Bạo hành con riêng: "Mấy đời bánh đúc có xương"

ANTD.VN - Thời gian gần đây, liên tục xảy ra nhiều vụ trẻ bị bạo hành gây xôn xao dư luận. Những nhân vật liên quan chủ yếu rơi vào tình cảnh éo le “dì ghẻ, con chồng” và đặc biệt có sự tiếp tay chính từ những người cha, mẹ đẻ của đứa trẻ…

Bé Q bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành, đánh thâm tím chân tay, mặt mày

Gần đây nhất là vụ bé trai Nguyễn Lê Q (SN 2004, ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) bị bố và mẹ kế bạo hành. Cơ quan CSĐT CAH Đông Anh cho biết đang chờ kết luận giám định thương tích của cháu, nếu đủ căn cứ sẽ khởi tố vụ án.

Hậu quả không chỉ ở phần trăm thương tích

Như ANTĐ đưa tin, khoảng 23h đêm 27-3, khi anh trai của Nguyễn Lê Q sang nhà bố đẻ và mẹ kế (ở cùng xã Liên Hà) để đón Q thì bất ngờ bị bố đẻ bắt viết giấy cam kết với nội dung: “Trên người cháu Q khi đón về không có bất kỳ thương tích gì”. Thế nhưng, khi về nhà, người thân phát hiện trên người cháu Q rất nhiều vết bầm tím, thậm chí quầng đỏ quanh mắt. Được người thân gặng hỏi thì Q kể lại chuyện bị bố và mẹ kế dùng gậy gỗ, cán chổi đánh.

Ngay sau đó, ông Hoàng Đức Hồng (ông ngoại cháu Q, cùng ở xã Liên Hà, Đông Anh) đã đưa cháu Q đến Công an xã Liên Hà trình báo sự việc và đưa đến bệnh viện giám định thương tật.

Một vụ việc khác cách đây không lâu, cháu Trần Gia K (SN 2008, trú tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng bị chính bố đẻ và mẹ kế “dạy dỗ” dẫn đến hậu quả rạn 6 xương sườn. Vụ việc trên đã khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Được biết, do hôn nhân của bố mẹ đổ vỡ, K được bố đẻ  là Trần Hoài Nam (SN 1983) nuôi dưỡng. K ở với bố và mẹ kế Phạm Thị Tú Trinh (SN 1983, quê quán Bà Rịa - Vũng Tàu) tại căn nhà thuê trọ trên phố Lạc Long Quân (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Đây không phải là lần đầu cháu Q bị bố và mẹ kế đánh đập

Theo thông tin xác minh, ngày 5-12-2017, cháu Trần Gia K được cho là ăn vụng đồ ăn do mẹ kế nấu. Người mẹ kế này đã thẳng tay dùng roi đánh con riêng của chồng và sau đó K cũng bị bố đẻ đánh rạn 6 xương sườn.

Lợi dụng buổi chiều khi bố và mẹ kế chưa đi làm về, K mở cửa phòng thoát ra ngoài, bắt xe buýt về nhà ông bà nội trong tình trạng trên người chi chít những vết thương, khuôn mặt chằng chịt sẹo lớn nhỏ.

Quá trình điều tra, CAQ Cầu Giấy căn cứ vào những chứng cứ thu thập được có đủ cơ sở xác định thương tích mà Trần Hoài Nam gây ra cho cháu K. là 22%; thương tích mà Phạm Thị Tú Trinh gây ra cho cháu K là 3%. Hành vi của Trần Hoài Nam đã cấu thành tội danh Hành hạ con quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự và tội Cố ý gây thương tích, quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Đối với hành vi của Phạm Thị Tú Trinh gây thương tích cho cháu K, tỷ lệ tổn hại sức khỏe 3% nên CQĐT đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng về hành vi "Xâm hại đến sức khỏe của người khác" theo quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 5, Nghị định 167 ngày 11/12/2013 của Chính phủ.

Khi “người lạ” xuất hiện trong nhà

Bà Nguyễn Thu Hương, chuyên gia tâm lý hiện đang công tác tại Trung tâm tư vấn pháp luật TP. HCM chia sẻ, thời gian qua liên tục xảy ra những vụ con trẻ bị bố và mẹ kế hay mẹ và bố dượng bạo hành.

Vụ cháu K bị bố đẻ và mẹ kế "dạy dỗ" khiến rạn 6 xương sườn

“Ông cha từng đúc kết "Mấy đời bánh đúc có xương", song với nếp sống văn minh hiện nay, nhận thức và sự chia sẻ tình cảm của con người với nhau cũng đã tiến bộ hơn. Mặc dù vậy, nhiều vụ bạo hành xảy ra cho thấy, nguyên nhân chính vẫn là người bố hoặc người mẹ đẻ không có sự quyết đoán, thậm chí thấy mẹ kế, hay bố dượng chỉ cần “mặt nặng, mày nhẹ” là sẵn sàng trút giận lên chính đứa con đẻ của mình. Những hành vi đó càng tạo ra khoảng cách giữa những người vốn không máu mủ ruột rà, khiến tình cảm gia đình nhạt nhẽo hơn”, bà Nguyễn Thu Hương chia sẻ.

Cũng theo bà Nguyễn Thu Hương, một điểm khác khi tổ ấm gia đình bị chia rẽ, dù ở với ai trẻ cũng luôn cảm thấy hẫng hụt, tổn thương sâu sắc. Mặt khác, cha, mẹ kế, cũng chưa sẵn sàng đón nhận, coi những đứa con chồng hay con riêng của vợ như chính máu mủ của mình dẫn đến một khoảng cách vô hình.

Vì thế, đối với gia đình gặp hoàn cảnh éo le thì người cha, mẹ khi muốn đi bước nữa, muốn gắn kết với người bạn đời của mình, đồng thời muốn giữ hòa khí với con riêng, các bậc cha, mẹ kế hãy nên nhớ rằng, trước quá nhiều biến cố xảy ra với trẻ, tâm lý của chúng chắc chắn có sự thay đổi, thường là theo hướng tiêu cực như chống đối, lầm lì, ít nói, thu mình, cộc cằn, thô lỗ… cha mẹ kế nên hiểu và thông cảm cho trẻ.

Còn theo các chuyên gia tâm lý cho rằng, chuyện thay đổi các thành viên trong gia đình không bao giờ là điều trẻ mong muốn, thậm chí có những đứa trẻ chỉ muốn cha hoặc mẹ mình sau khi chia tay nên ở vậy. Nếu không giữ bình tĩnh, cha, mẹ kế sẽ mất ấn tượng tốt đẹp ban đầu đối với trẻ và rất khó lấy lại. 

Trong cuộc sống, sự xuất hiện của “người lạ” trong gia đình ban đầu khó tránh được sự khó chịu giữa các thành viên từ “hai phía”. Do vậy, những người chấp nhận là bố dượng hay mẹ kế thì cần có sự bao dung, vỗ về. Hãy chấp nhận và đón nhận đứa trẻ con riêng của vợ, chồng để cùng trẻ vượt qua những khó khăn.

Để xảy ra trường hợp này có sự tiếp tay của chính những người cha hay người mẹ đẻ của trẻ bị bạo hành

Đặc biệt, đối với người cha, mẹ đẻ của trẻ trong cuộc sống cũng cần có sự yêu thương, quan tâm chăm sóc trẻ nhiều hơn và nên cân nhắc và bàn bạc kỹ khi thấy bạn đời đưa ra những hình phạt đối với trẻ. Vì trong suy nghĩ cảm tính của mình, trẻ sẽ cho rằng "tại cha, mẹ kế mà mình mới bị phạt". 

Một điều tra viên CAQ Ba Đình, Hà Nội cho rằng, đối với những vụ mẹ và cha dượng hay bố và mẹ kế bạo hành con, chúng ta không thể phủ nhận là chuẩn mực đạo đức cũng như nhận thức của những người làm cha, làm mẹ sai lệch, méo mó. Bên cạnh đó tình cảm gia đình bị mai một, xuống cấp bởi cuộc sống cơm áo gạo tiền hay sống ảo, sống chỉ biết cho bản thân mình.

Đặc biệt, để xảy ra những vụ việc trẻ bị bạo hành thường đổ lỗi cho dì ghẻ hay cha dượng “khác máu tanh lòng” hành hung là chưa hẳn mà căn nguyên chính cũng do sự tiếp tay trực tiếp hay gián tiếp của người cha, người mẹ đẻ của đứa trẻ bị bạo hành.

Để không xảy ra những tình trạng đáng tiếc này, ngoài vai trò “cầm cân, nảy mực” của chính những người mẹ, người cha đứa trẻ thì cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả xã hội, các cơ quan đoàn thể trong việc sát sao, giáo dục, quan tâm chia sẻ những gia đình có hoàn cảnh éo le, không để sự việc đáng tiếc xảy ra.