Pháp luật bảo hộ quyền sử dụng đất

ANTĐ - Trước những vấn đề mới được nêu ra trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đưa ra một số ý kiến đánh giá sâu sắc về các vấn đề liên quan đến quyền lực Nhà nước, các thành phần kinh tế, các chế định về đất đai…

Phải kiểm soát quyền lực

So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này giữ nguyên 14 điều; sửa đổi, bổ sung 99 điều và bổ sung mới 11 điều. Thực tế, khi đã hình thành quyền lực thì phải có sự kiểm soát quyền lực. Việc hình thành quyền lực, dù là quyền lực của tổ chức hay là của cá nhân, thì cũng phải được kiểm soát. Nếu quyền lực nhà nước không được kiểm soát sẽ dẫn đến tình trạng lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi, hoặc làm sai lệch bản chất của Nhà nước pháp quyền. Do vậy, kiểm soát quyền lực là nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, để các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thực thi có hiệu quả và hiệu lực chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Hiến pháp quy định và được nhân dân ủy quyền. Mọi quyền lực thuộc về nhân dân, các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp được nhân dân ủy quyền và được Hiến pháp quy định, thì các quyền lực đó phải được kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng tổ chức hoặc cá nhân lợi dụng quyền lực để phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Thực tế điều hành đất nước, quản lý xã hội trong thời gian qua đã cho bài học sâu sắc nơi nào, cấp nào thiếu sự kiểm soát, giám sát quyền lực là nơi đó dễ dẫn đến lạm quyền. 

Tại Điều 6 Dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Cơ chế kiểm soát quyền lực cũng được thể hiện rất rõ trong dự thảo. Theo đó, Quốc hội là cơ quan lập pháp, xây dựng pháp luật để toàn bộ bộ máy nhà nước và người dân thực hiện, các cơ quan trình dự án luật. Nhân dân có quyền kiểm soát những cơ quan do mình ủy quyền, đó là cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhân dân bầu ra ĐBQH bằng lá phiếu của mình, nhân dân ủy quyền quyền lực của mình cho Quốc hội, kiểm soát mọi hoạt động của Quốc hội. Cử tri thực hiện kiểm soát, giám sát hoạt động của ĐBQH do mình bầu ra. 

Bên cạnh đó, điểm mới trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thể hiện trong Điều 120, với việc thành lập Hội đồng Hiến pháp, do Quốc hội thành lập và chỉ tuân theo pháp luật, cũng là cơ quan giúp kiểm soát quyền lực nhà nước. Hội đồng Hiến pháp tương tự Hội đồng bảo hiến ở các nước. Nếu các văn bản của Quốc hội thông qua mà vi hiến thì Hội đồng Hiến pháp có thể “thổi còi”. 

Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng

Hiến pháp năm 1992, Điều 19 chỉ quy định, kinh tế Nhà nước được củng cố và phát triển, nhất là trong các ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. 

Như vậy, nếu theo Hiến pháp 1992, thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, thì trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Điều 54 nêu rõ: Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Đây là điểm mới, điểm tiến bộ căn bản, khẳng định các thành phần kinh tế đều bình đẳng như nhau và đều là thành phần cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Cũng theo Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, chúng ta không xác định thành phần kinh tế nào là chủ đạo và là nền tảng của kinh tế quốc dân. Bởi, thực tiễn cho thấy, một loạt các tập đoàn kinh tế nhà nước bị suy sụp, bên bờ vực phá sản do tham nhũng, lãng phí, quản trị doanh nghiệp kém, mà nhiều ĐBQH đã ví tập đoàn kinh tế nhà nước này như người khổng lồ chỉ dùng bầu sữa ngân sách nhà nước không hiệu quả, trong khi các thành phần kinh tế khác tự bươn chải nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao so với đồng vốn bỏ ra. 

Quy định như Điều 54 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã bám sát nội dung của Cương lĩnh, thể hiện một cách khái quát, cô đọng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phù hợp với tính chất, quy định của Hiến pháp. Còn tên gọi và vai trò của từng thành phần kinh tế sẽ được xác định trong luật và các chính sách cụ thể của Nhà nước. Việc không nêu rõ vai trò của thành phần kinh tế nhà nước như những quả đấm thép nhằm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, cạnh tranh bình đẳng với nhau.

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân

Đối với chế định đất đai, Điều 57, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định, đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Như vậy, đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, chứ không phải sở hữu nhà nước. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

Tại Điều 58 (sửa đổi, bổ sung Điều 18), dự thảo quy định, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, được quản lý theo quy hoạch và pháp luật. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn. Người dân được sử dụng đất ổn định, lâu dài trong khoảng 50 năm. Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích; được quyền sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến quy định của pháp luật. Một điểm mới nữa của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi về quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. 

Như vậy, chỉ trong trường hợp thật cần thiết Nhà nước mới thu hồi đất của tổ chức, cá nhân. Thu hồi đất phải bồi thường theo đúng quy định của pháp luật, tức là bồi thường phải theo sát giá thị trường, không được để người dân chịu thiệt thòi, doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư trục lợi qua thu hồi đất. Sở dĩ trong Điều 58, dự thảo quy định chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm tránh trường hợp trong thời gian qua, lợi dụng khái niệm các dự án về phát triển kinh tế - xã hội, không ít địa phương, nhất là người đứng đầu địa phương được giao ký quyết định cấp đất, thu hồi đất của người dân một cách tràn lan đã gây nên tình trạng khiếu kiện tràn lan. Do đó, ngay tại khoản 3, Điều 58, dự thảo đã siết chặt các quy định thu hồi đất, tránh việc lạm dụng các dự án phát triển kinh tế - xã hội do mong muốn phát triển nóng bằng mọi giá của địa phương để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc các dự án kinh tế - xã hội và việc bắt tay ngầm giữa doanh nghiệp với người ký quyết định thu hồi đất, gây nên tình trạng dự án treo, sử dụng đất sai mục đích nhằm buôn bán bất động sản kiếm lời.  

Có thể khẳng định, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và mang tính định hướng lâu dài.