Bị lừa vì muốn mua bằng đại học giả

ANTĐ - Thấy em họ đau đầu vì không có bằng cấp để xin việc làm, chị Hương sốt sắng nhận lời đặt mua giúp với giá gần 20 triệu đồng. Nhưng khi còn chưa biết “mặt mũi” tấm bằng đại học kia thế nào thì 2 người phụ nữ đã “tiền mất tật mang”.

Bị lừa vì muốn mua bằng đại học giả ảnh 1

Trần Tuấn Đạt tại phiên tòa sơ thẩm

Đầu tháng 1-2015, chị Vũ Lan Hương (SN 1977, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) sang nhà em họ là Nguyễn Thị Dung (SN 1978) cũng ở quận Đống Đa chơi. Trong câu chuyện, chị Dung  kể về việc từng theo học một lớp tại chức ở Trường Đại học Luật nhưng không thể tốt nghiệp được và ước ao có được một tấm bằng đại học giả để làm “giấy thông hành” khi xin việc làm. Nghe chuyện của cô em họ, chị Hương lập tức nhận lời giúp đỡ.

Sau lần đó, chị Hương liên tục vào mạng Internet tìm hiểu thông tin và thấy một quảng cáo với nội dung: “Có thể làm các loại bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp, chứng chỉ và các loại giấy tờ khác nhau, giá từ 1 triệu đồng đến 30 triệu đồng”. Kèm theo nội dung quảng cáo ấy là địa chỉ email và số điện thoại của chủ nhân tài khoản Facebook… Chị Hương gọi vào số điện thoại trên thì gặp Trần Tấn Đạt (SN 1992, trú ở xã Nghĩa Thành, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đạt thỏa thuận sẽ làm cho chị Hương một tấm bằng Đại học Luật tại chức giả với giá 19 triệu đồng. Chị Hương đã gửi vào tài khoản ở ngân hàng cho Đạt 6 triệu đồng sau đó gửi thông tin cá nhân và ảnh của chị Dung qua email cho Đạt.  Vài ngày sau, Đạt lại gọi điện cho chị Hương yêu cầu gửi thêm tiền. Đến ngày 29-1-2015, chị Hương đã gửi nốt số tiền còn lại. Tuy nhiên, nhiều ngày sau đó chị Hương vẫn không thể có được tấm bằng đại học giả.

Biết mình bị  lừa, chị Hương đã tới trình báo với cơ quan công an.  Sau khi nhận được đơn tố giác của bị hại, CATP Hà Nội đã nhanh chóng truy bắt được thủ phạm là Trần Tấn Đạt. Quá trình điều tra, cơ quan công an làm rõ giữa năm 2014, Đạt thường vào mạng Internet và biết nhiều người có nhu cầu mua bằng cấp giả. Từ đó, đối tượng tạo lập nhiều tài khoản Facebook, Email gắn với số điện thoại và mở nhiều tài khoản ở ngân hàng.

Những ai đặt mua văn bằng giả, Đạt yêu cầu họ gửi thông tin cá nhân, ảnh và chuyển trước 30% tổng số tiền thỏa thuận. Khi người mua bằng giả chuyển tiền vào tài khoản, đối tượng dùng thẻ ATM rút hết, rồi cắt liên lạc với họ… Tương tự thủ đoạn lừa bịp chị Hương, Trần Tấn Đạt còn chiếm đoạt của anh Nguyễn Mạnh Công (SN 1989, ở Đồng Nai) số tiền 15 triệu đồng, khi anh này cùng lúc đặt mua 3 văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp giả.

Bị đưa ra xét xử về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 226b-BLHS, Trần Tấn Đạt đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản thân. Trong khi đó, mặc dù không tham dự phiên xử nhưng cả chị Hương và anh Công đều có đơn đề nghị tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Xét thấy, cáo trạng truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và hậu quả không lớn nên HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Trần Tấn Đạt 36 tháng tù, cho hưởng án treo.

(Tên bị hại đã thay đổi)