Ai là người bồi thường khi người tâm thần gây thiệt hại?

ANTD.VN - Không làm chủ được hành vi, việc làm của mình những người bị tâm thần thường gây nên hậu quả đáng tiếc về người và sức khỏe. Và trong những trường hợp như vậy người bị thiệt hại không biết tìm ai để bù đắp những tổn thất đó. Vậy khi người tâm thần gây thiệt hại thì ai sẽ là người bồi thường những thiệt hại đó.

Thời gian qua, rất nhiều trường hợp do mất hành vi năng lực, không biết đâu là hành động đúng, sai các bệnh nhân tâm thần đã gây ra những vụ án mạng nghiêm trọng làm 6 người tử vong và 8 người bị thương.

Như VOV đưa tin, tại Bình Định, cơ quan chức năng đã quyết định khởi tố vụ án thanh niên 37 tuổi có tiền sử mắc bệnh tâm thần dùng gạch, gậy tre đánh chết bố đẻ, vợ và con trai.

Ai là người bồi thường khi người tâm thần gây thiệt hại? ảnh 1 

Đối tượng Thạch Sà Khêl - nghi can truy sát khiến 12 người thương vong xảy ra tại ấp Đay Tà Ni, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Tại tỉnh Bạc Liêu, cũng vừa khởi tố vụ án nam thanh niên 34 tuổi đang điều trị ngoại trú bệnh tâm thần bất ngờ cầm dao chém xối xả hàng xóm, khiến 3 nạn nhân tử vong và 8 người khác phải nhập viện.

Vậy khi người tâm thần gây án và gây thiệt hại ai sẽ là người chịu trách nhiệm và bồi thường những tổn thất đó.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người mất năng lực hành vi dân sự gây ra

Theo Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự”.

Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:

“Điều 586. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân;

1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường”.

Như vậy, theo các quy định trên, khi người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại thì người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.

Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần (Khoản 1 Điều 605 Bộ luật Dân sự 2005).

Người tâm thần có bị xử lý hình sự không?

Theo quy định tại Điều 21- Bộ luật Hình sự 2015: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự"; Trong trường hợp cơ quan giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình tại thời điểm gây án thì người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đã thực hiện.

Ai là người bồi thường khi người tâm thần gây thiệt hại? ảnh 2 

Bệnh nhân tâm thần đang được điều trị ở Trung tâm Tâm thần Tân Định

Còn Điều 51 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình". Điều này có nghĩa là nếu như cơ quan giám định xác định đối tượng chỉ mắc bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì đối tượng vẫn bị xử lý hình sự bình thường nhưng sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ.

Theo quan điểm LS Giang Hồng Thanh (Trưởng VPLS Giang Thanh, đối với người tâm thần phạm tội, dù miễn trách nhiệm hình sự hay giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ thì vẫn cần phải ưu tiên chữa bệnh để họ khỏi bệnh hoặc ít nhất là giảm thiểu các hành vi mất kiểm soát. Đưa họ vào tù mà không chữa bệnh cho họ, sau khi họ ra tù hoặc thậm chí ở ngay trong tù, biết đâu một lúc nào đó cơn bệnh phát tác, họ lại gây nguy hiểm cho những người xung quanh.

Cũng chính vì thế mà xã hội đang rất cần sự quan tâm đúng mức của cơ quan chức năng về vấn đề này để từng bước hạn chế tình trạng người tâm thần phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.