Bài 2: Thoát khỏi sự bị động

(ANTĐ) - Tội phạm trộm tiền trong thẻ ATM thường có xu hướng liên vùng, liên quốc gia và nhất là, chúng đều có trình độ cao về công nghệ thông tin. Trong khi đó, công tác phòng ngừa loại tội phạm này ở Việt Nam như chính một chuyên gia lĩnh vực ngân hàng thừa nhận: “Còn cần phải hoàn thiện”. Đó là chưa kể tâm lý của chính các ngân hàng, chủ thẻ, thường “ngại” trình báo cơ quan chức năng khi bị tội phạm trộm tiền trong thẻ tấn công!

Tội phạm trộm tiền trong thẻ ATM:

Bài 2: Thoát khỏi sự bị động

(ANTĐ) - Tội phạm trộm tiền trong thẻ ATM thường có xu hướng liên vùng, liên quốc gia và nhất là, chúng đều có trình độ cao về công nghệ thông tin. Trong khi đó, công tác phòng ngừa loại tội phạm này ở Việt Nam như chính một chuyên gia lĩnh vực ngân hàng thừa nhận: “Còn cần phải hoàn thiện”. Đó là chưa kể tâm lý của chính các ngân hàng, chủ thẻ, thường “ngại” trình báo cơ quan chức năng khi bị tội phạm trộm tiền trong thẻ tấn công!

>>> Bài 1: Đem “chất xám” đi… trộm cắp

Giao dịch qua thẻ ATM xuất hiện không ít rủi ro
Giao dịch qua thẻ ATM xuất hiện không ít rủi ro

Thuê người đi mua sắm bằng thẻ giả

Tìm đến một cửa hàng thời trang sang trọng trên phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm một ngày đầu năm mới 2010, nhắc lại câu chuyện mấy vị khách “tây” từng đến mua hàng bằng thẻ ATM giả và bị Công an Hà Nội bắt, người chủ cửa hàng ấy không khỏi lắc đầu ngán ngẩm. Đã có lúc, cả chủ lẫn nhân viên cửa hàng đều hết sức phấn khởi vì doanh thu khá.

Cửa hàng mới khai trương, quảng cáo chưa rầm rộ, vậy mà cứ vài tháng lại có 2, 3 vị khách châu Á đến tìm mua hàng. Khi thì lọ nước hoa châu Âu, khi thì đôi giày hàng hiệu. Bằng thứ tiếng Anh bập bẹ, khách khoe với chủ cửa hàng họ là nhân viên ngoại giao của một nước châu Á và thường phải sang Việt Nam, đến Hà Nội. Họ thích mua hàng ở Hà Nội vì giá cả rẻ hơn bên đất nước họ, lại đảm bảo hàng “xịn”.

Cho đến một lần giao dịch, 2 vị khách đang lấy thẻ ra thanh toán tiền hàng thì lực lượng công an xuất hiện, yêu cầu họ cho kiểm tra giấy tờ. Cả 2 mặt mũi tái mét, luống cuống làm theo hiệu lệnh của các chiến sỹ công an. Hóa ra, chúng đều là những “siêu lừa” mang quốc tịch Malaysia.

Một người là Cham Tack Choi (SN 1984), còn đồng phạm của y là Tan Wei Hong (SN 1981). Trong thời gian dài, 2 đối tượng này đã dùng nhiều thẻ tín dụng giả, thanh toán tiền tại nhiều khách sạn, cửa hiệu ở Hà Nội. Số tiền chúng thanh toán lên đến gần 570 triệu đồng, và chỉ riêng cửa hàng thời trang cao cấp nọ đã bị 2 “siêu lừa” dùng thẻ tín dụng giả để thanh toán gần 10.000USD.

Ngoài Hà Nội, cơ quan công an làm rõ đối tượng Tan Wei Hong khi sang Việt Nam, đã lưu lại TP Hồ Chí Minh và cùng một số đối tượng dùng thẻ ATM giả thanh toán hơn 87 triệu đồng, để mua 4 chiếc đồng hồ và 1 chai nước hoa; thanh toán 674USD tiền phòng và dịch vụ tại khách sạn. Hong khai, anh ta được 1 đối tượng “anh chị” ở Malaysia thuê sử dụng thẻ ATM giả để ra nước ngoài mua sắm với tiền công 30% số tài sản mua được.

Thiệt hại khó lường

Đúng với bản chất của tội phạm công nghệ cao, cách thức trộm tiền trong thẻ ATM lây lan rất nhanh trong thế giới “ảo” Internet. Đối tượng bị xâm hại không chỉ là cá nhân, cửa hàng, khách sạn, thậm chí cả những ngân hàng. Và thực tế những vụ việc bị phát hiện thời gian qua cho thấy, thường khá lâu sau khi các đối tượng thực hiện trộm tiền trong thẻ ATM, hành vi của chúng mới bị cơ quan chức năng phát hiện. Hành vi của loại đối tượng này bị xác định là trộm cắp tài sản, nhưng để bắt tận tay, bắt quả tang hành vi của đối tượng ấy, khó hơn nhiều so với tội phạm trộm cắp truyền thống.

Tìm hiểu hiện tượng mất tiền trong “ví điện tử”, chúng tôi ghi nhận câu chuyện xót xa, là từng có cả cựu cán bộ ngân hàng thực hiện trò trộm cắp này. Đó là Nguyễn Lê Việt, SN 1977, cựu nhân viên Ngân hàng EXIMBANK, và vợ là Nguyễn Lê Thúy Mai - Giám đốc một công ty TNHH. Vợ chồng Việt - Mai bị truy tố vì giả mạo chữ ký để rút tiền từ ngân hàng thông qua thẻ ATM.

Tài liệu cơ quan công an xác định, do từng là nhân viên ngân hàng nên Việt nắm bắt được chủ trương của Ngân hàng EXIMBANK sẽ phát hành thẻ tín dụng quốc tế dưới dạng tín chấp cho nhóm đối tượng khách hàng có thu nhập cao, ổn định. Việt cùng vợ đứng ra thành lập công ty TNHH, rồi tự đi quảng cáo việc có thể làm thẻ tín chấp.

Có 60 khách hàng đã nộp hồ sơ cho vợ chồng Việt. Sau khi hoàn thành các thủ tục cần thiết để được cấp thẻ, thay vì trả cho khách hàng, vợ chồng Việt - Mai đã tỉ tê, gạ gẫm khách hàng để thẻ tại công ty của Việt và đảm bảo bất cứ lúc nào họ muốn rút tiền đều có thể được.

Thông qua hồ sơ của khách hàng, toàn bộ những thông tin cá nhân của chủ thẻ ATM đã bị vợ chồng Việt - Mai ghi lại. Trên cơ sở đó, hai đối tượng đã làm giả đơn, chữ ký của 57 khách hàng để rút từ ngân hàng ra gần 2,7 tỷ đồng, chiếm đoạt tiêu xài.

Từ đột nhập, lấy cắp thông tin của các chủ thẻ ATM qua Interrnet rồi làm lệnh chuyển khoản, đến việc lắp đặt camera tại các cột thẻ, đó là những biểu hiện phức tạp khác nhau của loại tội phạm công nghệ cao này. Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng mà chúng tôi tiếp xúc, trao đổi, đã khẳng định: Trình độ của tội phạm trong nước hiện nay thừa sức sao chụp các thông tin cá nhân ghi trên thẻ ATM, do chúng ta chủ yếu sử dụng thẻ từ có mức độ an ninh thấp.

Có thông tin rồi, việc làm thẻ ATM giả không phải là quá khó với tội phạm. Nguy cơ lây lan của loại tội phạm này là thực tế cần được nhìn nhận và phòng ngừa, đấu tranh đối với mỗi cá nhân, tổ chức cũng như các lực lượng chức năng. Yêu cầu đặt ra để phòng chống loại tội phạm này là mỗi chủ thẻ ATM phải có sự kiểm soát tốt, thường xuyên chiếc “ví điện tử” của mình.

Cùng với đó là sự chủ động thông tin trước mỗi thủ đoạn phạm tội mới để cảnh báo đối với xã hội. Nếu như đâu đó còn lúng túng, bị động trong biện pháp phòng ngừa; thì cũng nhất định không được bị động trong việc thông tin sự việc đến cơ quan chức năng, để hậu quả xấu có thể sớm được ngăn chặn.

Minh Hà