Bắt đầu phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm

ANTD.VN - 8h15 sáng nay (8-1), TAND TP Hà Nội chính thức khai mở phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoản 3, Điều 165-BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. 

Cùng vụ án, Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) bị truy tố về 2 tội là “Có ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”, theo Điều 278-BLHS.

Bị cáo Đinh La Thăng trả lời các câu hỏi kiểm tra căn cước của HĐXX 

Liên quan đến vụ án còn có 20 bị cáo khác (phần lớn đều thuộc PVN và PVC) cũng lần lượt bị truy tố, xét xử về tội danh quy định tại Điều 165-BLHS. Riêng bị cáo Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng Giám đốc PVC cũng bị truy tố cùng lúc về tội danh như Trịnh Xuân Thanh.

Giữ quyền Chủ tọa tại phiên tòa sơ thẩm đặc biệt này là Thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân. Ngoài ra, HĐXX còn có Thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh tòa Hình sự - TAND TP Hà Nội) và ba hội thẩm nhân dân. Tòa án Hà Nội cũng bố trí một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân dự khuyết.

Về phía cơ quan truy tố, phiên xử có tới ba kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Trong đó có Phó viện trưởng VKSND TP Hà Nội Đào Thịnh Cường và hai kiểm sát viên cao cấp. VKSND TP Hà Nội cũng bố trí hai 2 kiểm sát viên dự khuyết tại phiên xử.

Theo cáo trạng truy tố các bị cáo, từ năm 2008 đến năm 2012, PVC do Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch HĐQT và Vũ Đức Thuận làm Tổng giám đốc đã thi công 67 công trình. Công ty mẹ - PVC trực tiếp thi công 20 công trình nhưng chỉ 8 công trình có khả năng cân đối tài chính.

Tiếp đến, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng lần lượt trả lời các câu hỏi của tòa án

Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ năm 2010-2011, PVC góp vốn đầu tư vào hơn 40 công ty. Có thời điểm, tổng giá trị đầu tư tài chính lên tới gần 3.500 tỉ đồng, vượt gần 1.000 tỉ đồng so với vốn điều lệ (2.500 tỉ đồng), làm mất cân đối dòng tiền đầu tư của PVC.

Để tạo điều kiện cho PVC, đầu năm 2010, ông Đinh La Thăng ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất: “Cho phép PVN tiếp tục được giao nhiệm vụ cho PVC và một số đơn vị có năng lực thuộc Bộ Xây dựng được thực hiện xây lắp các dự án do PVN/đơn vị thành viên làm chủ đầu tư theo hình thức chỉ định thầu”.  

Gần ba tháng sau, ông Thăng tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng, đưa Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào danh mục các dự án PVN sẽ triển khai thực hiện trong năm 2010 cần được chỉ định thầu và đề xuất Chính phủ ủy quyền cho HĐQT PVN quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu...

Mặc dù chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm các thủ tục liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu, nhưng tháng 6-2010, ông Thăng đã ký Nghị quyết đồng ý về chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.

Tại Bản kết luận giám định ngày 11-12-2017, Giám định viên tư pháp Bộ Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư kết luận: “PVC không đảm bảo các yêu cầu về kinh nghiệm, năng lực tài chính để thực hiện gói thầu EPC dự án”. Việc lựa chọn PVC là nhà thầu EPC không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng.

Khu vực cổng TAND TP Hà Nội trước giờ khai mở phiên xử 

Các bị cáo trong vụ án:

Nhóm bị cáo phạm tội cố ý làm trái:

1. Đinh La Thăng (SN 1960) - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN)

2.Trịnh Xuân Thanh (SN 1966) nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

3. Phùng Đình Thực (SN 1954) - nguyên Tổng giám đốc  PVN.

4. Nguyễn Quốc Khánh (1960) - Nguyên Phó tổng giám đốc PVN.

5. Nguyễn Xuân Sơn (1962) - nguyên Phó tổng giám đốc PVN.

6. Vũ Đức Thuận (1971) - nguyên Tổng giám đốc PVC.

7. Ninh Văn Quỳnh (SN 1958) - nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN.

8. Lê Đình Mậu (SN 1972) - nguyên Phó Trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN.

9. Vũ Hồng Chương (1953) - nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2.

10. Trần Văn Nguyên (1979) - nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2.

11. Nguyễn Ngọc Quý (1953)- nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC.

12. Nguyễn Mạnh Tiến (1966) - nguyên Phó tổng giám đốc PVC.

13. Phạm Tiến Đạt (1979) - nguyên Kế toán trưởng PVC.

14. Trương Quốc Dũng (SN 1982)- nguyên Phó Tổng giám đốc PVC.

Nhóm bị cáo phạm tội tham ô:

15. Nguyễn Anh Minh (1977)- nguyên Phó Tổng  PVC.

16. Bùi Mạnh Hiển (1976)- nguyên Chánh Văn phòng PVC.

17. Lương Văn Hòa (1980) - nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

18. Nguyễn Thành Quỳnh (1973) - Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, Tổng Công ty CP Miền Trung - Công ty Cổ phần (Đà Nẵng).

19. Lê Thị Anh Hoa (1979) - Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa.

Chồng: Nguyễn Thành Quỳnh (cũng là bị cáo trong vụ án).

20. Nguyễn Đức Hưng (1983) - nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban điều hành Vũng Áng - Quảng Trạch.

21. Lê Xuân Khánh  (1976) - nguyên Trưởng phòng kinh tế Kế hoạch, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch.

22. Nguyễn Lý Hải  (1964) - Nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch.