Bộ Công Thương kiểm tra hoạt động kinh doanh đa cấp: "Mất bò mới lo làm chuồng"

ANTĐ - Sau khi nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp như MB24, Liên kết Việt… bị lật tẩy về hành vi lừa đảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chỉ thị tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Mới đây, 7 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp cỡ lớn nhận được quyết định thanh tra, kiểm tra... 

 Bộ Công Thương kiểm tra hoạt động kinh doanh đa cấp: "Mất bò mới lo làm chuồng" ảnh 1

Liên kết Việt hoạt động rầm rộ trước khi bị lật tẩy hành vi lừa đảo

7 doanh nghiệp đa cấp vào “tầm ngắm”

Theo Bộ Công Thương, 7 doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra đợt này gồm: Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam, Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn liên kết Việt Nam, Công ty CP Liên kết tri thức, Công ty CP liên minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty TNHH nhượng quyền Thăng Long.

Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) sẽ làm trưởng đoàn kiểm tra này. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn có đại diện Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an), Cục Quản lý thị trường… Trong số 7 doanh nghiệp trên, Amway Việt Nam và Thiên Ngọc Minh Uy được biết đến nhiều hơn cả.

Xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2008, Amway kinh doanh gần 100 sản phẩm thuộc 4 dòng bổ sung dinh dưỡng Nutrilite, chăm sóc cá nhân Personal Care, đồ gia dụng Amway Home và một số dòng sản phẩm khác. Đến nay, Amway đang hoạt động khá mạnh mẽ, có mạng lưới kinh doanh trải rộng khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Từ năm 2013, Công an quận Hải Châu (thành phố Đà Nẵng) đã từng lập biên bản xử lý chi nhánh Amway tại Đà Nẵng vì tổ chức “chui” hội thảo bán hàng đa cấp có liên quan đến yếu tố nước ngoài.  Tương tự, Thiên Ngọc Minh Uy cũng là cái tên rất nổi tiếng trong giới kinh doanh đa cấp.

Công ty kinh doanh nhiều mặt hàng liên quan tới lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Thiên Ngọc Minh Uy cũng từng có nhiều nghi án hoạt động bán hàng đa cấp không đúng quy định, dụ dỗ, lôi kéo khách hàng sử dụng sản phẩm của mình bằng những lời hứa hẹn hấp dẫn với những ưu đãi và tiền thưởng hậu hĩnh. 

Trước đó, đầu tháng 3-2016, Công ty CP liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Liên kết Việt) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) lật tẩy hành vi lừa đảo. 

Kiểm tra chưa đúng hướng?

“Tại sao hoạt động bán hàng đa cấp xảy ra nhiều vụ việc vi phạm, lừa đảo hàng chục nghìn người và gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng nhưng việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm lại chậm, rời rạc và đến tận thời điểm này mới bước vào “cao điểm”? Tôi từng tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp, dự nhiều buổi hội thảo của doanh nghiệp đa cấp lớn. Tôi cũng mơ ước trở thành giàu có khi mở rộng mạng lưới của mình bằng cách vận động bạn bè, người thân mua bán hàng... Thế nhưng, tôi đã mất tất cả khi hệ thống sụp đổ. Trắng tay, tôi còn phải trốn chui trốn lủi vì bị bạn bè đêm ngày tìm đòi tiền. Giá như, cơ quan thanh tra vào cuộc gắt gao và cảnh báo từ hơn một năm trước thì tôi đã không rơi vào bước đường cùng”- anh Nguyễn S (quê Phú Thọ, làm việc tại Hà Nội), một nạn nhân của đa cấp lừa đảo chia sẻ.

Đánh giá hoạt động kiểm tra bán hàng đa cấp lâu nay chưa đi đúng hướng, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhấn mạnh: “Cần kiểm tra kỹ giá cả và chất lượng hàng hóa. Họ giới thiệu bán thuốc thì cần xem thuốc đó có đạt chất lượng không, có được phép lưu hành trên thị trường hay không? Còn giá cả, không thể để tình trạng mỗi sản phẩm khi qua tay một đại lý đa cấp, giá lại tăng 5-7 lần, lợi nhuận có khi đến 300%. Bán hàng đa cấp ở Việt Nam phát triển quá nhanh, chỉ vài năm mà số lượng công ty gấp hơn 2 lần ở Mỹ trong vòng 40 năm. Trong khi đó, chúng ta lại quản lý theo kiểu “thả gà ra đuổi” nên chưa hiệu quả”. 

Theo vị chuyên gia này, cần buộc doanh nghiệp đa cấp đăng ký hàng hóa, chất lượng, giá bán, nếu họ làm sai sẽ bị “tuýt còi” ngay. Bên cạnh đó, khi phát hiện doanh nghiệp nào vi phạm, cần thông tin, cảnh báo kịp thời tới người dân.

“Không thể để tình trạng khi doanh nghiệp bị công an điều tra, Bộ Công Thương mới cho biết đã từng xử phạt đến 570 triệu đồng như vụ Liên kết Việt. Xử phạt nặng thế mà Bộ cứ âm thầm như không. Thế khác nào, “mất bò mới lo làm chuồng”. Kiểm tra bây giờ là quá muộn nhưng cũng cần xem lại nội dung kiểm tra cho trúng” - ông Vũ Vinh Phú nói. 

“Tại sao đến giờ Bộ Công Thương mới vào cuộc, sau khi hàng chục nghìn sinh viên, nông dân và người nghèo đã bị lừa?” -độc giả đã đặt câu hỏi như vậy khi đọc thông tin Bộ Công Thương quyết định thành lập đoàn kiểm tra hoạt động của 7 công ty đa cấp.