Bị bạn rượu rủ rê trong vụ án giết người, căn cứ nào để xác định là đồng phạm?

ANTD.VN - Đoàn Quốc T. (SN 1975) và Trần Văn K. (SN 1975) là bạn bè cùng thôn. T. có cho K. mượn số tiền 150 triệu đồng nhưng không có giấy tờ vay nợ. Khi mượn tiền, K. hứa với T. là 1 năm sau sẽ trả đủ cả vốn lẫn lãi (lãi tính theo lãi suất ngân hàng). 

Nội dung vụ việc

Tuy nhiên, sau 2 năm K. vẫn chưa trả. T. đã nhiều lần đến nhà K. đòi tiền, nhưng K nhất quyết không trả và nói không có bằng chứng về việc T. cho K. vay tiền, đồng thời K. còn thách thức khiến T. vô cùng tức giận. Một lần T. gặp Đỗ Hoàng Đ. (SN 1974, là bạn cùng thôn) tại quán rượu. T. kể cho Đ. nghe về việc cho K. mượn tiền và nói: “Mai tao đến nhà thằng K. đòi tiền, nếu nó không trả tiền tao đâm chết”. Rồi T. nói với Đ: “Mày đi với tao nhé?” nhưng Đ. không nói gì. Hôm sau, T. một mình đến nhà K. nhưng không có ai ở nhà. 2 ngày sau, T. lại đến nhà K., khi đi cầm theo một con dao nhọn.

Trên đường đi, T. gặp Đ. và nói: “Mày đến nhà thằng K. với tao không?” mặc dù nhìn thấy T. mang theo dao nhưng Đ. vẫn nói: “Đi”. Khi cả hai đến nhà K. thì có một mình K. ở nhà. T. vào nhà nói chuyện với K., còn Đ. ở ngoài sân nhà K. hút thuốc lá. Một lúc sau Đ. nghe thấy một tiếng động rất mạnh liền chạy vào thì thấy K. đã chết, trên tay T. đang cầm một con dao dính máu. Thấy Đ., T. nói: “Tao giết chết thằng K. rồi”. Sau đó, Đoàn Quốc T. và Đỗ Hoàng Đ. bị cơ quan công an bắt giữ.

Vấn đề đặt ra là trong vụ việc này là Đỗ Hoàng Đ. có phải đồng phạm với Đoàn Quốc T. về tội giết người hay không?

Ý kiến bạn đọc

Không đồng phạm tội giết người 

Thời điểm Đoàn Quốc T. và Đỗ Hoàng Đ. gặp nhau ở quán rượu cách thời điểm thực hiện hành vi giết người của T. là 3 ngày. Hơn nữa, khi nghe T. nói nếu Trần Văn K. không trả tiền sẽ đâm chết K., Đ. cũng không nói gì. Do đó không có đủ căn cứ để kết luận Đ. đồng phạm tội giết người bởi không có căn cứ, tình tiết nào chứng minh ý chí chủ quan của Đ. là thống nhất với T. về việc thực hiện hành vi giết anh K. Hơn nữa trong vụ việc này mặc dù Đ. có đến nhà K. cùng T., tuy nhiên Đ. hoàn toàn không có bất cứ hành động nào để cùng thực hiện tội phạm với T. Khi T. đã dùng dao đâm chết K. thì Đ. mới biết sự việc nên Đ. không là đồng phạm về tội giết người.

Đỗ Quỳnh Anh (Đống Đa - Hà Nội)

Đồng phạm tội giết người

Căn cứ vào nội dung vụ việc có thể thấy Đỗ Hoàng Đ. đã biết rõ ý định giết anh Trần Văn K. của Đoàn Quốc T. nhưng đã không có ý kiến gì. Đ. im lặng khi nghe T. nói về kế hoạch giết K. tức là Đ. đồng ý với ý định đó của T. Quá trình thực hiện hành vi phạm tội của T. có sự chuẩn bị, tính toán từ trước, ở đây vai trò của T. là người chủ mưu và là người thực hành tích cực có vai trò quyết định hậu quả chết người đối với anh K. Còn đối với Đỗ Hoàng Đ., hành vi cũng được diễn ra có sự liên tục từ khi bắt đầu tiếp nhận ý chí, đến việc cùng tham gia, mặc dù sự tham gia hành vi của Đ. chỉ là với vai trò giúp sức nhưng cũng cho thấy sự nguy hiểm. Do đó, khi gặp nhau ở ngoài đường, T. rủ Đ. đến nhà K., Đ. đã đi luôn mà không từ chối. Như vậy, Đ. đồng phạm tội giết người với vai trò giúp sức.

Nguyễn Mỹ Duyên (Hương Sơn - Hà Tĩnh)

Đã thống nhất về ý chí

Từ diễn biến của vụ việc cho thấy đã có các tình tiết chứng minh ý chí chủ quan của Đỗ Hoàng Đ. đã thống nhất với Đoàn Quốc T. về việc thực hiện hành vi giết anh Trần Văn K. Cụ thể, sau khi được T. tâm sự về nguồn cội của mâu thuẫn giữa T. và K., đáng lý ra khi T. rủ Đ. đi đòi tiền thì Đ. phải có sự căn ngăn hay khuyên nhủ T. không được thực hiện việc đó, nhưng Đ. đã không nói gì. Tôi cho rằng, sự im lặng của Đ. được coi là sự tiếp nhận ý chí, vì Đ. không có sự khuyên nhủ hay can ngăn. Mặc dù, hậu quả trực tiếp anh K. chết là do hành vi của H. gây nên nhưng hậu quả của tội phạm là kết quả hoạt động chung của những người đồng phạm. Chính vì vậy, Đỗ Hoàng Đ. đồng phạm với Đoàn Quốc T. về tội giết người. 

   Hoàng Tuấn Anh (Đông Hưng - Thái Bình)

Bình luận của luật sư

Đồng phạm là một khái niệm pháp lý nói lên quy mô tội phạm, được thể hiện trong một vụ án có nhiều người tham gia. Tuy nhiên, không phải cứ có nhiều người tham gia là đồng phạm, mà nhiều người tham gia đó phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, nếu có nhiều người phạm tội nhưng không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm. Giữa những người phạm tội đó có sự bàn bạc, thống nhất trước khi thực hiện tội phạm hoặc có sự tiếp nhận về mặt ý chí giữa những người phạm tội.

Chế định đồng phạm quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 có 2 loại mà theo khoa học luật hình sự gọi là đồng phạm giản đơn và đồng phạm phức tạp (phạm tội có tổ chức). Theo đó đồng phạm giản đơn là trường hợp tất cả những người cùng thực hiện một tội phạm đều là người thực hành.

Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (khoản 2, Điều 17, Bộ luật Hình sự 2015) là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu và là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia.

Trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu. Khoản 3, Điều 17, Bộ luật Hình sự 2015 xác định người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Về căn cứ để xác định vụ án đồng phạm:

Thứ nhất: Căn cứ khách quan gồm căn cứ vào số lượng người tham gia trong vụ án, căn cứ vào tính liên kết về hành vi cùng thực hiện một tội phạm, căn cứ vào hậu quả do vụ án đồng phạm gây ra.

Thứ hai: Căn cứ chủ quan. Tất cả những người trong vụ án đồng phạm phải có hình thức lỗi cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Tất cả họ đều thấy rõ hành vi của toàn bộ những người trong vụ án đều nguy hiểm cho xã hội. Mỗi người đồng phạm đều thấy trước hành vi của mình và hành vi của người đồng phạm khác trong vụ án đồng phạm là nguy hiểm, thấy trước hành vi của tất cả những người đồng phạm đều là nguyên nhân dẫn đến hậu quả tác hại. 

Trong vụ việc này có thể thấy, khi Đoàn Quốc T. và Đỗ Hoàng Đ. gặp nhau tại quán rượu, T. kể cho Đ. nghe về việc cho Trần Văn K. mượn tiền và nói: “Mai tao đến nhà thằng K. đòi tiền, nếu nó không trả tiền tao đâm chết”. Rồi T. nói với Đ.: “Mày đi với tao nhé” nhưng Đ. không nói gì. Hai ngày sau, T. lại đến nhà K., khi đi cầm theo một con dao nhọn. Trên đường đi, T. gặp Đ, T. nói: “Mày đến nhà thằng K. với tao không?” thì Đ. nói: “Đi”. Như vậy Đỗ Hoàng Đ. ở đây có sự tiếp nhận ý chí về việc thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng một cách trái pháp luật đối với anh K. (hành vi giết người). Xét ở mặt khách quan và chủ quan của đồng phạm, cho chúng ta thấy:

 Thứ nhất, ở mặt khách quan: Một là, về số lượng có từ 2 người trở lên và người đó đủ điều kiện chủ thể tham gia tội phạm; Hai là, những người đồng phạm cùng thực hiện một tội phạm.

Thứ hai, ở mặt chủ quan xét ở yếu tố lỗi thì: Một là, về lý trí: Trong nhận thức của cả T. và Đ. đều phải biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, phải thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình cũng như hậu quả chung của tội phạm mà họ tham gia thực hiện. Hai là, về ý chí: Những người đồng phạm mong muốn có hoạt động chung và cùng mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. 

Từ diễn biến của vụ án cho thấy có các tình tiết chứng minh ý chí chủ quan của Đ. đã thống nhất với T. về việc thực hiện hành vi giết K. Cụ thể: Sau khi được T. tâm sự về nguồn cội của mâu thuẫn giữa T. và K., đáng lý ra khi T. nói: “Mai tao đến nhà thằng K. đòi tiền, nếu nó không trả tiền tao đâm chết”; rồi T. nói với Đ.: “Mày đi với tao nhé?” thì Đ. phải có sự căn ngăn hay khuyên nhủ T. không được thực hiện việc đó, nhưng Đ. không nói gì.

Ở đây, sự im lặng được coi là sự tiếp nhận ý chí vì Đ. không có sự khuyên nhủ hay can ngăn. Nói cách khác trong ý chí của Đ. lúc này đã biết trước được kế hoạch của T., Đ. không tỏ thái độ phản đối cũng không đồng tình mà ngấm ngầm phó mặc cho hậu quả có thể xảy ra. Hai ngày sau đó, T. lại đến nhà K., trong người có thủ sẵn con dao nhọn. Khi gặp Đ., T. hỏi: “Mày đến nhà thằng K. với tao không?” thì Đ. nói: “Đi”, lúc này về ý chí và lý trí cả T. và Đ. đều hoàn toàn tỉnh táo.

Đáng lẽ lúc này Đ. phải tỏ thái độ không đồng tình hoặc phản đối, ngăn cản hành vi trái pháp luật của T., nhưng rõ ràng Đ. vẫn tỏ thái độ đồng tình và đi cùng T. đến nhà K. Lúc T. vào nhà K. thì Đ. đứng ngoài cổng, Đ. phải ý thức được rằng việc T. mang theo dao vào nhà K. là để thực hiện hành vi giết người. Như vậy, hành vi của Đ. từ chỗ không tỏ rõ thái độ, nhận lời cùng đi giết K. với T. cho đến hành vi đứng ngoài cổng nhà K., đây đều là những hành vi giúp sức cho T. thực hiện tội phạm.

Bởi vì Đ. có hành vi giúp sức, cùng đi, đứng ở ngoài… nên đã củng cố thêm sự quyết tâm, liều lĩnh mà T. thực hiện hành vi giết K. Đặt ra tình huống nếu không có sự tham gia của Đ. chưa chắc T. đã có quyết tâm giết K. Vì, có Đ. đi theo nên sự quyết tâm của T. càng được củng cố hơn vì tâm lý có đông người tham gia thì những người thực hiện tội phạm thường dựa vào sức mạnh tập thể nên T. mới có sự liều lĩnh, táo bạo như vậy. Do đó theo chúng tôi, trong vụ việc này Đ. là đồng phạm với T. về tội giết người với vai trò giúp sức.

Luật sư Hoàng Anh Tuấn (Văn phòng Luật sư Anh Tuấn và cộng sự)