Bị cáo Đinh Mạnh Thắng được giảm án do gia đình gặp cảnh éo le

ANTD.VN - Sau 4 ngày xét xử và nghị án, ngày 8-6, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với 4 bị cáo trong vụ án Trịnh Xuân Thanh – cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và đồng phạm tham ô tài sản, xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land).

Theo đó, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đinh Mạnh Thắng (SN 1962) - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà để giảm hình phạt từ 9 năm tù xuống còn 7 năm tù về tội “Tham ô tài sản”.

Tương tự, cùng với tội “Tham ô tài sản”, HĐXX phúc thẩm cũng chấp thuận kháng cáo và giảm từ 10 năm tù xuống còn 8 năm tù đối với bị cáo Thái Kiều Hương (SN 1973) - nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Vietsan.

Đối với kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa (SN 1965) - nguyên Kế toán trưởng Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty CP Minh Ngân cũng như đơn xin giảm nhẹ hình phạt của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (SN 1972), trú tại phường 10, quận 3, TP HCM, HĐXX phúc thẩm không chấp nhận do không có căn cứ pháp luật.

Đưa ra các quyết định nêu trên, thay mặt HĐXX phúc thẩm, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Ngô Hồng Phúc nhận định, cấp sơ thẩm đã có sự đánh giá, phân hóa vai trò của từng bị cáo. Chủ tọa cho hay, bị cáo Thắng, tại phiên phúc thẩm khai nhận rất thành khẩn, có nhiều thành tích, trả ngay số tiền đã chiếm đoạt. Khi bị bắt tạm giam, hoàn cảnh gia đình bị cáo Thắng rơi vào tình trạng éo le nên chấp nhận giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

HĐXX phúc thẩm vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm

Với bị cáo Hương, tòa phúc thẩm cho rằng, bị cáo có 3 con, là lao động chính trong gia đình, cấp sơ thẩm chưa xem xét về việc bị cáo có người thân có công với cách mạng. Từ đó, HĐXX phúc thẩm cũng chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bà Hương.

Với bị cáo Duy, tòa phúc thẩm thấy, mức hình 10 năm tù đã là nhẹ nên không có căn cứ giảm nhẹ hơn nữa. Theo tòa phúc thẩm, đối với bị cáo Thoa, cấp sơ thẩm cũng đã đánh giá bị cáo làm theo chỉ đạo của Lê Hòa Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty 1/5) và bị cáo có những giúp đỡ đáng kể trong quá trình điều tra.

“Tòa sơ thẩm đã xem xét giảm nhẹ, chỉ phạt 6 năm tù là phù hợp”, chủ tọa Ngô Hồng Phúc khẳng định. Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Thoa không đưa ra tình tiết mới, lại kêu oan nên không có căn cứ xem xét giảm nhẹ thêm.

Điểm  lại vụ án, HĐXX cho rằng, tại phiên tòa, một số luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng truy tố tội tham ô là chưa thỏa đáng. Trong đó, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nêu quan điểm Đinh Mạnh Thắng không tham ô mà là lợi dụng người có chức vụ, ảnh hưởng để trục lợi.

Luật sư Vũ Thị Kim Ngọc (bào chữa cho bị cáo Hương) nêu, thân chủ của luật sư không có động cơ chiếm đoạt nên đề nghị nếu quy kết chỉ có thể là không tố giác tội phạm, song hậu quả đã thu hồi. Luật sư của bị cáo Duy cho rằng, thân chủ không biết các bên ký hợp đồng chuyển nhượng là 34 triệu đồng/m2. Từ đó, luật sư đề nghị tuyên bố thân chủ không tham ô và có chăng là chiếm giữ trái phép tài sản.

Trong khi đó, VKSND Cấp cao tại Hà Nội khẳng định, có đầy đủ cơ sở, căn cứ để quy kết các bị cáo đồng phạm với Trịnh Xuân Thanh về tội “Tham ô tài sản”.

Về phần mình, HĐXX phúc thẩm nhận thấy, Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam có phần lớn vốn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và PVP Land có phần lớn cổ phần của PVC.

Bị cáo Đinh Mạnh Thắng (đeo kính) và đồng phạm tại phiên tòa phúc thẩm.

Trong khi đó, Đào Duy Phong (SN 1958) - cựu Chủ tịch HĐQT PVP Land và Trịnh Xuân Thanh là người có chức vụ, quyền hạn ký chuyển nhượng số cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương (PVP Land là cổ đông lớn). Thực tế các bị cáo đã thỏa thuận chuyển nhượng 34 triệu đồng/m2, tạo ra chênh lệch 87 tỷ đồng. Số tiền mà các bị cáo đã chiếm đoạt được (49 tỷ đồng) là tiền của Nhà nước.

Hành vi của các bị cáo đã bị cấp sơ thẩm quy kết tội “Tham ô tài sản” và bị áp dụng những hình phạt rất nghiêm khắc. “Vấn đề quan trọng, cần xem xét các bị cáo kháng cáo có quan hệ như thế nào, thực hiện hành vi ra sao, có giúp sức hay không”, chủ tọa nêu.

Tại phiên phúc thẩm, tòa thấy thực chất bị cáo Thoa không kêu oan có chăng là quy kết không đúng tội danh. Bị cáo nói nếu quy kết không tố giác tội phạm, bị cáo đồng tình. Song thực tế, tại CQĐT, bị cáo khai có biết chi tiền chênh lệch mua bán cổ phần nhưng vẫn thực hiện theo yêu cầu của Lê Hòa Bình.

Tòa phúc thẩm thấy, bị cáo Thoa với chức vụ kế toán, tham mưu cho Bình ký kết hợp đồng với PVP Land. Biết rõ giá chuyển nhượng 52 triệu đồng/m2 nhưng vẫn giúp Thanh, Phong ký hợp đồng chỉ với giá 34 triệu đồng/m2. Bị cáo còn chuyển tiền chênh lệch 49 tỷ đồng. Do đó, việc quy kết bị cáo đồng phạm là có căn cứ, không oan.

Đối bị cáo Thắng, Hương và Duy, HĐXX phúc thẩm thấy việc quy kết những người này đồng phạm tham ô với vai trò giúp sức là không oan nên không chấp nhận chuyển tội danh. HĐXX thấy, bị cáo Duy là người môi giới xuyên suốt trong việc mua bán cổ phần. Mặc dù bị cáo khai biết giá chuyển nhượng 52 triệu đồng nhưng vẫn tiếp nhận ý chí của Trịnh Xuân Thanh để tham gia ký kết hợp đồng chuyển nhượng chỉ với giá 34 triệu đồng/m2.

Ngoài ra, lời khai của Lê Hòa Bình thể hiện có việc chuyển tiền cho các bị cáo trong vụ án. Hành vi của các bị cáo đồng phạm tham ô là có căn cứ nên không thể chuyển đổi tội danh.

Đối với bị cáo Thắng , TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng lời khai trong giai đoạn điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm thể , bị cáo tác động đến Trịnh Xuân Thanh để chuyển nhượng cổ phần chỉ với giá 34 triệu đồng/m2. Bị cáo được nhận 5 tỷ và chuyển giúp Hương 14 tỷ đồng cho Thanh.

Sau khi vụ án tại Công ty 1/5 xảy ra, Thắng tổ chức cho Hương gặp Thanh và nhận lại 19 tỷ đồng. HĐXX phúc thẩm đồng tình với cấp sơ thẩm khi cho rằng, Thắng là người chấp nối Hương, Duy với Thanh. Vì thế, hành vi của bị cáo này bị cấp sơ thẩm quy kết với vai trò đồng phạm tham ô tài sản là có căn cứ.

Tương tự, bị cáo Hương trực tiếp nhận tiền để chuyển cho bị cáo Thắng. “Do vậy, hành vi của bị cáo bị quy kết tham ô tài sản với vai trò giúp sức cho Trịnh Xuân Thanh là có căn cứ, đúng pháp luật” – HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội kết luận.