Phản ứng của Hà Kiều Anh khi bị chỉ trích ngộ nhận mình là "công chúa"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sự việc Hà Kiều Anh chia sẻ bài viết về dòng dõi “trâm anh thế phiệt” của gia đình mình, trong đó có nhắc đến chi tiết cô được bà nội nhắc nhở rằng mình là “công chúa đời thứ 7” của triều Nguyễn khiến dư luận xôn xao bàn tán.

Sau bài viết chia sẻ khá dài trên mạng xã hội, Hà Kiều Anh vấp phải sự phản ứng của không ít người vì cho rằng cô đã ngộ nhận mình là “công chúa”.

Tóm lược lại câu chuyện từ người đẹp từng đăng quang “Hoa hậu Việt Nam 1992” thì cụ nội cô là một trong 7 người cháu nội của Tuy Lý Vương – hoàng tử thứ 11 con vua Minh Mạng. Người cụ này cũng là vợ thứ 3 của một vị quan trong triều Nguyễn, sinh được 2 người con và một trong hai người con này chính là bà nội của Hà Kiều Anh. Vì thế, xét theo lời kể của bà nội thì Hà Kiều Anh cũng thuộc hàng “con vua cháu chúa”, là "công chúa đời thứ 7 của triều Nguyễn".

Tuy nhiên, chia sẻ trên của Hà Kiều Anh bị nhiều người phản đối vì cho rằng không chính xác. Cụ thể, khi được hỏi về điều này, ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh – người được biết đến là “hậu duệ” đời thứ năm của Tuy Lý Vương, hiện đang là hội viên Hội Khoa học lịch sử thành phố Huế thì Hà Kiều Anh không phải công chúa đời thứ 7 của triều Nguyễn và nếu theo thông tin gia phả mà cô kể thì cô chỉ là con cháu họ hàng xa của Phủ Tuy Lý Vương. Bên cạnh đó, cô mang họ Hà (họ bên nội), chưa kể để được gọi là “công chúa” (con vua) thì cần phải được vua sắc phong tước hiệu. Cũng theo ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh thì chuyện nhận là con cháu của Phủ Tuy Lý Vương sẽ hay và vui hơn nếu Hà Kiều Anh tìm hiểu kỹ hơn về nguồn gốc gia tộc.

Ảnh ông nội và bà nội của Hà Kiều Anh

Ảnh ông nội và bà nội của Hà Kiều Anh

Bên cạnhh đó, trên trang mạng xã hội cá nhân, nhà nghiên cứu độc lập Tôn Thất Minh Khôi – hậu duệ Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, vị chúa thứ 8 của triều Nguyễn cũng lên tiếng bày tỏ quan điểm về việc này. Trong đó nhà nghiên cứu trẻ có nhắc đến chi tiết, dưới triều Nguyễn, không phải tất cả những người con gái do hoàng đế sinh ra đều được mặc định là “công chúa”, mà chính xác chỉ được gọi là “hoàng nữ”, thông thường khi lớn lên và hạ giá lấy chồng thì mới được hoàng đế sắc phong làm “công chúa” với một buổi lễ riêng, có sách bảo và phong hiệu hẳn hoi. Điều này có nghĩa là một công chúa triều Nguyễn phải hội tụ đủ 2 yếu tố: một “hoàng nữ”, con gái ruột của hoàng đế; hai là đã được cử hành lễ sách phong chính thức để nhận danh hiệu này.

“Bên cạnh tước vị ‘công chúa’ thì nhà Nguyễn sắc phong ‘trưởng công chúa’ cho các bậc chị em gái của hoàng đế, “thái trưởng công chúa’ cho các bậc cô dì của hoàng đế. Bà cố ngoại của chị Hà Kiều Anh như chị nói là Công Tằng Tôn Nữ tất nhiên không phải là ‘công chúa’ như chị nói vì đâu nằm trong danh sách nhân sự có thể sắc phong ‘công chúa’? Chưa dừng lại ở đó, từ bà cố ngoại của chị truyền đến 3 đời nữa mới đến chị, mối liên hệ hoàng phái của chị chắc chắn lại càng mong manh như những thông tin chị ghi trong bài viết của mình.” – nhà nghiên cứu Tôn Thất Minh Khôi phân tích.

Hà Kiều Anh

Hà Kiều Anh

Trước những phản ứng trái chiều từ cả giới nghiên cứu lịch sử lẫn khán giả, trên Fanpage của Hà Kiều Anh bất ngờ đưa ra lời đáp trả về việc này. Theo đó, trước bình luận khẳng định việc mình đã “thậm xưng” về danh hiệu “công chúa”, chủ nhân Fanpage đã lên tiếng khẳng định, đó là bà nội của cô hay nói như vậy, còn cô không nói và chừng nào cô nói mình là công chúa đời thứ 7 thì mới là tự xưng danh. Bên cạnh đó, ở nhà mọi người vẫn hay gọi con gái, cháu gái…là “công chúa”, như cô vẫn gọi con gái mình “công chúa Viann”. Cũng theo chủ nhân Fanpage thì dòng dõi nhà mình là “con vua cháu chúa thật”, có thể một số điểm cô nghe cậu mợ kể lại, gia phả ghi chép có sai sót, nhưng câu chuyện mà cô viết về gia đình mình là có thật. Nếu không tin mọi người có thể đến Phủ Tuy Lý Vương ở Huế gặp người trông coi Phủ và gia đình ông để kiểm chứng.

Trước đó khi kể lại câu chuyện “con vua cháu chúa”, Hà Kiều Anh nhận được “cơn mưa” lời khen bày tỏ sự ngưỡng mộ, tình cảm yêu mến, nể trọng mà mọi người dành cho mình và gia đình. Khi bị “ném đá” về danh xưng “công chúa đời thứ 7 triều Nguyễn”, cô cũng chỉ lặng lẽ gửi lời cảm ơn tới những bình luận thể hiện sự thông cảm, bênh vực với chia sẻ gây tranh cãi của mình.