Bộ Công an mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm liên quan đến "tín dụng đen"

ANTD.VN - Một trong những giải pháp quyết liệt của Bộ Công an, đó là chỉ đạo toàn lực lượng Công an mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc để đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

Rà, dựng hơn 200 băng nhóm có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong khoảng 4 năm gần đây, trên toàn quốc xảy ra hơn 7.600 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”, với nhiều loại tội danh: giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, hủy hoại tài sản…Trong đó, có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Một ổ nhóm tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” bị lực lượng Công an bắt giữ

Lực lượng Cảnh sát hình sự đã rà dựng và nắm bắt chặt hơn 200 băng nhóm, với gần 2.000 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê.

Theo Cục Cảnh sát hình sự, thời gian qua, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” có chiều hướng diễn biến khá phức tạp. Hoạt động của các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính diễn ra ở hầu hết các địa phương, kể cả những vùng sâu, vùng xa. Ngoài những doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu vay vốn nhưng khó tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, còn có những người ham mê cờ bạc, thua cá độ bóng đá tìm đến “tín dụng đen” để vay “nóng”. “Tín dụng đen” thậm chí được ví như “cướp ngày”, gây bất ổn xã hội, dẫn đến nhiều loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Trá hình, biến tướng, và hết sức manh động

Thực tiễn công tác đấu tranh của Công an các địa phương cho thấy, các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” thường gắn với tội phạm có tổ chức, và luôn tạo vỏ bọc hợp pháp bằng các cơ sở kinh doanh tài chính, công ty, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dù “che chắn” thế nào, những hoạt động phi pháp này vẫn bộc lộ nhiều vi phạm về an ninh, trật tự, như sử dụng nhân viên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; hoạt động không đúng địa chỉ, không đúng nội dung ghi trong Giấy chứng nhận kinh doanh; hoạt động kinh doanh không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; câu kết với các băng nhóm tội phạm bắt giữ người trái pháp luật và đòi nợ bằng hình thức “khủng bố” tinh thần…

Các chiêu trò dụ dỗ người vay tiền

Cùng với những vi phạm mang tính phổ biến nêu trên, phương thức và thủ đoạn hoạt động của tội phạm “tín dụng đen” ngày càng tinh vi, bắt nhịp…thời cuộc để đối phó với các cơ quan chức năng. Từ những chiêu trò “sơ khai” như phát, dán tờ rơi, các đối tượng “kinh doanh tín dụng” đã lập các website, sử dụng mạng xã hội, sử dụng số thuê bao điện thoại không đăng ký chính chủ để đăng tin, gửi tin nhắn quảng cáo vay tiền không cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, cấp tiền ngay, với số tiền vay từ 1 triệu đến vài chục triệu đồng.

Quy mô và có tổ chức hơn, các đối tượng sử dụng công nghệ cao thực hiện hoạt động “tín dụng đen” qua mạng Internet dưới dạng cho vay trực tuyến, vay ngang hàng với lãi suất rất cao. Nếu các “con nợ” không trả đúng hẹn, các đối tượng cho vay sẽ sử dụng nhân viên hoặc thuê các đối tượng hình sự tổ chức các hình thức đòi tiền như đe dọa, khủng bố tinh thần, ném chất bẩn, đặt vòng hoa, quan tài, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác…

Một trong những vụ án “tín dụng đen” điển hình, phải kể đến băng nhóm tội phạm nguy hiểm tự xưng là “Tập đoàn Nam Long”, bị Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá cuối tháng 11-2018. Các đối tượng đã cho vay với lãi suất lên đến trên 300%/năm, và lúc “đỉnh cao”, “Tập đoàn Nam Long” phát triển quy mô với hàng chục chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Cho đến khi CQĐT vào cuộc, xác định số tiền người bị hại chuyển vào hàng chục tài khoản lên tới trên 500 tỷ đồng.

Hai đối tượng cầm đầu "Tập đoàn Nam Long"

Để điều hành hoạt động vay nợ trôi chảy,  các  đối tượng cầm đầu đã lập quy trình đòi nợ - xử lý các “con nợ” cũng như đối phó hết sức tinh vi với cơ quan Công an. Nhiều người dân chậm nộp tiền vay đã bị đối tượng đến tận nhà đe dọa, cưỡng đoạt tài sản; thậm chí, 1 “nhân viên” của chính ""Tập đoàn"" này đã tử vong sau trận đòn dằn mặt, hội đồng của những kẻ côn đồ, bởi làm sai ""quy trình".

Chiêu trò “đẳng cấp” của tội phạm “tín dụng đen” là các đối tượng trong các công ty có chức năng đòi nợ thuê được Nhà nước cấp phép hoạt động, thực chất che giấu cho không ít băng, nhóm tội phạm núp bóng công ty, doanh nghiệp. Để dễ bề tổ chức các hoạt động che mắt những hành vi phi pháp, tội phạm “tín dụng đen” lôi kéo, mời các cán bộ từng làm việc trong các cơ quan bảo vệ pháp luật thoái hóa, biến chất, hoặc đã nghỉ hưu tham gia tư vấn hoạt động cho vay và đòi nợ. Thậm chí, các đối tượng mang giấy giới thiệu đến Công an cấp cơ sở đề nghị phối hợp tiến hành các thủ tục đòi nợ, nhưng khi thực hiện lại sử dụng đối tượng lưu manh, côn đồ.

Chú trọng phòng ngừa, đấu tranh mạnh “tín dụng đen”

Trước diễn biến phức tạp của vi phạm và tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, Bộ Công an tiến hành tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp đấu tranh. Đồng thời, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen” để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Công an Hà Nội kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở cầm đồ chấp hành nghiêm quy định pháp luật

Thời gian qua, Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố chủ động đề xuất UBND cấp tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện thành lập các tổ công tác liên ngành do lực lượng Công an chủ trì, thường xuyên tổ chức kiểm tra hành chính các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện hoạt động cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê nhằm phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật để xử lý nghiêm.

Một cách thường xuyên, lãnh đạo Bộ chỉ đạo lực lượng Công an mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc để đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí quân dụng, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động.

Bộ Công an cũng phối hợp chặt chẽ với Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao chỉ đạo các cơ quan tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”, góp phần răn đe và phòng ngừa chung…