“Phao” an sinh xã hội

ANTĐ - Hiếm có thời điểm nào, các điểm tiếp nhận đăng ký bảo hiểm thất nghiệp lại “tấp nập” như hiện nay. Riêng ở Hà Nội, quý I vừa qua đã có 4.667 người lao động đăng ký thất nghiệp, bằng số lượng cả năm 2010. Sang tháng 4, số lượng tăng vọt lên 2.657 người, đưa tổng số lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp 4 tháng đầu năm lên hơn 7.000 người. 

Tỷ lệ thuận với hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản, thu hẹp sản xuất, cắt giảm và sa thải lao động là “đội quân” mất việc làm, thất nghiệp kéo đến các điểm tiếp nhận để giải quyết chế độ, nhận trợ cấp thất nghiệp. Song không phải ai cũng dễ dàng nhận được đồng tiền dù ít ỏi, “còi cọc”. Đời sống của hàng triệu người lao động đang có công ăn việc làm tương đối ổn định trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, công ty vốn đã chật vật trong thời buổi kinh tế vừa lạm phát vừa đình trệ, nói gì tới hàng vạn người “sểnh nhà ra thất nghiệp”, ngổn ngang bao nỗi lo mất việc, không có chỗ ở, không có điều kiện chăm lo sức khỏe. Khi mất việc, trắng tay, người lao động chỉ biết tìm đến Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để nhận trợ cấp, nhiều người đang lo vỡ quỹ. Thực tế, đang diễn ra hiện tượng doanh nghiệp “quỵt” quyền lợi của người lao động. Theo một quan chức Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, nguyên nhân xuất phát từ đặc điểm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhỏ chiếm tỷ trọng rất lớn trong khối doanh nghiệp. Người lao động trình độ hạn chế, hiểu biết về luật pháp mơ hồ. Nhiều người không biết cách bảo vệ quyền lợi của mình khi mất việc. Bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động được ví như “sắp chết đuối, vớ được cọc”.

Thế nhưng, việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục còn rườm rà, qua nhiều cửa, nhiều khâu, mất cả thời gian lẫn công sức. Chưa kể, người lao động đang đứng trước nguy cơ “mất trắng” quyền lợi vì thiếu hoặc chưa hoàn thiện giấy tờ, phải làm lại hồ sơ để hưởng chế độ. Tình trạng doanh nghiệp phá sản, nợ tiền bảo hiểm xã hội, trốn đóng bảo hiểm, thậm chí “xù” hàng trăm triệu đồng tiền đóng bảo hiểm cho người lao động.

Theo Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, chính sách bảo hiểm thất nghiệp có những “lỗ hổng” giúp chủ lao động thông đồng với người lao động để trục lợi, dẫn đến trình trạng “người ăn không hết, kẻ lần không ra”. Cho đến nay, cơ quan chức năng vẫn bó tay vì chưa có cách nào để xác minh các hồ sơ có thật sự thất nghiệp hay đã xin được việc làm mới mà vẫn lĩnh tiền trợ cấp thất nghiệp đều đều. Còn một bất cập nữa là, theo quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm, người lao động chỉ được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp nếu làm việc tại các doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên và có hợp đồng lao động có đủ thời gian từ 12-36 tháng. Chính những lao động tại những doanh nghiệp này lại là những người có khả năng mất việc cao, họ cần được hỗ trợ thì lại không được hưởng.

Bảo hiểm thất nghiệp được ví như “tấm lưới đỡ” của người lao động, giúp họ không rơi vào tình cảnh bi đát. Lẽ ra họ bị mất việc, không có thu nhập, đời sống túng quẫn do doanh nghiệp giải thể, phá sản, thì phải được ưu tiên giải quyết bảo hiểm để cầm cự, tìm việc làm. Vậy mà chính họ lại bị chủ lao động “mang con bỏ chợ”, trắng tay không thể với nổi cái “phao” an sinh xã hội.