Bỗng dưng được tặng quà và trao quyền thừa kế

ANTĐ - Đầu năm 2013, lực lượng Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Đội 14), Phòng CSHS - CATP Hà Nội phát hiện trên mạng internet có nhiều trang web đăng tải những thông tin về một số “đại gia” ở nước ngoài muốn tặng quà và trao quyền thừa kế tài sản có giá trị lên tới hàng triệu USD cho những địa chỉ là công dân sinh sống ở Việt Nam. 

Qua tìm hiểu, trinh sát Đội 14 Phòng CSHS - CATP Hà Nội được biết những địa chỉ được hưởng quyền thừa kế và nhận quà có giá “triệu đô” đều rất bất ngờ vì họ không hiểu tại sao lại được nhận những món tiền lớn như vậy. 

Mờ ám phí “lót tay”

Trong quá trình thâm nhập để xác định bản chất vụ việc, các trinh sát Đội 14 nắm được một số người sau khi nhận những thông tin trên mạng, đã tin là thật và sẵn sàng thực hiện mọi yêu cầu từ phía “đối tác”. Điều đó có nghĩa là trước khi được hưởng quyền thừa kế một số tài sản lớn hay nhận món quà có giá trị từ nước ngoài gửi về, họ phải đóng một khoản phí từ 550 USD đến 3.000 USD để nộp tiền thuế Hải quan sân bay và đó cũng được coi là lệ phí dùng để “lót tay” cho nhân viên Hải quan. Những trường hợp được nhận quà phải thông qua một tài khoản để gửi tiền cho phía “đối tác” và không hề biết họ là ai.

Từ thực tế này, Đội 14 Phòng CSHS - CATP Hà Nội đánh giá đây là trò lừa đảo có tổ chức mang tính chất xuyên quốc gia và báo cáo cấp trên được xác lập chuyên án đấu tranh. Sau khi nghe báo cáo trực tiếp của chỉ huy Phòng CSHS - CATP Hà Nội, Đại tá Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP đã chỉ đạo đơn vị này tập trung đấu tranh, làm rõ ngay những thủ đoạn lừa đảo tinh vi của tội phạm sử dụng công nghệ cao trên mạng internet. Sau 3 tháng triển khai nhiều phương án trinh sát, lực lượng Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã làm rõ một đường dây tội phạm hoạt động lừa đảo trên mạng internet với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xuyên qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Đánh” vào lòng tham

Ngày 8-3, sau gần 100 ngày tìm hiểu, nghiên cứu những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo, Đội 14, Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã phát hiện đầu mối tung những thông tin “ảo” trên mạng internet là Nguyễn Minh Thi, SN 1988, trú quán tại phường An Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Cũng trong ngày hôm đó, Thượng tá Phó Trưởng phòng Dương Văn Giáp đã chỉ huy một mũi công tác vào TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, phối hợp với Phòng CSHS Công an tỉnh bạn bắt giữ Nguyễn Minh Thi. Khi bị bắt, đối tượng này đang thao tác trên mạng thực hiện hành vi lừa đảo. 

Tại trụ sở Phòng CSHS - CATP Hà Nội, Thi khai trong quá trình du học ở Malaysia cách đây 3 năm, đã quen biết một số người ngoại quốc là Ch, SN 1981; Or, SN 1980 và Ja, SN 1980, đều mang quốc tịch của một quốc gia ở vùng Bắc Phi. Tháng 8-2012, trước khi trở về Việt Nam, Thi và các đối tượng trên đã bàn bạc thực hiện kế hoạch lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng internet. Theo Trung tá Ngô Minh An, Đội trưởng Đội 14, Phòng CSHS - CATP Hà Nội cho biết, hoạt động lừa đảo của Thi cùng đồng bọn rất tinh vi và khó phát hiện, chủ yếu đánh vào lòng tham của một số người thường lên các trang mạng xã hội để làm quen và giao dịch làm ăn.

Theo sự phân công của nhóm tội phạm, Ch và Or có nhiệm vụ lên mạng “chat” làm quen với những người Việt Nam hay lên các trang mạng xã hội để tìm bạn, trao đổi thông tin làm ăn, sau đó lấy ảnh và tên giả là những người mang quốc tịch của các quốc gia phát triển ở châu Âu để lấy lòng tin của những người bạn mới từ Việt Nam. Sau đó, Ch và Or tìm cách tạo ra những bối cảnh giả như thật để thông báo sẽ gửi cho các “đối tác” ở Việt Nam những kiện hàng gồm các loại đồ trang sức, điện thoại đắt tiền, vàng… đồng thời tạo ra một trang web giả có đầy đủ thông tin về người nhận hàng, loại hàng hóa cụ thể, thời gian và địa điểm hàng đến nơi để người bị hại tin tưởng. Đến ngày nhận hàng, Ch và Or gửi thông tin của người bị hại cho Thi từ một hộp thư điện tử ở nước ngoài và công việc tiếp theo là Thi sẽ dùng sim “rác” để gọi những cuộc điện thoại cho người bị hại và giả mạo là nhân viên Hải quan sân bay, thông báo đang giữ kiện hàng gửi từ nước ngoài về vì chưa rõ người nhận. Tiếp theo, Thi ép người bị hại phải đóng từ 550 - 3.000 USD để nộp các khoản “phí” cho Hải quan sân bay mới được lấy hàng. Khoản tiền này người bị hại phải chuyển vào 1 tài khoản được Thi nhắn cho biết vì lý do “bảo mật”, sau đó mới được nhận hàng.

Theo lời khai của Thi tại cơ quan điều tra, sau mỗi vụ lừa đảo đối tượng này được hưởng 25% tiền công, phần còn lại chuyển cho Or và Ch và Ja qua ngân hàng quốc tế thông qua 1 tài khoản khác của một đối tượng làm nghề massage tại Hà Nội. Khai thác những tài liệu trong hộp thư điện tử của Thi, cơ quan công an phát hiện có tới hàng chục người bị hại trên địa bàn cả nước đã bị Thi và nhóm tội phạm người nước ngoài đưa vào bẫy với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau họ đã không trình báo tới cơ quan công an. Ai là bị hại trong các vụ lừa đảo của nhóm tội phạm nêu trên, đề nghị liên hệ với Phòng CSHS - CATP Hà Nội để phối hợp điều tra (ĐC: số 7, phố Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng; ĐT: 0.439.422.532).