"Bày binh bố trận" đưa hàng loạt doanh nghiệp vào bẫy lừa

ANTD.VN - Chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh, Nguyễn Bá Tuấn đã “bày binh bố trận” lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sắt thép trên địa bàn Hà Nội.

Vừa qua, CAH Thạch Thất, Hà Nội đã khám phá, bắt giữ đối tượng chuyên gây ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn hết sức tinh vi.

Liên hệ đặt mua sắt thép qua Zalo

Trước đó, ngày 30-7, Cơ quan CSĐT- CAH Thạch Thất, Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Bá Tuấn (SN 1985, trú tại thôn Chi Quan 1, thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan Công an lấy lời khai của đối tượng Nguyễn Bá Tuấn

Theo tài liệu điều tra, vào tháng 4-2018, Nguyễn Bá Tuấn đã lên mạng internet tìm tên, địa chỉ và số điện thoại của các Công ty kinh doanh sắt thép. Sau đó Tuấn sử dụng sim rác, lên mạng xã hội Zalo lập tài khoản với tên Nguyễn Nam và liên hệ với các doanh nghiệp theo số điện thoại đã tìm trước đó để hỏi mua hàng.

Tuấn tự nhận là Nam, nhân viên của Công ty TNHH Cổ phần xây dựng Lập Tín, trụ sở tại xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Trong tất cả các cuộc giao dịch Tuấn đều nhận công ty đang có công trình cần sắt thép gấp, sau khi giao dịch sẽ trả tiền mặt đầy đủ.

Vào ngày 12-6, Tuấn lên mạng và liên lạc với Phó Giám đốc Công ty Đức Mậu có địa chỉ tại quận Hai Bà Trưng, đặt mua 344 cây hộp mạ kẽm chữ nhật với các kích thước khác nhau. Hai bên đã thỏa thuận và thống nhất giá cả, và công vận chuyển với tổng chi phí là hơn 90 triệu đồng. Ngay sau đó, nhân viên Công ty này đã vận chuyển số hàng đến địa điểm Tuấn chỉ định tại Khu công nghiệp Phùng Xá, huyện Thạch Thất.

Cùng lúc này, Tuấn gọi điện cho một số Công ty trên địa bàn Thạch Thất mời mua số hàng này với giá bán cân, và một cơ sở kinh doanh đã đồng ý mua với giá 76 triệu đồng.

Nguyễn Bá Tuấn tại cơ quan Công an

Ngay sau khi hàng được vận chuyển đến điểm hẹn, Tuấn cho cẩu hạ số sắt thép xuống. Lúc này, Tuấn nói với lái xe của Công ty Đức Mậu để hàng hóa lại và chở Tuấn đến trụ sở công ty để lấy tiền. Cùng lúc đó, người của bên thứ 3 được Tuấn mời mua số hàng đã đến và mang số hàng đi.

Sau khi đưa lái xe đến một địa điểm được cho là Công ty của Tuấn, Tuấn nói với lái xe là ngồi lại, chờ đối tượng lên trên phòng lấy tiền. Tuy nhiên, sau đó, Tuấn tìm cách bỏ trốn. Phát hiện đối tượng có nhiều biểu hiện nghi vấn nên lái xe đã theo sát và thông báo Cơ quan Công an bắt giữ Nguyễn Bá Tuấn khi đang chạy trốn.

Tại cơ quan công an, Tuấn khai trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2018, Tuấn đã trao đổi qua Zalo với đại diện của hơn 10 công ty, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, do một số công ty đã yêu cầu Tuấn chuyển tiền cọc bằng tài khoản của Công ty Tuấn đang làm việc nên đối tượng đành “ngậm ngùi” rút lui. Một số doanh nghiệp khác vì lơ là, thiếu sự cảnh giác nên đã “sập bẫy”. Trong đó vào tháng 4 - 2018 Tuấn đã thực hiện trót lọt một vụ, lừa đảo chiếm đoạt gần 90 triệu đồng.

Điều đặc biệt, trong ngày 12-6, sau khi Tuấn bị bắt khoảng 1h, một doanh nghiệp khác vẫn liên hệ để chuyển hàng cho Tuấn. Ngay sau đó, lực lượng Công an đã kịp thời thông báo, ngăn chặn tránh sự thiệt hại cho doanh nghiệp.

Theo cơ quan công an, Nguyễn Bá Tuấn từng có tiền án về tội chiếm đoạt tài sản.

Cần sự thận trọng trong giao dịch với khách hàng

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, Đại úy Cao Qúy Hải, Đội trưởng đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy, môi trường, CAH Thạch Thất cho biết: “Trong vụ án này, đối tượng đã sử dụng phương thức thủ đoạn hết sức tinh vi, am hiểu về công nghệ và lĩnh vực kim khí để lừa đảo các nạn nhân. Trong các vụ lừa đảo mà Tuấn đã gây ra, hàng hóa có khối lượng lớn, giá trị cao. Thậm chí đối tượng đã một mình dàn dựng kịch bản hết sức chi tiết, để nạn nhân hoàn toàn tin tưởng, và “vô tình” phối hợp để Tuấn thực hiện trót lọt hành vi phạm tội”.

Cụ thể, đối tượng đã tính toán chi tiết từng giai đoạn thực hiện hành vi phạm tội, từ việc lên mạng tìm kiếm thông tin để giao dịch qua Zalo với các doanh nghiệp, đến việc thỏa thuận và yêu cầu nạn nhân chuyển hàng hóa, dàn dựng để những người liên quan tham gia vào kế hoạch một cách bình thường, mà không hề phát hiện.

Những người mà đối tượng này nhắm đến là các công ty có tư cách pháp nhân, thường giao dịch qua điện thoại, qua mạng Zalo. Đối tượng đã lợi dụng các sơ hở trong giai đoạn giao dịch để bị hại “sập bẫy”.

Đại úy Cao Qúy Hải  khuyến cáo: “Qua vụ án này, cơ quan chức năng khuyến cáo các doanh nghiệp cần cảnh giác, thận trọng trong giao dịch. Cảnh giác từ khâu kiểm tra thông tin đối tác, mặt pháp lý của đối tượng giao dịch, khâu chuyển hàng hóa, từng bước tránh việc bị đối tượng lợi dụng sơ hở để gây án. Qúa trình giao dịch phải thận trọng từng bước. Bởi lẽ, ngay trong vụ án này, đối tượng là người từng hoạt động trong lĩnh vực kim khí nên dễ gây được lòng tin của các chủ doanh nghiệp".