Phán quyết nào cho sát nhân máu lạnh?

ANTĐ - Cuối cùng thì Breivik, kẻ khủng bố giết hại 77 người trong hai vụ tấn công liên tiếp vào tháng 7-2011 làm chấn động cả thế giới, đã được đưa ra xét xử. Chắc chắn dư chấn từ vụ án này sẽ còn ám ảnh lâu dài đất nước Na Uy.

Breivik không hề tỏ thái độ sám hối khi xuất hiện tại phiên tòa

Ngày 22-7-2011, Breivik cho nổ một quả bom xe bên ngoài tòa nhà chính quyền ở Thủ đô Oslo, Na Uy, khiến 8 người thiệt mạng và 200 người khác bị thương. Sau đó hắn bình thản đi đến hòn đảo nhỏ Utoeya ở tây bắc Thủ đô, nơi đang diễn ra một trại hè của các đoàn viên Đảng Lao động cầm quyền. Giả trang làm cảnh sát, trong hơn một giờ đồng hồ hắn đã bắn chết 69 người, hầu hết là thanh thiếu niên.

Chưa bao giờ một kẻ xả súng hành động đơn độc lại gây ra nhiều cái chết đến như vậy, đến mức ngay cả J. Levin và A. Fox, các tác giả của nhiều cuốn sách về những vụ giết người hàng loạt, cũng phải thốt lên: “Từng có những vụ thảm sát lớn hơn sử dụng các loại vũ khí khác, nhưng chưa có vụ dùng súng nào gây ra thiệt hại về nhân mạng lớn như vậy”. 

Càng ngạc nhiên hơn khi Breivik công khai nhận tội với tuyên bố mình là một hiệp sĩ thánh chiến chống lại “cuộc xâm lăng của Hồi giáo” ở châu Âu và chính sách cho nhập cư tự do của chính quyền trung tả Na Uy do Thủ tướng Jens Stoltenberg đứng đầu. Phản ứng lại cáo buộc của cơ quan điều tra, Breivik mô tả hành động của mình là “tàn ác nhưng cần thiết” nhằm bảo vệ sự thuần khiết của xã hội Na Uy trước sự xâm nhập của người nhập cư.

Tội ác của Breivik đã rõ ràng nhưng bản án nào dành cho kẻ sát nhân máu lạnh thì vẫn chưa ngã ngũ bởi điều đó tùy thuộc vào việc chánh án quyết định hắn ta có phải là người ổn định tâm thần trong lúc giết người hay không. Cuối năm ngoái, hai chuyên gia thần kinh đã tiến hành các đánh giá theo chỉ định của tòa án và kết luận Breivik bị tâm thần phân liệt và hoang tưởng nên không thể bị kết án tù. 

Tuy nhiên, kết luận này đã gây ra tranh cãi dữ dội ở Na Uy bởi một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu một người tâm thần như Breivik có thể lên kế hoạch tấn công tinh vi như vậy được không. Bản thân Breivik cũng phủ nhận chẩn đoán mình bị điên và tuyên bố công khai là cảm thấy “thất vọng” khi cụm từ “bệnh tâm thần” xuất hiện trong cáo trạng của mình, bởi điều đó phá hủy thông điệp chính trị mà hắn muốn chuyển đến xã hội thông qua hai vụ khủng bố.

Nhân vật cực hữu này còn nói rằng việc bị tuyên bố tâm thần và đưa vào trại “còn tệ hơn cái chết” với hắn. Breivik xác nhận mình là người tinh thần ổn định, muốn xét xử hành động của mình như một hành động chính trị, không phải là hành động của một người mất trí. Chính vì thế mà 5 thẩm phán trong phiên tòa lần này sẽ phải xem xét rất thận trọng trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về việc Breivik có bị tâm thần hay không.

Nếu bị tuyên phạt tội khủng bố, Breivik sẽ phải nhận mức án tối đa 21 năm theo pháp luật Na Uy. Còn nếu bị coi là tâm thần, hắn sẽ bị đưa vào trại tâm thần. Bản án 21 năm cho tội khủng bố có thể kéo dài vô thời hạn với các tù nhân được coi là gây nguy hiểm cho xã hội Na Uy. Luật lệ tương tự cũng được áp dụng trong các cơ sở tâm thần. Nhưng theo công tố viên Inga Bejer Engh, trong cả 2 trường hợp, Breivik sẽ trải qua phần đời còn lại trong tình trạng giam giữ. Ông khẳng định: “Bất kể bản án thế nào đi chăng nữa, chúng tôi hứa sẽ làm mọi thứ để giữ hắn ta tránh xa xã hội theo luật pháp”.