63 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2017):

Pháo đài "bất khả chiến bại" đã bị đánh bại như thế nào?

ANTD.VN - Với đặc điểm đất nước và con người, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã đúc kết được kinh nghiệm đánh giặc của mình: Lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều. Thầy giáo dạy Sử Võ Nguyên Giáp là người hiểu hơn ai hết kinh nghiệm quý báu ấy. 

Cho đến trước chiến dịch Điện Biên Phủ (ĐBP), trên cả 5 chiến trường (Trung, Nam, Bắc, Lào và Campuchia), với cả 3 thứ quân (dân quân du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực) tùy tình hình mà ta đánh du kích, đánh đặc công, đánh công kiên… nhưng tựu trung vẫn là vận động chiến! Vì đặc điểm của quân đội xâm lược là phải phân tán lực lượng để chiếm giữ đất nên dù có vận động nhanh bằng cơ giới hay máy bay thả quân dù thì vẫn cứ trong tình trạng bị động, đối phó.

Ta, dù chỉ chân đất, nhưng không cần giữ đất, chỉ cốt tiêu diệt nhiều sinh lực địch, nên đôi chân trần đã thành đôi hài vạn dặm. Nhiều khi anh nuôi vừa đi vừa nấu nước, nấu cơm, mới kịp cho bộ đội, vừa đi, vừa chạy, vừa ăn để kịp chặn địch, truy kích địch nên rất ít khi bị động và thường nhanh hơn địch một bước, giành ưu thế thời gian. Ta lại đánh giặc trên đất nước mình, được dân mình che chở, giúp đỡ. Bộ Tham mưu dưới sự chỉ huy của Tổng tư lệnh được Bộ Chính trị, đứng đầu là Bác bàn bạc, chỉ đạo sâu sát nên đã kịp thời đưa ra những chủ trương, quyết định đúng đắn. Vì thế cuối cùng ta mới thắng ở ĐBP. 

“Xin Đại tướng cho thêm… mấy quả”

Trong chống Pháp có 4 chiến dịch ta không thắng, thậm chí thua. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ ra nguyên nhân: chỉ vì ta chưa đủ mạnh và không có cách đánh đúng.

Đến ĐBP tình hình đã khác. Ban đầu, theo kế hoạch do ông Hoàng Văn Thái (tham mưu trưởng mặt trận) và ông Mai Gia Sinh (cố vấn Trung Quốc về công tác tham mưu) lập ra thì ta phải đánh nhanh thắng nhanh trong 3 đêm 2 ngày, nổ súng vào 17h ngày 21-1-1954. Ông Thái lập luận: “Ta hơn địch về binh lực. Lần đầu tiên ta có pháo 105 và pháo cao xạ là một bất ngờ lớn. Lại có kinh nghiệm của bạn. Tôi thấy nếu đánh vẫn có thể giành thắng lợi”. 

Nhìn ảnh chụp từ máy bay thấy sự phát triển nhanh chóng những chiến hào của ta, một sĩ quan Pháp  ở Hà Nội ngày ấy liên tưởng tới những đường hào trong Thế chiến thứ nhất mà ông ta đã tham gia. Còn một tù binh Pháp thì nói: “Chỉ riêng việc đào được những đường hào trục thế này, các ông đã thắng chúng tôi rồi”.

Đành rằng quân ta hơn gấp 3 quân số địch, nhưng lại kém hẳn địch về hỏa lực (pháo 105, 155, cối 120), chưa kể địch có hỏa lực của xe tăng và máy bay. Đạn lại vô cùng thiếu, đến mức Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An khi đánh đồi A1 phải kì kèo xin Đại tướng cho bắn thêm, “chứ 100 quả thì ít quá”. Và Đại tướng rộng rãi cho bắn thêm… 5 quả! Còn Trung đoàn trưởng Vũ Lăng vì không được pháo chi viện nên đỏ mặt, lúng túng: “Kể ra, Bộ cho được “tí pháo” thì tốt quá”. Bởi tổng cộng, ta chỉ có khoảng 20.000 viên, còn địch thì bắn thả cửa, cả chiến dịch họ bắn hết 132.000 viên. 

Trong một tương quan hỏa lực như thế, địch lại củng cố được hệ thống công sự, hầm ngầm kiên cố, đào được đủ hầm hào, chăng dây thép gai, gài mìn dày đặc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấy không thể đánh nhanh thắng nhanh được. Thế nên ông phải cho lùi ngày nổ súng lại 5 ngày (dự kiến là 17h ngày  25-1). Nhưng, sau 5 ngày pháo vẫn chưa vào được vị trí chiến đấu. Ấy là chưa kể, mới chỉ có hầm dã chiến cho pháo. Chưa kịp xây dựng hầm kiên cố, chưa có trận địa dự phòng để di chuyển, chưa có hầm chứa đạn… Địch mà phản pháo (khi quan sát khói đầu nòng pháo ta sau vài phút) thì không những pháo bị đòn mà đến các pháo thủ cũng thương vong.

Tính đếm hết mọi chuyện, nghĩ cho hết nhẽ, Đại tướng mới chín muồi dần quyết định phải lùi ngày đánh lại, kéo pháo ra, trở về vị trí tập kết, chuẩn bị lại, sẵn sàng mọi điều kiện sẽ đánh. Quá trình chuẩn bị ấy diễn ra trong một tháng rưỡi.

Pháo đài "bất khả chiến bại" đã bị đánh bại như thế nào? ảnh 2Hệ thống giao thông hào khép dần vòng vây địch - một trong những yếu tố góp phần làm nên thắng lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến thuật “bao vây”, “bóc vỏ”

Trong kháng chiến chống Pháp, ta chỉ hơn địch tinh thần chiến đấu. Nhưng sức mạnh tinh thần cũng chỉ có giới hạn nhất định, không phải hễ có sức mạnh tinh thần cao là thắng địch. Càng không thắng với bất cứ giá nào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói thế. Nếu chưa có trọng pháo và cao xạ pháo, có lẽ Bác, Bộ Chính trị và Đại tướng chưa trọn ĐBP làm điểm quyết chiến chiến lược với quân Pháp. Có trọng pháo và cao xạ pháo rồi mà không tính kỹ, sử dụng có hiệu quả thì cũng không thắng được. Ý nghĩa của việc kéo pháo ra, để đánh chắc tiến chắc do vậy có ý nghĩa quyết định. Vì thế, để làm nên chiến thắng, ta phải có cách đánh của ta. 

Bên trong là tập đoàn cứ điểm của địch, bố trí thành các cụm cứ điểm vòng trong vòng ngoài gồm 49 cứ điểm. Cứ điểm nào cũng có lô cốt, công sự chính, hệ thống công sự phụ, hầm ngầm, hào sâu, dây thép gai, bãi mìn. Hai sân bay đảm nhiệm việc tiếp tế ngày đêm, cả người, vũ khí, đạn, lương thực thực phẩm…

Các trận địa pháo 105, 155, cối, xe tăng ở hai khu trung tâm Mường Thanh và Hồng Cúm đủ khả năng yểm hộ cho nhau và cho các cứ điểm ngoại vi khác. Xe vận tải thì vận chuyển, xe xúc, xe ủi làm nhiệm vụ đào hào, và san lấp hào của ta. Vậy là 19 tiểu đoàn địch dàn thành một trận địa bề thế, hùng mạnh nhất Đông Dương. Nhưng địch lại ở thế cố thủ, phòng ngự, bị động, tự giam hãm mình, cô lập mình, làm mất đi tính cơ động vốn là thế mạnh của địch.

Ta chỉ đông quân hơn, nhưng yếu hơn về hỏa lực, không có máy bay, xe tăng, và về cơ bản vẫn là một đội quân bộ binh đơn thuần. Nhưng lại nắm quyền chủ động tiến công bằng trận địa bao vây. Trận địa ta lại ở vòng ngoài. Đằng sau cái vòng ngoài ấy là hậu phương mênh mông của ta. Để chuẩn bị cho đợt tấn công đợt 1 (từ ngày 13-3), chỉ sau hơn một tháng ta đã xây dựng được một trận địa tấn công bằng đường hào trục dùng vào việc cơ động pháo, vận chuyển thương binh, điều động từng đơn vị lớn.

Đường hào trục chạy một vòng rộng bao quanh toàn bộ trận địa địch ở khu trung tâm Mường Thanh. Còn đường hào bộ binh thì chạy từ những vị trí trú quân đổ ra, cắt ngang đường hào trục, tiến vào những vị trí xuất phát xung phong, tổng cộng hơn 100km. Để bắt đầu tiến công đợt 2 (từ 18h ngày 30-3) chỉ hơn 10 ngày ta đã đào xong 100km đường hào tiến công nữa. 

Phân tích nguyên nhân thắng lợi của chiến địch ĐBP, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Ta đã làm cho địch bất ngờ lớn nhất là không chấp nhận một cuộc giao chiến chớp nhoáng với toàn bộ lực lượng viễn chinh tinh nhuệ, náu mình trong tập đoàn cứ điểm kiên cố, mà quyết định tiêu diệt dần từng trung tâm đề kháng bằng cách đánh sở trường của ta vào thời gian, địa điểm do ta lựa chọn với thế trận áp đảo trong từng trận, đồng thời siết chặt trận địa chiến hào, triệt nguồn tiếp tế cho đến khi tập đoàn cứ điểm nghẹt thở và cuối cùng phải đầu hàng”. Nói nôm là đánh theo kiểu bóc vỏ (hành) chứ không nghe cố vấn Trung Quốc.

Trên đường Đại tướng từ Tây Bắc về Việt Bắc để chào Bác, Người bắt tay chúc mừng ông rồi nói: Nhân dân ta còn phải tiếp tục chống Mỹ. Đấy là tầm nhìn của một nhà cách mạng tiên tri. 

Đầu tháng 7 năm ấy, Đại tướng được cùng Bác đi xe lửa sang Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) gặp Thủ tướng Chu Ân Lai vừa từ Geneva về để trao đổi ý kiến về nội dung bản Tuyên bố việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngồi trên xe lửa, ông hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Bác và thưa thêm, Pháp còn gần 50 vạn quân, lại thêm Mỹ giúp thì khó có khả năng hòa bình thống nhất Việt Nam.

Trong tình hình ấy, cuối cùng ta buộc phải chấp nhận lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời. Đúng như lời tiên tri của Bác và sứ mệnh Người trao cho ông sau khi nước Cộng hòa non trẻ mới ra đời vẫn đang đợi ông phía trước. Dù sẽ phải làm cuộc kháng chiến thứ hai thì ĐBP vẫn là trận địa chiến duy nhất trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta mà ta chấp nhận và đã toàn thắng.