Bán ôtô đã cầm cố ngân hàng phạm tội gì?

ANTD.VN - Nguyễn Văn Minh (SN 1983), ký hợp đồng vay của ngân hàng 350 triệu đồng, tài sản thế chấp là xe ôtô 4 chỗ, ngân hàng giữ Giấy chứng nhận đăng ký xe. 

Ảnh: Internet

Nội dung vụ việc

Theo quy định, khi Nguyễn Văn Minh thế chấp xe thì cán bộ tín dụng của ngân hàng phải có công văn đề nghị phong tỏa tài sản chiếc xe này nhưng phía ngân hàng đã chậm thực hiện. Sau đó Nguyễn Văn Minh đã đến Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh trình báo bị mất Giấy đăng ký xe, đề nghị được cấp lại.

Trước việc Nguyễn Văn Minh báo mất Giấy đăng ký xe, Phòng Cảnh sát Giao thông xác định người đứng tên là Nguyễn Văn Minh nên đã cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký xe mới cho Nguyễn Văn Minh. Sau khi có Giấy đăng ký xe mới, Nguyễn Văn Minh làm thủ tục bán xe ôtô này cho bà Nguyễn Thị Vân với giá 480 triệu đồng. Phát hiện sự việc, phía ngân hàng đã báo cơ quan công an. 

Vấn đề cần trao đổi là hành vi bán xe ôtô đã cầm cố cho ngân hàng của Nguyễn Văn Minh phạm tội gì?

 Ý kiến bạn đọc 

Phạm tội lừa đảo

Trong thực tiễn hoạt động ngân hàng, hành vi cố tình xâm phạm tài sản bảo đảm xảy ra khá phổ biến với nhiều thủ đoạn khác nhau. Trong vụ việc này, Nguyễn Văn Minh đã phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 139, Bộ luật Hình sự.

Theo quy định của pháp luật người được coi là lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi dùng các thủ đoạn gian dối như cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật, mạo danh… nhằm làm cho người bị hại tin đó là sự thật để trao tài sản cho mình.

Sau khi đã thế chấp xe cho ngân hàng nhưng Nguyễn Văn Minh vẫn đến Phòng Cảnh sát Giao thông trình báo bị mất Giấy đăng ký xe, đề nghị Phòng Cảnh sát Giao thông cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký xe mới rồi bán xe ôtô này cho bà Nguyễn Thị Vân là thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của bà Vân.

     Đoàn Duy Anh (Lê Chân - Hải Phòng)

Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Pháp luật quy định về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đó là khi một người vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng hợp pháp rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Mong muốn, ý định chiếm đoạt tài sản của người khác chỉ có sau khi hai bên đã thực hiện hợp đồng một cách hợp pháp. Trong vụ việc này có thể thấy Nguyễn Văn Minh đã ký hợp đồng vay tiền một cách hợp pháp của ngân hàng và thế chấp bằng chiếc ôtô của mình.

Tuy nhiên sau đó với hành vi làm lại giấy tờ xe để bán chiếc ôtô cho người khác, rõ ràng Nguyễn Văn Minh đã có ý định chiếm đoạt chiếc xe đang là tài sản thế chấp của ngân hàng. Như vậy, Nguyễn Văn Minh đã phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Vũ Thị Minh (Tĩnh Gia - Thanh Hóa)

Phải làm rõ hành vi của Nguyễn Văn Minh

Trong vụ việc này cơ quan công an cần phải làm rõ hành vi của Nguyễn Văn Minh để có căn cứ định tội. Trong vụ việc này hành vi của Minh có cấu thành tội phạm hay không phụ thuộc nhiều vào cách mà Nguyễn Văn Minh đã tác động vào ý chí chủ quan của bà Vân khi tham gia giao dịch.

Khi thỏa thuận bán xe cho bà Vân nếu Minh không hề thông báo cho bà Vân biết rằng xe ôtô đang thế chấp cho ngân hàng hoặc Minh có hành vi khác làm bà Vân nhầm tưởng xe ôtô của Minh không bị hạn chế giao dịch, đủ điều kiện mua bán như: bỏ quên, làm mất hay chưa làm Giấy chứng nhận đăng ký xe; có thế chấp nhưng đã được ngân hàng giải chấp… thì hành vi của Minh đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản  được quy định tại Điều 139, Bộ luật Hình sự.

Nhưng ngược lại, nếu bà Vân đã được Minh cho biết (hoặc luật buộc bà Vân phải biết) xe ôtô đang là tài sản thế chấp nhưng vì lý do nào đó mà vẫn chấp nhận giao dịch thì Minh không phạm tội chiếm đoạt tài sản của bà Vân, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi lạm dụng tín nhiệm.

Nguyễn Chiến Thắng (Mai Châu - Hòa Bình) 

 Bình luận của luật sư 

Trước hết xét về trách nhiệm dân sự. Cả hai giao dịch đối với xe ôtô (thế chấp cho ngân hàng và bán cho bà Vân) đều không đăng ký giao dịch bảo đảm. Về mặt hình thức và giả sử cả hai giao dịch trên đều hợp lệ, thì căn cứ vào Điều 325, Bộ luật Dân sự chiếc xe ôtô trên vẫn được ưu tiên dùng để thanh toán nợ cho ngân hàng bởi giao dịch thế chấp xe ôtô được xác lập trước giao dịch mua bán, tức là việc Nguyễn Văn Minh bán chiếc xe cho bà Nguyễn Thị Vân không ảnh hưởng đến quyền lợi của ngân hàng.

Ngoài ra, tài sản thế chấp (xe ôtô) đã bị hạn chế giao dịch (không được bán, nếu không cho phép) theo đúng quy định tại hợp đồng thế chấp và luật định (Điều 348, Bộ luật Dân sự), giao dịch bán xe ôtô cho bà Vân đã bị xem là vô hiệu.

Như vậy, dù tài sản bảo đảm đã bị Minh bán thì về pháp lý nếu tài sản còn tồn tại (vật chất) thì vẫn được thu hồi để ưu tiên thanh toán nợ cho ngân hàng. Câu hỏi đặt ra là dưới góc độ pháp luật hình sự thì hành vi bán tài sản thế chấp ngân hàng của Minh đã cấu thành tội phạm gì? 

Căn cứ những chi tiết trong vụ việc này có thể khẳng định, Minh đã thực hiện hành vi của mình bằng lỗi cố ý với động cơ và mục đích là nhằm chiếm đoạt tài sản của ngân hàng. Trước hết, việc giao dịch giữa Minh và ngân hàng xuất phát từ một hợp đồng hợp pháp.

Tuy nhiên, sau khi đã được ngân hàng cho vay, Minh đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý, thủ đoạn gian dối được thể hiện bằng hành vi làm lại giấy đăng ký xe nhằm bán xe cho người khác.

Như vậy có cơ sở để khẳng định Minh đã phạm vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài theo Điều 140, Bộ luật Hình sự quy định:

“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

 a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

 b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”. 

Để cấu thành tội danh này, phải thỏa mãn những hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm. Tức là phải có thủ đoạn gian dối, bỏ trốn hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Việc Nguyễn Văn Minh bán xe cho người khác khi chiếc xe vẫn còn thế chấp trong ngân hàng được xác định là vi phạm thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng vay tài sản.

Nói cách khác hành vi của Minh sử dụng tài sản đã thế chấp ngân hàng vào mục đích bất hợp pháp đã cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140, Bộ luật Hình sự.

Các hành vi phạm vào tội quy định tại Điều 140, Bộ luật Hình sự được quy định là hành vi nhằm “chiếm đoạt” tài sản, nhưng sự chiếm đoạt được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và có đặc trưng khác hoàn toàn với các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể: Việc chuyển giao tài sản từ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản sang người phạm tội là do tín nhiệm và hoàn toàn ngay thẳng để người được giao tài sản sử dụng (hợp đồng vay, mượn, thuê), bảo quản (hợp đồng trông giữ, bảo quản), vận chuyển (hợp đồng vận chuyển), gia công (hợp đồng gia công, chế biến), sửa chữa (hợp đồng sửa chữa).

Trong hoạt động ngân hàng thì việc chuyển giao tài sản từ ngân hàng sang người phạm tội xuất phát từ một hợp đồng hợp pháp là hợp đồng cho vay (Hợp đồng tín dụng).

Một hành vi có thể xâm phạm đến nhiều khách thể có thể cấu thành nhiều tội khác nhau. Để làm rõ hành vi của Minh phát sinh trong tình huống nào thì cần phải đặt trong những tình huống cụ thể.

Trong trường hợp Minh đã có hành vi gian dối với bà Vân để “bán tài sản bảo đảm” thì ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ngân hàng, hành vi của Minh còn có thể được tiếp tục xem là thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền vay và còn bị truy cứu trách nhiệm thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (lừa bà Vân).

Trường hợp thứ hai, nếu Minh dùng thủ đoạn gian dối, nói dối bà Vân là xe đã được ngân hàng giải chấp để bán xe cho bà Vân để chiếm đoạt tiền vay của bà Vân; hoặc đã sử dụng tiền vay của bà Vân vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả nợ cho bà Vân thì khi đó hành vi của Minh cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bà Vân Và tương tự trên, ngoài ra hành vi gian dối với bà Vân để bán tài sản bảo đảm có thể được tiếp tục xem là thủ đoạn gian dối trong cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là khoản tiền vay phải trả ngân hàng, tức là Minh phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với cả bà Vân và ngân hàng.

 Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng luật sư Hùng Mạnh)