Cả 2 người điều khiển sà lan gây sập cầu đều không có bằng lái

ANTĐ - Đại tá Bùi Hữu Danh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, qua công tác tìm kiếm của nhiều lực lượng cũng như lấy lời khai của các nhân chứng và những người liên quan, đã có đủ cơ sở xác định không có nạn nhân nào mất tích khi cầu Ghệnh bị sập vào trưa 20-3. 

Cả 2 người điều khiển sà lan gây sập cầu đều không có bằng lái ảnh 1

3 người có liên quan đến vụ sập cầu Ghềnh mà cơ quan chức năng đang điều tra

Đến nay, cơ quan công an đang tạm giữ hình sự 3 người để phục vụ công tác điều tra gồm: ông Phan Thế Thượng (SN 1953), chủ tàu kéo gây tai nạn; 2 cậu cháu Nguyễn Văn Lẹ (SN 1988) và Trần Văn Giang (SN 1980), cùng trú tỉnh Bạc Liêu), là những người có mặt trên tàu khi xảy ra tai nạn. 

Lời khai 3 người thể hiện, sáng 20-3, ông Thượng với vài trò là tài công chính đã điều khiển tàu kéo theo sà lan chở cát di chuyển từ tỉnh Tiền Giang tới Đồng Nai. Khi đến gần cảng Cát Lái, ông Thượng lên bờ đi công việc riêng, giao tàu lại cho cậu cháu Giang - Lẹ (đều không có bằng lái tàu) điều khiển. Lúc 11h50 trưa, khi đến cầu Ghềnh thì gặp đúng lúc nước chảy xiết nên tàu và sà lan bị trôi mạnh.

Giang bảo Lẹ nhảy qua sà lan để tìm cách buộc dây kéo nhưng không thành dẫn tới việc sà lan bị đâm vào mố cầu số 3, làm sập 2 nhịp của cầu Ghềnh. Khi tai nạn xảy ra, cậu cháu Giang - Lẹ đã nhảy xuống sông tự bơi vào bờ. Giang đến chủ vựa cát quen biết gần đó vay 1 triệu đồng và mượn ĐTDĐ báo cho ông Thượng về việc vừa gây tai nạn nghiêm trọng rồi cùng Lẹ đón xe khách trốn về Sóc Trăng.

Đến nay, các tổ chuyên gia của Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục khảo sát, nghiên cứu tìm cách khôi phục lại cầu Ghềnh. Sự cố sập cầu Ghềnh tuy không gây thương vong về người nhưng thiệt hại về kinh tế là rất lớn, đặc biệt là ngành đường sắt. Hiện có 26 đầu tàu đang bị kẹt ở ga Sài Gòn và  Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị dồn nhân lực cho ga Biên Hòa để phục vụ hành khách một cách tốt nhất.