Phản ứng lúng túng

(ANTĐ) - Ngoài những vấn đề nổi cộm đã trở nên quá… bình thường trong cuộc sống đô thị thì chuyện miếng ăn, thức uống, nói nôm na là an toàn vệ sinh thực phẩm, luôn gây nên những “làn sóng” dư luân bức xúc. Xa thì có vụ sữa trẻ em có chứa chất melamin gần đây là gia vị nấu lẩu không xuất xứ; thạch tín, chì và chất cadmium trong thực phẩm trẻ em, kẹo phát sáng. Nóng hổi nhất là chất tạo đục DEHP trong các loại thạch. Điều đáng lo ngại là các sự vụ trên đều được phát hiện từ nước ngoài, một phần lớn qua báo chí.
Từ những vụ rủi ro bị rò rỉ ở nước ngoài lan truyền thành những luồng dư luận thực hư do thiếu thông tin chính thức, hầu như cơ quan chức năng về an toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam đều rơi vào thế bị động. Phản ứng lúng túng như “gà mắc tóc” vì còn phải tìm xem chúng có mặt ở nước ta hay không. Nếu được phỏng vấn về “phản vệ” của Việt Nam thì thường nhận được câu trả lời: “Chờ tra cứu thông tin”.

Dư luận dường như hiếm khi được nghe đánh giá và công bố phân cấp và phải đối phó như thế nào theo từng cấp cụ thể. Vừa qua, khi xảy ra vụ Đài Loan (Trung Quốc) cho hủy thực phẩm nhiễm DEHP từ chất tạo đục trong các loại nước giải khát, Bộ Y tế đã hối hả cho đi kiểm nghiệm một số nước giải khát và công bố rằng, không có chất tạo đục chứa DEHP. Đáng lý phải đặt ra một nghi vấn giải đáp cho người dân: chất tạo đục có trong những thực phẩm nào? Nước giải khát, sữa đóng gói hay thạch? Mặc dù một số sở y tế ở thành phố lớn đã thông báo khẩn yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm của các công ty Đài Loan đã bị phát hiện có chứa DEHP phải khai báo và tự kiểm nghiệm chỉ tiêu DEHP trong sản phẩm của mình.

Các cơ sở kinh doanh các sản phẩm nhập khẩu có khả năng nhiễm DEHP cũng phải tự kiểm nghiệm.
Nhiều chuyên gia trong ngành nói rằng, bảo các nhà sản xuất tự nguyện đi kiểm nghiệm có tự pha chế chất tạo đục công nghiệp vào trong sản phẩm, chẳng có cơ sở nào dại gì “Lạy ông, con ở bụi này”. Sau nước trái cây, rau câu, thạch, kẹo lại đến hai loại mì gói sản phẩm của Hàn Quốc sản xuất tại Đài Loan nghi có chứa hai hóa chất DEHP và DINP. Bộ Y tế Malaysia đã cảnh báo sớm đó là hai chất tạo dẻo nghi ngờ có trong mì gói của hãng Nong Shim được xuất khẩu sang 80 quốc gia, người tiêu dùng không nên sử dụng. Bộ này có đủ thông tin để cảnh báo sớm và đã cho thu hồi hai sản phẩm trên.

Trước đó, tại Hồng Kông cơ quan chức năng cũng đã lấy 10 mẫu mì gói sản xuất tại Trung Quốc và phát hiện có 4 mẫu mì gói chứa chất tạo đục DEHP cao gấp hàng chục lần mức độ an toàn. Đó là loại mì hương vị nấm sản phẩm Hàn Quốc được sản xuất tại Thượng Hải, mì gói sản phẩm Nhật Bản cũng sản xuất tại Thượng Hải… chứa hàm lượng DEHP cao hơn mức an toàn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới. Các hệ thống siêu thị lớn cũng như các cửa hàng thực phẩm vẫn bày bán mì Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ phía cơ quan chức năng của Việt Nam. Họ chỉ nghe thông tin từ bên ngoài, rồi liên hệ với nhà cung cấp yêu cầu đưa các giấy tờ chứng minh sản phẩm an toàn cho sức khỏe.

Cho đến thời điểm này, dù nước ta đã phát hiện và thu hồi 26 loại sản phẩm có chứa chất tạo đục nhiễm DEHP, còn những mặt hàng khác có hay không những chất này vẫn là ẩn số. Đã qua nhiều vụ bất an, nguy hiểm về vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ hàng hóa nhập khẩu, song rõ ràng cơ quan chức năng hầu như phản ứng “theo đuôi”, chưa có một hệ thống cảnh báo sớm. Đặc biệt là không có được một “hàng rào” phòng vệ, chỉ khi thực phẩm đã qua mồm, trôi xuống ruột lúc đó mới khuyến cáo, cấp báo. Hành động đón đầu thì quá khó, nhưng phản ứng “vuốt đuôi” cũng phải nhanh nhạy, linh hoạt nếu không… hối cũng chẳng kịp.