Pháp luật quy định những trường hợp công an được kiểm tra điện thoại của cá nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tạm giữ, khám xét tang chứng, vật chứng là một trong những biện pháp nghiệp vụ để giải quyết vụ án hình sự hoặc vụ việc vi phạm hành chính. Pháp luật hiện hành đã quy định rõ các trường hợp công an được kiểm tra đồ vật, điện thoại của cá nhân có hành vi vi phạm.

Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân được pháp luật bảo vệ bí mật đời tư, được an toàn thư tín, điện thoại, điện tín. Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng nêu rõ, không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín... của cá nhân.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cơ quan có thẩm quyền có thể khám xét, tịch thu, kiểm tra điện thoại của một người, đó là khi xử phạt vi phạm hành chính, trong các vụ án hình sự…

Theo Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp sau theo thủ tục hành chính: Tạm giữ người; Áp giải người vi phạm; Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Khám người; Khám phương tiện vận tải, đồ vật…

Như vậy, khám đồ vật trong đó có điện thoại di động là một trong những biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Việc khám này chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng trong đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính (khoản 1 Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Lực lượng công an tăng cường kiểm tra hành chính các cơ sở lưu trú

Lực lượng công an tăng cường kiểm tra hành chính các cơ sở lưu trú

Người có thẩm quyền khám đồ vật, điện thoại của cá nhân gồm: Trưởng Công an phường; Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ…

Bên cạnh đó, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân đang thi hành công vụ được khám điện thoại nếu có căn cứ cho rằng nếu không khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy và phải báo cáo ngay cho Thủ trưởng trực tiếp của mình, chịu trách nhiệm về việc khám.

Đối với các vụ án hình sự, Khoản 1 Điều 192 Bộ luật TTHS 2015 quy định, việc khám xét xảy ra trong các trường hợp: Khi có căn cứ để nhận định trong phương tiện đó có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án; Khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.

Đặc biệt, lực lượng thực thi nhiệm vụ có thể khám xét điện thoại nếu có căn cứ để nhận định trong điện thoại có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án.

Cơ quan công an có thẩm quyền ra lệnh khám xét gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp trong trường hợp khẩn cấp.

Tuy nhiên, phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong. Mọi trường hợp khám xét đều được lập biên bản.

Như vậy, công an có quyền kiểm tra điện thoại của công dân khi có căn cứ cho rằng chiếc điện thoại này là bằng chứng hoặc có liên quan trực tiếp đến vụ án, vụ việc vi phạm hành chính hoặc có liên quan hoặc là phương tiện phạm tội trong vụ án hình sự.