Bộ ba ở Vinashinlines "tự tung, tự tác" như thế nào?

ANTD.VN - Ngày đầu xét xử vụ án tham nhũng tại Vinashinlines vào 16-2, cáo trạng truy tố cho thấy, để “rút ruột” tiền Nhà nước, Đạt cùng đồng phạm đã áp dụng chiêu trò không mới nhưng rất hiệu quả. Tuy nhiên khi bị thẩm vấn, cả 4 bị cáo đều chối bỏ việc làm của bản thân.

“Nẫng” gọn hơn 11 tỷ dễ như… bỡn

Từ tháng 5-2006 đến tháng 6-2008, Trần Văn Liêm với tư cách Tổng giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) đã chỉ đạo Giang Kim Đạt (khi đó là Quyền trưởng Phòng kinh doanh) trực tiếp đàm phán, thỏa thuận với doanh nghiệp môi giới để mua 3 con tàu vận tải phục vụ nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.

Và theo chỉ đạo của Liêm, quá trình đàm phán, Đạt phải yêu cầu bên bán tàu trích lại số tiền từ 1% đến 5,7% trên tổng giá trị hợp đồng ký kết. Trong số tiền “hỏa hồng” ấy, Đạt và Liêm đồng ý để công ty môi giới tàu biển được phép giữ lại 10%, theo từng hợp đồng mua bán tàu cụ thể.

Bị cáo Trần Văn Liêm - cựu Tổng giám đốc Vinashinlines tại phiên tòa

Đối với Trần Văn Khương (khi đó là Kế toán trưởng của Vinashinlines) thì có trách nhiệm làm thủ tục thanh toán, chuyển tiền cho các bên liên quan. Và số tiền “rút ruột” được, Liêm chỉ đạo Khương để ngoài sổ sách kế toán, rồi chia nhau chiếm hưởng cá nhân.

Từ sự phân công lẫn nhau, ngày 27-7-2006, Liêm ký biên bản thỏa thuận mua tàu Vinashinlines Summer của nước Panama với giá 6,25 triệu USD, thông qua công ty môi giới tàu biển Marvin Shipping LTD. Trước đó trong quá trình đàm phán, Đạt đã thống nhất Vinashinlines sẽ nhận lại 2% của số tiền nêu trên.

Vụ mua bán tàu biển Vinashinlines Summer hoàn tất, ngày 19-9-2006, doanh nghiệp môi giới mua bán tàu biển lập tức chuyển vào tài khoản mang tên Giang Văn Hiển (bố đẻ Đạt) hơn 119.739 USD, tương đương hơn 1,9 tỷ đồng. Cuối năm 2006, Liêm lập tờ trình do Khương ký “nháy” gửi Tập đoàn Vinashin đề nghị duyệt quyết toán vốn đầu tư mua sắm tàu biển Vinashinlines Summer.

Cũng vào khoảng thời gian trên, Liêm ký hợp đồng mua con tàu biển thứ hai mang tên Vinashin Island của Croatia với giá hơn 5,9 triệu USD. Trong đó, Đạt thoả thuận với Công ty Marvin Shipping LTD đề nghị bên bán tàu trích lại 3,75% giá trị hợp đồng.

Và cũng như lần mua bán tàu biển trước, sau khi “cắt” lại 10%, ngày 5-10-2006, công ty môi giới tàu biển đã chuyển vào tài khoản của bị cáo Hiển hơn 192.700 USD, tương tương hơn 3 tỷ đồng. Kế đến, bộ ba ở Vinashinlines có văn bản đề nghị duyệt quyết toán đầu tư tàu biển Vinashin Island lên Tập đoàn Vinashin.

Vai trò thứ hai nhưng Giang Kim Đạt lại là bị cáo tham ô số tiền nhiều nhất

Tương tự, tháng 3-2007, Liêm ký hợp đồng mua tàu biển thứ ba mang tên Vinashin Phoenix với giá 21,55 triệu USD của Hy Lạp. Quá trình mua bán thông qua Công ty môi giới Marvin Shipping LTD, Đạt cùng đồng phạm tiếp tục “rút ruột” gần 6,5 tỷ đồng, thông qua tài khoản của bị cáo Hiển.

Tổng cộng, sau 3 hợp đồng mua bán tàu biển, bộ ba ở Vinashinlines đã “nẫng” hơn 11 tỷ đồng của Nhà nước, rồi chia nhau đút túi. Đặc biệt, ở hành vi tội phạm này, Đạt còn “qua mặt” Liêm với việc tự ý tăng tiền “hoa hồng” cho riêng mình trong quá trình “bắt tay” với công ty môi giới tàu biển.

Dùng tài sản công để trục lợi cá nhân

Ở hành vi tội phạm kế tiếp, cáo trạng truy tố Giang Kim Đạt cùng đồng phạm tại phiên tòa cho thấy, ngoài việc tham ô hàng chục tỷ đồng thông qua các hợp đồng mua bán tàu biển, bộ ba tại Vinashinlines còn không ngừng “rút ruột” tài sản Nhà nước bằng thủ đoạn gửi giá cước trong việc cho thuê mướn tàu biển.

Cụ thể, chỉ sau 3 ngày mua tàu Vinashinlines Summer, Liêm ký hợp đồng cho một công ty nước ngoài thuê con tàu này (giá thuê tính theo chuyến) với tổng số tiền hơn 1. 210.000 USD. Thực hiện hợp đồng, ngày 21-12-2006, doanh nghiệp thuê tàu biển của Vinashinlines đã chuyển thêm hơn 54.000 USD (tương đương hơn 870 triệu đồng) vào tài khoản của bị cáo Hiển.

Cũng với con tàu trên, ngày 23-1-2007, Vinashinlines tiếp tục cho một doanh nghiệp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thuê (thuê theo chuyến) để khai thác vận tải biển với tổng giá trị hơn 243.700 USD. Kết thúc hợp đồng thuê mướn tài sản đó, ngoài số tiền phải trả theo giấy tờ, công ty nước ngoài thuê tàu còn phải trả thêm 895 triệu đồng cho Liêm cùng đồng phạm, qua tài khoản của bị cáo Hiển.

Bị đưa ra tòa xét xử, Trần Văn Khương - cựu Kế toán Vinashinlines

cho rằng chưa bao giờ tham ô tài sản

Cơ quan tố tụng xác định, bằng mánh khóe gửi giá cước trong quá trình cho thuê tàu biển, từ năm 2006 đến 2008, Liêm cùng 2 thuộc cấp đã chiếm đoạt cá nhân được hơn 15,2 triệu USD (tương đương hơn 249 tỷ đồng), thông qua hàng chục hợp đồng thuê mướn tài sản.

Tổng cộng, sau 2 hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, Liêm, Đạt và Khương đã “đút túi” hơn 15.974.000 USD, ứng với 260,5 tỷ đồng. Trong đó, cựu Tổng giám đốc Vinashinlines được xác định chiếm hưởng hơn 3,1 tỷ đồng; Trần Văn Khương chiếm hưởng 110.000 USD và Giang Kim Đạt trục lợi nhiều nhất với hơn 255, 6 tỷ đồng.

Mặc dù cáo trạng truy tố Đạt cùng đồng phạm như vậy, song trong ngày đầu bị thẩm vấn, cả 3 bị cáo bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” đều chối tội. Theo đó, cựu Tổng giám đốc Vinashinlines cho rằng, cáo trạng quy kết Liêm chủ mưu, thống nhất với Đạt lấy tiền “hoa hồng” khi mua 3 con tàu và gửi giá cước trong việc cho thuê 9 tàu là không đúng. 

Trần tình về nội dung cáo trạng tuy tố, bị cáo Liêm giải thích, quá trình nhận thầu, Đạt nói sẽ có nguồn tiền từ đối tác làm quà cho anh em, công ty. “Tôi hỏi Đạt, sao trong hợp đồng không có khoản này thì cậu ta nói không có trong hợp đồng mà do Đạt làm được. Tôi hỏi có nhiều không? Đạt nói không đáng bao nhiêu đâu anh” – cựu Tổng giám đốc Vinshinlines khai trước tòa.

Về số tiền 150.000 USD “đút túi”, bị cáo Liêm khai chỉ giữ lại 40.000 USD chi tiêu cá nhân và chi tiêu việc cơ quan. Còn lại 110.000 USD bị cáo đưa cho Khương và để ngoài sổ sách. Theo bị cáo này, số tiền đó cũng chỉ chi dùng chung cho anh em trong công ty và thưởng lễ tết. 

Tương tự đối với căn hộ chung cư tại TP HCM cùng mảnh đất ở Nha Trang và một xe ô tô, bị cáo Liêm lý giải đó đều là do tiền của bị cáo bỏ ra đầu tư riêng và hùn vốn chung đất với Đạt. Tuy nhiên, khi bị HĐXX “quay” về đường đi của những khoản tiền mua bất động sản và ô tô đó, cựu Tổng giám đốc Vinashinlines cho rằng tất cả đều do Đạt chủ động bỏ tiền ra trước và bị cáo sẽ hoàn trả lại Đạt sau.

Tại tòa, vị chủ tọa phiên xử thẩm vấn: “Khoản tiền hoa hồng 3 con tàu là 711.000 USD, tại sao là tổng giám đốc, bị cáo không biết và tại sao số tiền đưa cho bị cáo rất nhỏ”? Hồi đáp HĐXX, bị cáo Liêm nói: “Nếu tôi biết có việc đó, biết Đạt nhận tiền đó thì tôi sẽ không nói bị oan sai với tòa. Tôi chỉ giao cho anh việc này, anh làm khác đi thì đó là việc của anh”. 

Cũng giống như “sếp” của mình, trước tòa Giang Kim Đạt cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo không đúng. Bởi theo Đạt, tiền “hỏa hồng” trong các hợp đồng mua bán tàu là do các công ty bán tàu trích ra cho bị cáo. Việc gửi giá cước 9 tàu cũng không chính xác. Vì tất cả hợp đồng cho thuê tàu không thuê qua môi giới mà bị cáo làm việc trực tiếp với đối tác. 

Về phần mình, bị cáo Khương quả quyết: “Gần 40 năm làm việc trong cơ quan Nhà nước, bị cáo không hề tham ô”. Từ đó, cựu Kế toán trưởng Vinashinlines đề nghị tòa án trả lại sự trong sạch cho bị cáo. Ngay khi bước vào những nội dung thẩm vấn cụ thể, bị cáo Hiển cũng cho rằng tài liệu truy tố con trai ông ta là không chính xác.