Bị cáo Đinh La Thăng xin thay đổi biện pháp ngăn chặn - VKS đối đáp lần 2

ANTD.VN - Chiều 16-1, phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch Hội đồng viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và đồng phạm tiếp diễn với phần tự bào chữa bổ sung của các bị cáo và đối đáp lần thứ 2 của Viện kiểm sát (VKS).

Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa bổ sung

Lên tiếng tự bào chữa bổ sung, bị cáo Đinh La Thăng đề nghị HĐXX và đại diện VKS xem xét phát biểu của VKS về xác nhận của giám định viên Bộ Tài chính là nếu không có việc sử dụng tiền sai mục đích thì không có thiệt hại cho PVN. Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng trong phần luận tội, VKS không nói tới điều này.

Tiếp đến, nguyên Chủ tịch HĐTV - PVN xin HĐXX và cơ quan công tố xem xét cho các bị cáo của vụ này bị truy tố về tội “Cố ý làm trái” được thay đổi biện pháp ngăn chặn vì ông chắc rằng sẽ không có bị cáo nào có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội nữa.

Bị cáo Đinh La Thăng trước tòa 

Đến lượt mình, bị cáo Phùng Đình Thực – nguyên Tổng giám đốc PVN trình bày thêm, 3 văn bản bị cáo không nhận được và đã được chứng minh rất rõ. Với một khối lượng công việc của tập đoàn rất nhiều, số lượng công văn (năm 2.011 có trên 48 nghìn văn bản đến và 18-19 nghìn văn bản đi), nếu tất cả các văn bản này Tổng Giám đốc buộc phải biết thì rất khó.

Theo bị cáo Thực, PVN có sự phân công rất rõ ràng, quy định tại điều lệ của Tập đoàn. Bị cáo không cố ý làm trái các quy định của Nhà nước và cũng không ưu ái PVC làm tổng thầu. “Khi phát hiện ra hợp đồng 33 sai, bị cáo đã cho kiểm tra ngay. Và khi phát hiện việc sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích thì bị cáo cũng đã yêu cầu hoàn lại số tiền này cho PVN” – nguyên Tổng Giám đốc PVN phân trần.

Bào chữa bổ sung, bị cáo Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng Giám đốc PVC tiếp tục thừa nhận hành vi như kết luận điều tra và cáo trạng đã truy tố. Tương tự, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN nói: “Bị cáo hoàn toàn nhận trách nhiệm về những sai phạm đã xảy ra, bị cáo hết sức ân hận về lỗi lầm của mình”. Riêng bị cáo Trịnh Xuân Thanh không phát  biểu bào chữa bổ sung.

VKS không chỉ quan tâm chứng cứ buộc tội

Đối đáp lần thứ 2, VKS nêu quan điểm, liên quan đến tội “Tham ô tài sản”, VKS đã đưa ra ý kiến phân tích, đánh giá chứng cứ hết sức khách quan, phù hợp với chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án. VKS cho rằng về mặt chứng cứ không có gì mới. Những vấn đề đã được phân tích, đánh giá đủ cơ sở để xác định hành vi phạm tội của bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Đối với nội dung bào chữa của các luật sư cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh về hành vi cố ý làm trái, VKS thấy cũng không có gì mới so với tranh luận trước đó. Xoay quanh phần đối đáp chỉ là quan điểm đánh giá chứng cứ của VKS và quan điểm đánh giá của các luật sư. “Đề nghị HĐXX căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, căn cứ vào quá trình thẩm vấn công khai tại phiên tòa để quyết định” – VKS đề nghị.

HĐXX vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm 

Tiếp tục nhìn nhận về quan điểm của các luật sư, VKS cho rằng trong ngày hôm qua, phiên tòa đã thể hiện được sự dân chủ, qua phần tranh luận của các luật sư, các luật sư đều nêu quan điểm đối đáp và yêu cầu VKS tranh luận lại. Qua phần đối đáp hôm qua, VKS cơ bản đã trả lời hết các ý luật sư nêu ra.

Theo VKS, cùng một vấn đề, cùng một nguồn chứng cứ có cách đặt vấn đề, quan điểm, cách tiếp cận khác nhau, đó là chuyện bình thường. Luật sư bảo vệ cho các thân chủ bị cáo buộc, còn VKS thực hiện việc thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Luật sư nhắc tới tinh thần của Bộ luật Tố tụng hình sự mới, VKS hiểu rõ tinh thần này. Vì thế VKS không chỉ nhăm nhăm vào các chứng cứ buộc tội.

Đối đáp lần thứ 2, VKS nhìn nhận, các luật sư đề cập nhiều đến vấn đề kinh nghiệm, năng lực nhà thầu PVC. Ngay trong cáo trạng, hồ sơ, lời khai tại tòa của các bị cáo cũng thừa nhận việc PVN chỉ định PVC làm tổng thầu là không đúng nghị quyết của HĐTV PVN. Quá trình lập luận, VKS đã cá thể hóa trách nhiệm của từng bị cáo.

Về năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm, VKS cho rằng phần đối đáp hôm qua đã đưa ra các con số cụ thể. Chính PVC đã thừa nhận thời điểm ký hợp đồng số 33 không đủ năng lực, kinh nghiệm đối với Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (Dự án Thái Bình 2).

Tại báo cáo giải trình của PVC khi nói về quá trình triển khai dự án (gửi cho HĐXX và VKS), khi dự án này bị kéo dài, báo cáo đã thừa nhận PVC chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn như Dự án Thái Bình 2 nên chưa lường hết khó khăn...“Điều lạ là, bản thân người trong cuộc thừa nhận không đủ năng lực và kinh nghiệm, nhưng người ngoài lại cứ bảo PVC đủ rồi” - Kiểm sát viên nêu lên ý kiến nhìn nhận việc này.

Mức độ thiệt hại được đánh giá khác nhau

Theo cơ quan thực hành quyền công tố, phát triển phải có lộ trình, không chỉ là nguồn vốn mà còn là công nghệ, nguồn nhân lực. Đưa một dự án quá sức của họ thì sẽ để lại hậu quả và thực tế là hậu quả đã xảy ra. Luật sư dẫn chứng về cầu Chương Dương, nhiệt điện... Nhưng nếu các vị luật sư nêu dẫn chứng về Dự án Ethanol Phú Thọ sẽ thấy xót xa thế nào.

Về thiệt hại, xác định có hay không có thiệt hại, mức độ thế nào? VKS nêu quan điểm các bị cáo, trong đó có cả chuyên gia tài chính như bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cũng thừa nhận là có thiệt hại. Chỉ có điều mức độ thiệt hại được đánh giá khác nhau. Thiệt hại ở đây là thiệt hại đã xảy ra, chứ không phải là thiệt hại dự báo hay thiệt hại tương lai.

Đại diện VKS thực hành quyền công tố tại phiên tòa bày tỏ quan điểm đối đáp lần 2

Về việc áp dụng điều luật trong vấn đề bồi thường thiệt hại, có luật sư nói cơ quan tố tụng “lẫn lộn”. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự là bộ luật gốc, là định hướng cho các luật chuyên ngành. Ngay trong Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định về việc giải quyết dân sự trong vụ án hình sự. Nguyên tắc bồi thường được quy định rất rõ nên VKS căn cứ vào đó để xác định việc bồi thường.

Về việc luật sư nêu trong Bộ luật Hình sự mới không còn quy định Điều 165 về tội “Cố ý làm trái…”, từ đó đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho thân chủ. VKS thấy rằng việc áp dụng Bộ luật Hình sự 2015 có Nghị quyết 41 của Quốc hội, quy định có một số loại tội, trong đó có tội “Cố ý làm trái”, xảy ra trước 0h ngày 1-1-2018, đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì vẫn xử lý.

Đối với việc cá thể hóa trách nhiệm của các bị cáo, VKS đã đánh giá, xem xét hành vi của các bị cáo trong một xâu chuỗi các hành vi. VKS khẳng định là đã xem xét hành vi, vai trò của từng bị cáo, không phải đánh giá trách nhiệm các bị cáo theo “bảng lương”.

Về trách nhiệm của từng bị cáo trong vụ án, VKS nhìn nhận vai trò chủ mưu xuyên suốt của bị cáo Đinh La Thăng. Vai trò của các bị cáo sau ở PVN là biết nhưng vẫn thực hiện, đó là hành vi cố ý làm trái. “VKS thấy có đủ quan điểm buộc tội các bị cáo. Trên cơ sở buộc tội của VKS, HĐXX sẽ cân nhắc xem xét để ra bản án có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật” – đại diện VKS tại phiên tòa kết thúc đối đáp lần 2.

Ngày 17-1, phiên tòa chuyển sang phần lời nói sau cùng dành cho các bị cáo.