Bảo vệ Thẩm phán - vấn đề bỏ ngỏ

(ANTĐ) - Thẩm phán là một nghề nguy hiểm. Họ đấu tranh trực diện với bọn phạm tội, không ít bị cáo là bọn xã hội đen, những tay anh chị đâm thuê, chém mướn, có băng nhóm lưu manh chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, những vụ án dân sự lại có phức tạp khác, nó liên quan đến tài sản, danh dự nên không ít đương sự do thua kiện mà cay cú, thù oán Thẩm phán đã xét xử...

Bảo vệ Thẩm phán - vấn đề bỏ ngỏ

(ANTĐ) - Thẩm phán là một nghề nguy hiểm. Họ đấu tranh trực diện với bọn phạm tội, không ít bị cáo là bọn xã hội đen, những tay anh chị đâm thuê, chém mướn, có băng nhóm lưu manh chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, những vụ án dân sự lại có phức tạp khác, nó liên quan đến tài sản, danh dự nên không ít đương sự do thua kiện mà cay cú, thù oán Thẩm phán đã xét xử...

Đối mặt với hiểm nguy

Với một công việc thường xuyên phải “gây thù chuốc oán” như thế, đối diện với nguy cơ bị trả thù là rất lớn. Và thực tế, nhiều Thẩm phán đã phải gánh chịu rủi ro.

Gần đây nhất là vụ xảy ra sáng 10-7 tại TAND huyện Tuy Phước, Bình Định. Thẩm phán Võ Duy Minh làm chủ tọa xét xử vụ án ly hôn giữa nguyên đơn Trần Văn Tư và bị đơn Trần Thị Xuân Phụng.

Quá trình xét xử, phiên tòa diễn ra bình thường, nhưng khi chủ tọa phiên tòa vừa tuyên án xong thì bị đơn Phụng cùng các con và một số đông người nhà khác bất ngờ xông lên bàn của HĐXX, đạp đổ bàn ghế, dùng lời lẽ nhục mạ các thành viên HĐXX, đuổi đánh Thẩm phán Minh và Thư ký phiên tòa.

Theo báo cáo của TAND huyện Tuy Phước thì “đồng chí Minh bị những người nêu trên đuổi đánh đến chân cầu thang phía sau phòng nghị án thì được đồng chí Trần Thị Bích Thủy - cán bộ Tòa án vào kéo, gỡ được đồng chí Minh ra.

Đồng chí Minh chạy thoát nhưng những người này giật hồ sơ, xé nát toàn bộ các tài liệu của hồ sơ vụ án ném xuống chân cầu thang. Một số tài liệu xé nát bị ném sang nhà vệ sinh của cơ quan thi hành án dân sự huyện Tuy Phước.

Sau khi đồng chí Minh chạy thoát được từ cầu thang này sang cầu thang phía trước cơ quan thì những người này tiếp tục đuổi theo đánh tiếp khiến đồng chí Minh ngất xỉu, gục ngã tại chân cầu thang phải đi bệnh viện cấp cứu”.

Vụ việc này khiến người ta nhớ đến vụ án tương tự, xảy ra ở Tòa án huyện Thuận Thành - Bắc Ninh mấy năm trước. Ngay sau khi Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tuyên án, các đương sự và thân nhân đã xông lên tấn công HĐXX, cào cấu rách cả áo Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, cướp hồ sơ rồi chuyền tay nhau tẩu tán.

Đầu tháng 7-2008, TANDTC đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ tên La Văn Bình 4 lần đặt mìn gây nổ vào nhà ông Vũ  Ngọc Hòa - Thẩm phán TAND huyện Sơn Động, Bắc Giang. Bình là bị đơn trong vụ tranh chấp đất đai do Thẩm phán Hòa xét xử. Cho rằng Thẩm phán thiên lệch nên Bình rắp tâm trả thù.

Có lần, Bình làm nổ hai quả mìn ở hai góc nhà ông Hòa. Lần khác, Bình chọn đúng điểm ông Bình kê giường ngủ để ốp mìn. May thay, phía trong nhà có một tủ sắt kê sát tường nên tiếng nổ kinh hoàng làm toang một bức tường, nhưng không có thương vong.

Lần cuối cùng, người nhà ông Hòa thấy chó sủa và mùi khét nên kịp thời phát hiện một dây cháy chậm nối với quả mìn đã hô hoán và gia đình kịp ném quả mìn vào hố vôi, một lát sau mìn nổ…

Khi công an đến khám nhà Bình đã tìm ra thuốc nổ, lựu đạn, kíp mìn. Nếu vụ việc không được ngăn chặn thì không biết hậu quả mà Thẩm phán Hòa và gia đình phải gánh chịu sẽ như thế nào.

Là những người thực thi pháp luật nhưng Thẩm phán cũng là mục tiêu tấn công, trả thù của tội phạm (ảnh minh họa)
Là những người thực thi pháp luật nhưng Thẩm phán cũng là mục tiêu tấn công, trả thù của tội phạm (ảnh minh họa)

Đây chỉ là vài ba trường hợp điển hình, gây hậu quả rõ rệt, còn những trường hợp bị đe dọa thì nhiều không kể xiết. Phó Chánh án TANDTC Bùi Ngọc Hòa kể, khi xét xử phúc thẩm vụ án Năm Cam và đồng bọn, ai đó đã chặt hết cây cảnh trước sân nhà ông ngay đêm trước khi khai mạc phiên tòa để dằn mặt.

Hay cách đây ít ngày, cảnh sát đã hết sức vất vả mới giải tỏa được đám đông người nhà bị cáo Chu Thế Tâm tụ tập hò hét trước trụ sở TAND TP Hà Nội. Bị cáo Tâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phong Phú, bị tuyên phạt tù chung thân về tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Người nhà bị cáo Tâm hò hét, đe dọa “sẽ cho Thẩm phán một trận nhớ đời”, “để không còn đường về nhà”. Không có ai bảo vệ, cuối cùng vị Thẩm phán nọ phải nhờ người đưa về qua cổng sau. Ngày hôm sau Thẩm phán này cũng không dám ra khỏi phòng và không dám về nhà nghỉ trưa như thường lệ.

Phải có luật bảo vệ Thẩm phán

Có thể nói, vấn đề bảo vệ an ninh cho Tòa án, Thẩm phán đang là nỗi trăn trở của những người làm công tác xét xử. Chánh án Tòa án tỉnh Cà Mau bức xúc: Cứ như thế này thì đến lúc không ai dám xử án nữa! Chánh án Tòa án Hà Nội Nguyễn Sơn cũng chia sẻ: Hiện nay tình trạng đe dọa, khủng bố qua điện thoại rồi đe dọa trực tiếp đối với Thẩm phán diễn ra thường xuyên.

Đây là vấn đề quá bức xúc. Trong Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định về bảo vệ những người tham gia tố tụng nhưng lại chưa có quy định bảo vệ những người tiến hành tố tụng. Rõ ràng vấn đề này phải được nghiên cứu, để có cơ chế rõ ràng. Có lẽ trước hết là có nghị định của Chính phủ, sau đó nâng lên thành pháp lệnh, thành luật mới đảm bảo được yêu cầu…

Tại diễn đàn Quốc hội tháng 11-2007, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cũng đã  đặt ra vấn đề bảo vệ tính mạng của Thẩm phán. Theo ông, tại các phiên tòa hình sự có lực lượng cảnh sát bảo vệ, những người gây rối ít có điều kiện ra tay. Song trong phiên xử án kinh tế, dân sự... không có lực lượng này, khi “sự cố” xảy ra không ai bảo vệ Thẩm phán. Ông chốt lại: “Chính phủ cần ra nghị định để bảo vệ cán bộ Tòa án trong khi thi hành công vụ”.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam  Phạm Quốc Anh trong cuộc hội thảo hồi tháng 10-2007 với đại diện của UNDP, chuyên gia luật của ấn Độ, Mỹ, Anh về cách thức tăng cường vai trò, hiệu quả của HLGVN trong quá trình xây dựng pháp luật và hoạch định chính sách cũng cho rằng, qua các chuyến khảo sát tại một số nước, Việt Nam nên xây dựng một đạo luật về bảo vệ những cán bộ đang làm việc trong các cơ quan pháp luật. ở Hoa Kỳ và ấn Độ hiện đã có Luật Bảo vệ Thẩm phán.

***

Ngành Tòa án đang chịu nhiều áp lực về nâng cao chất lượng xét xử; đảm bảo được vai trò trung tâm của công cuộc cải cách tư pháp trong khi số lượng án ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp nhưng vẫn còn thiếu trên 600 Thẩm phán.

Làm thế nào để nâng cao được năng lực của ngành Tòa án khi một trong những vấn đề quan trọng là bảo vệ an toàn tính mạng, danh dự cho Thẩm phán, cho người tiến hành tố tụng nói chung, còn bỏ ngỏ?

 Lưu Thái Bảo