Phản ứng sau khi tiêm chủng: Nguyên nhân do đâu?

ANTD.VN - Sau khi tiêm chủng, trẻ thường có những phản ứng như sốt, vết tiêm sưng tấy, quấy khóc… khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Dưới đây là những nguyên nhân và điều cần chú ý khi cho trẻ đi tiêm.

Nguyên nhân gây ra phản ứng sau tiêm

Phản ứng sau khi tiêm chủng: Nguyên nhân do đâu? ảnh 1

Có 5 nguyên nhân chính gây ra phản ứng sau tiêm ở trẻ

Việc trẻ có những biểu hiện phản ứng sau khi tiêm vaccine phòng bệnh thực chất không hề nguy hiểm như cha mẹ lo ngại. Theo báo Tuổi Trẻ, dưới đây là 5 nguyên nhân chính gây ra các phản ứng phụ sau tiêm chủng mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại:

- Do bản chất vắc xin

Đó có thể là các phản ứng tại chỗ như: vết chích bị sưng, bưng mủ (vắc xin Lao BCG) hoặc những phản ứng toàn thân như sốt. Nguyên nhân của phản ứng này là do một phần đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Hầu hết những phản ứng này nhẹ và tự khỏi. Phản ứng nghiêm trọng liên quan tới vắc xin rất hiếm gặp.

- Do chất lượng vắc xin

Phản ứng liên quan tới chất lượng của vắc xin có thể do khiếm khuyết xảy ra trong quá trình sản xuất vắc xin và làm tăng nguy cơ các phản ứng sau tiêm chủng. Đây là những phản ứng rất hiếm gặp vì hiện nay các cơ sở sản xuất vắc xin đều đã áp dụng thực hành sản xuất tốt (GMP), đồng thời kiểm định chặt chẽ đối với từng lô vắc xin trước khi sử dụng. Việc kiểm định vắc xin trong quá trình sản xuất, trước khi được phép xuất xưởng và trước khi sử dụng cũng được thực hiện hết sức nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo vắc xin có chất lượng tốt nhất và đảm bảo an toàn đối với người sử dụng.

- Do lỗi tiêm chủng

Phản ứng gây ra do lỗi tiêm chủng bao gồm việc bảo quản và sử dụng vắc xin không đúng quy định, các lỗi này có thể phòng tránh được. Cách phòng tránh: đảm bảo dây chuyền lạnh hoạt động tốt, thường xuyên theo dõi nhiệt độ tủ lạnh bảo quản vắc xin, không để vắc xin tiếp xúc trực tiếp với bình tích lạnh hoặc đá; khám phân loại trước khi tiêm; tuân theo chỉ định và chống chỉ định của mỗi loại vắc xin, nhà sản xuất; không tiêm cho trẻ có tiền sử phản ứng mạnh với liều tiêm trước (DPT); hoãn tiêm cho trẻ đang bị sốt, mắc bệnh nhiễm trùng cấp tính; không tiêm khi không có sự đồng ý của cha mẹ trẻ.

- Do tâm lý

Phản ứng này phát sinh do sợ tiêm chủng, có thể xảy ra hàng loạt trong các chiến dịch tiêm chủng do lo sợ hoặc bị tiêm đau. Phản ứng này thường gặp ở trẻ trên 5 tuổi với những triệu chứng ngất xỉu, nhức đầu, chóng mặt…

Cách phòng tránh là cần giải thích rõ, trấn an, tạo lòng tin, tiêm phòng cho những trẻ ít sợ tiêm trước, khi phát hiện trẻ có biểu hiện trên cần cách ly, trấn an và theo dõi trẻ, tránh để ảnh hưởng đến các trẻ khác. Ngoài ra, khi tiêm chủng cho trẻ cần tạo một môi trường thân thiện với các tranh ảnh, phim hoạt hình để thu hút sự chú ý của trẻ nhằm làm giảm tâm lý lo âu, căng thẳng khi tiêm.

- Bệnh trùng hợp ngẫu nhiên

Phản ứng này không phải do vắc xin hay sai sót trong tiêm chủng, cũng không liên quan đến tâm lý mà là do trẻ có sẵn bệnh trong người mà khi khám sàng lọc, bác sĩ chưa phát hiện. Phản ứng có thể xảy ra trùng hợp với thời điểm tiêm chủng và đôi khi có thể bị cho là do tiêm chủng vắc xin.

Những phản ứng trùng hợp ngẫu nhiên này rất khó tránh trong những chiến dịch tiêm chủng do tiêm chủng số lượng trẻ nhiều. Đặc biệt, lịch tiêm chủng cho trẻ em thường bắt đầu rất sớm và giai đoạn này trẻ rất dễ bị nhiễm trùng hay các bệnh bẩm sinh hoặc có các dấu hiệu thần kinh kể cả tử vong vì thế rất dễ bị quy kết do tiêm chủng.

Lưu ý khi đưa con đi tiêm chủng

Mặc dù các phản ứng sau tiêm chủng xảy ra là điều khó tránh khỏi nhưng lợi ích mà vaccine đem lại là lớn hơn bội phần so với những rủi ro của tiêm chủng. Chính vì vậy mục đích của tiêm chủng là phải bảo vệ toàn thể cộng đồng, cho nên nếu tỷ lệ phản ứng sau tiêm nằm trong giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới thì nhất thiết vẫn phải duy trì tiêm chủng để tránh dịch bệnh bùng phát gây nguy hiểm khôn lường cho toàn xã hội.

Báo Nhân dân cho biết, thực tiễn triển khai vaccine ở Việt Nam trong những năm qua đã chứng minh tai biến nặng xảy ra sau tiêm vaccine là hãn hữu đã cho thấy tính an toàn của vaccine.

Phản ứng sau khi tiêm chủng: Nguyên nhân do đâu? ảnh 2

Cần lưu ý khi tiêm phòng cho trẻ

Để bảo đảm an toàn tiêm chủng cho trẻ, các bà mẹ cũng cần được hướng dẫn những điều cần thực hiện khi đưa con đi tiêm chủng và cách chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm chủng: mang theo phiếu, sổ tiêm chủng khi mang con đi tiêm chủng, chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt đang dùng thuốc hoặc có tiền sử phản ứng mạnh đối với loại vaccine trong lần tiêm chủng trước.

Sau tiêm chủng trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà trong 24 giờ, để ý đến trẻ nhiều hơn, cho bú hoặc uống nhiều hơn, không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm, có thể cho uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.

“Hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu phản ứng kéo dài hơn một ngày, trẻ sốt cao, co giật hay có biểu hiện bất thường như quấy khóc kéo dài, bỏ bú, tím tái, khó thở... Sự phối hợp của bà mẹ là rất quan trọng trong quá trình bảo đảm tiêm chủng an toàn”, chuyên gia y tế dự phòng nhấn mạnh.