Án phạt nào dành cho những kẻ cướp tiệm vàng?

ANTD.VN - Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ cướp tiệm vàng nghiêm trọng gây rúng động dư luận xã hội. Khi vụ cướp tiệm vàng ở Sơn La vừa lắng xuống thì lại xuất hiện hàng loạt các vụ cướp mới. Điều đáng nói ở đây, những vụ cướp này chỉ diễn ra trong “tích tắc” và hung thủ hết sức manh động, khó lường. Trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi và táo tợn của kẻ trộm cần phải có hình phạt nào để xử lý và răn đe.

Cướp của chỉ trong “tích tắc”

Theo VNN đưa tin, tối 19-11 đã xảy ra một vụ cướp tiệm vàng tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, khoảng 18h cùng ngày, một nam thanh niên đi xe máy dừng trước tiệm vàng Kim Dũng II (phường Điện Ngọc). Sau đó, nam thanh niên bịt khẩu trang kín mít này vào hỏi mua vàng. Chỉ sau vài giây, kẻ này cầm búa đập vỡ tủ kính và hốt vàng tẩu thoát.

 

Tiệm vàng Kim Dũng nơi xảy ra vụ cướp

Một số nhân chứng gần tiệm vàng cho hay, vào thời điểm xảy ra vụ cướp, họ trông thấy một thanh niên mặc áo quần màu đen, bịt khẩu trang và đội mũ bảo hiểm đi vào tiệm.

 “Vừa nghe tiếng đập mạnh ở bên trong tiệm vàng là chúng tôi thấy nam thanh niên nhảy lên xe máy đang dừng trước tiệm rồi bỏ trốn về hướng TP Hội An”, người dân cho hay.

Tại hiện trường vụ cướp, tủ kính chứa vàng bị đập vỡ. Cạnh tủ kính còn có chiếc búa.

Hiện, số vàng bị cướp tại tiệm vàng Kim Dũng II vẫn chưa được thống kê cụ thể.

Vì sao trộm thường “ghé” tiệm vàng

Hiện nay, rất nhiều chủ tiệm vàng thường có tâm lý chủ quan, cho rằng trộm cắp sẽ không dám dột nhập cửa hàng, cơ sở kinh doanh của mình. Thế nhưng trên thực tế, tiệm vàng thường là “mảnh đất màu mỡ” để tội phạm hoạt động. Các đối tượng sẵn sàng “hốt” thật nhiều để phục vụ nhu cầu của mình bởi bọn chúng biết được những “kẽ hở” của tiệm vàng này.

Án phạt nào dành cho những kẻ cướp tiệm vàng? ảnh 2 

Do chủ quan nhiều tiệm vàng bị các đối tượng trộm cắp tấn công

Hiện nay, có rất nhiều cửa hàng, tiệm vàng chưa trang bị hệ thống camera quan sát, hệ thống kỹ thuật báo động đột nhập tự động kể cả đường dây nóng. Hay với tâm lý cửa hàng, tủ đồ sử dụng kính cường lực nên rất khó đập vỡ… Chính vì những lý do trên đã khiến nhiều tiệm vàng, cửa hàng kinh doanh vàng bạc bị đột nhập trong thời gian qua.

Với thủ đoạn của các loại tội phạm ngày càng có diễn biến phức tạp, tinh vi và táo tợn thì việc chủ động trang bị hệ thống phòng chống tội phạm tại các tiệm vàng là điều rất cần thiết, không chỉ góp phần giữ tài sản của mình mà còn đảm bảo tình hình an ninh trật tự.

Tội cướp tiệm vàng, tài sản bị xử lý thế nào

Mặc dù, đã có rất nhiều khung hình phạt, xử lý đối với những đối tượng cướp tiệm vàng, thế nhưng tình trạng này vẫn xảy ra như “cơm bữa” trên cả nước. Vậy phải xử lý như thế nào mới đủ sức răn đe và để hạn chế xảy ra những vụ cướp tiệm vàng làm chấn động xã hội.

Án phạt nào dành cho những kẻ cướp tiệm vàng? ảnh 3 

Cơ quan công an khám nghiệm hiện trường vụ cướp tiệm vàng ở Quảng Nam

Theo Điều 173 Bộ Luật Hình sự năm 2015 quy định về tội trộm cắp tài sản:

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

-  Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

-  Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

-  Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

-  Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

-  Có tổ chức;

-  Có tính chất chuyên nghiệp;

-  Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

-  Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

-  Hành hung để tẩu thoát;

-Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

- Tái phạm nguy hiểm.

Ngoài ra, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Các trường hợp bị phạt tù từ 7-15 năm gồm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11%-30%; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng và gây hậu quả nghiêm trọng.

Mức hình phạt cao nhất của tội “Cướp tài sản” được quy định tại khoản 4, điều luật này, gồm: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Phạm vào những trường hợp này, người phạm tội sẽ bị áp dụng hình phạt tù từ 18-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm.