Bắt tạm giam 3 lãnh đạo TCTy Mía đường 2
(ANTĐ) - Ngày 20-2, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Cục CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV (C15) Bộ Công an đã đồng loạt thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 3 cán bộ lãnh đạo Tổng Công ty Mía đường 2, gồm Lê Minh Diện (SN 1947), trú tại đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc; Nguyễn Cao Hùng (SN 1945), trú tại Lê Thánh Tôn, quận 1, TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó Tổng giám đốc và Đỗ Hải Triều (SN 1951), trú tại quận 5, TP Hồ Chí Minh, nguyên Chánh văn phòng.
Trước đó, 3 ông này đã bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Được biết trước đó vụ việc tiêu cực xảy ra ở Tổng Công ty Mía đường 2 đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng xem xét, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Theo tài liệu điều tra của Phòng 11 - Cục 15, lợi dụng chủ trương đền bù, hỗ trợ GPMB một số dự án trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các ông Diện, Hùng, Triều đã có chủ ý khi ký nhiều văn bản không chính xác gửi các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh, qua đó để được xét làm hồ sơ hợp thức hóa 10 hộ gia đình tập thể là cán bộ nhân viên của Tổng Công ty Mía đường 2. Với cách làm này, 3 cán bộ Tổng Công ty cùng các hộ dân trên đã gây thiệt hại cho nhà nước 2,333 tỷ đồng. Trong đó 10 hộ dân chiếm đoạt trên 1,3 tỷ đồng. Số cán bộ lãnh đạo Tổng Công ty giữ lại hơn 926 triệu đồng.
Sai phạm của các ông Diện, Hùng, Triều diễn ra trong 2 dự án liên quan đến đất đai của Tổng Công ty Mía đường 2. Trước tiên là hành vi gian lận đối với 3 căn hộ tập thể ở nhà khách bến Vân Đồn, quận 4 để nhận 1,265 tỷ đồng tiền đền bù giải tỏa nhà khách bến Vân Đồn, quận 4. Ngày 25-2-2002, UBND TP Hồ Chí Minh gửi thông báo và phương án di chuyển các hộ dân cư, cơ quan, đơn vị... để thực hiện dự án Cải thiện môi trường nước TP Hồ Chí Minh thuộc khu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi Tẻ giai đoạn 1.
Đọc lệnh bắt tạm giam đối với nguyên Phó Tổng giám đốc Nguyễn Cao Hùng |
Căn cứ phương án đền bù, nhà khách của Tổng Công ty Mía đường 2 ở bến Vân Đồn nằm trong khu vực đất lưu không, chỉ được đền bù hỗ trợ giá trị công trình xây dựng trên đất khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, 3 cán bộ lãnh đạo của Tổng Công ty đã “phù phép”, hợp thức hóa giấy tờ để 3 hộ dân là bà Trần Thị Sơn, ông Lê Đức Tài và ông Nguyễn Xuân Thu được hưởng tiền đền bù, hỗ trợ ở mức cao. Trên cơ sở đó, 3 hộ này đã được nhận đền bù số tiền hơn 1,2 tỷ đồng, trong đó bà Sơn được 474 triệu đồng, ông Tài được 319 triệu đồng và ông Thu được 469 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, 3 hộ dân chỉ được chia 266 triệu (bởi thực chất họ đã đều được Tổng Công ty bố trí nơi ở mới). Đáng chú ý, theo lời khai của ông Triều, phía Tổng Công ty đã chi 70 triệu đồng để “cảm ơn” cán bộ dự án. Số tiền hơn 926 triệu đồng bị Tổng Công ty giữ lại.
Sai phạm thứ hai cũng liên quan đến công tác GPMB. Ngày 16-1-2003, Hội đồng đền bù GPMB dự án đầu tư sửa chữa phục hồi cầu Mống, nằm trên địa bàn quận 4, gửi phương án đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư đến Tổng Công ty Mía đường 2. Đối chiếu quy định phương án đền bù, 7 hộ dân đều là cán bộ nhân viên Tổng Công ty Mía đường 2 chỉ được hỗ trợ tài sản trên đất trên 182 triệu đồng. Nhưng Ban lãnh đạo Tổng Công ty đã hợp thức hóa giấy tờ để họ được nhận số tiền đền bù là hơn 1,068 tỷ đồng. Hộ ít nhất được 93 triệu đồng, nhiều nhất là 234 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi nhận được tiền, cả 7 hộ dân đều không liên hệ với các ông Diện, Hùng, Triều; không thực hiện theo thỏa thuận “ngầm” với Ban lãnh đạo Tổng Công ty Mía đường 2 là nộp tiền để Tổng Công ty “phân phối”. Trước đó, 7 hộ này đã được Tổng Công ty Mía đường 2 cấp nhà nơi khác. Cùng với việc khởi tố, bắt tạm giam 3 cán bộ Tổng Công ty Mía đường 2 nói trên, CQĐT Bộ Công an cũng sẽ xem xét trách nhiệm một số cán bộ BQL 2 dự án liên quan đến hành vi tiêu cực của một số cán bộ lãnh đạo Tổng Công ty Mía đường 2 TP Hồ Chí Minh.
Minh Hà