 Nhà Chung.
Nếu có kiến nghị về đất đai thì nên làm đầy đủ các thủ tục giấy tờ và quan trọng phải theo đúng trình tự, quy định pháp luật chứ không thể cố tình tạo ra những áp lực tiêu cực với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, tôi đề nghị chính quyền các cấp cần thể hiện rõ sự kiên quyết trong xử lý những trường hợp có hành vi vi phạm nghiêm trọng”.
Là tuyến phố vốn yên tĩnh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, nhưng từ khi xuất hiện những hành vi trái pháp luật của một số giáo sỹ, giáo dân, sinh hoạt của người dân, nhất là của các trường học trên phố Nhà Chung đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trao đổi với PV Báo ANTĐ, thầy Hoàng Mộng Tuất - Hiệu trưởng trường THCS Tân Trào cho biết, nhà trường vừa làm công văn kiến nghị đến UBND thành phố, quận Hoàn Kiếm và Tòa Tổng giám mục Hà Nội, đề nghị sớm có biện pháp giải quyết những lộn xộn ở khu vực 42 Nhà Chung. Thầy Hoàng Mộng Tuất phản ánh, thời gian gần đây, hệ thống loa đài của Nhà thờ Lớn phát nhiều và với âm lượng rất lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến việc dạy - học của thầy trò.
Không những thế, nhiều buổi bà con giáo dân đứng dự lễ quá đông trên đường ra vào trường dẫn đến ùn tắc trước cổng trường, tác động xấu đến khung cảnh sư phạm.
Chị Vũ Thu Hà - thành viên Ban phụ huynh lớp 7H trường THCS Tân Trào bức xúc: “Chúng tôi biết lâu nay Nhà thờ Lớn có giảng kinh bằng loa, nhưng tất cả chỉ diễn ra trong khuôn viên Nhà thờ. Nay không hiểu vì lý do gì mà Nhà thờ lại bắc loa ra ngoài, rồi cho phép giáo dân đứng tràn ở sân nhà thờ, dưới lòng đường để nghe giảng kinh và cầu nguyện.
Tự do tín ngưỡng là quyền được tôn trọng đối với mọi tầng lớp nhân dân. Nhưng sự tự do nào theo tôi cũng cần phù hợp với quy định pháp luật, với những giá trị truyền thống đạo đức, văn minh văn hóa. Càng không nên lạm dụng sự tự do ấy để gây mất trật tự đường phố, ảnh hưởng đến việc học tập của các em học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước. Tự do lớn nhất là đừng làm mất tự do của người khác.
Tôn giáo nào cũng phải nêu cao tinh thần “Tốt đời, đẹp đạo”. Song những lộn xộn thời gian qua ở khu vực 42 Nhà Chung, và nhất là sự thiếu hợp tác của Tòa Tổng giám mục Hà Nội, tôi cho rằng, chân lý “Tốt đời, đẹp đạo”, “Sống phúc âm trong lòng dân tộc” đã không được thực hiện trọn vẹn.
Nhóm PV Nội chính