Vụ xét xử Công ty VN Pharma nhập thuốc điều trị ung thư:

Phẫn nộ trước sự giả dối, lừa gạt!

ANTD.VN - Tuần qua, dư luận rất quan tâm và bày tỏ sự bức xúc, phẫn nộ khi theo dõi tin tức về phiên tòa xử vụ án Công ty VN Pharma làm giấy tờ giả, nhập thuốc chữa ung thư không rõ nguồn gốc về Việt Nam. Vụ việc cũng đặt ra những dấu hỏi lớn đối với những cán bộ có liên quan, trong thực thi chức trách nhiệm vụ của mình ở Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế. PGS.TS Phạm Duy Hiển (nguyên Phó Giám đốc, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Bệnh viện K Trung ương) đã có những chia sẻ chân thành trong chương trình “Vấn đề hôm nay” của VTV khi nói đến tai họa thuốc giả - đặc biệt đối với bệnh nhân điều trị ung thư. An ninh Thủ đô Cuối tuần ghi lại nội dung cuộc trao đổi này.

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma) trước tòa

- PV: Là chuyên gia lâu năm trong ngành Y chuyên về lĩnh vực điều trị bệnh ung thư, Phó Giáo sư suy nghĩ như thế nào về phiên tòa xử vụ án Công ty VN Pharma?

- PGS.TS Phạm Duy Hiển: Với người làm lâu năm thì đây không phải lần đầu tiên chúng tôi nghe về thuốc giả, đôi khi những thông tin đó rầm rộ lên, đôi khi nó lại lắng dịu xuống. Nhưng có điều là, thuốc giả luôn tồn tại song hành với cuộc chiến chống bệnh tật nói chung và bệnh ung thư nói riêng. Không phải chỉ ở Việt Nam, thuốc giả còn xuất hiện trên thế giới.

Cho nên là, nếu như hôm nay, tòa xét xử những lãnh đạo Công ty Dược VN Pharma có tội thì tôi mong rằng công lý chỉ có một, chân lý chỉ có một. Và những người làm tốt sẽ được đánh giá tốt, còn những người có tội và gây tội sẽ bị trừng phạt, bị công lý trừng trị. Tôi nghĩ là việc đó chúng ta trông chờ vào kết luận và phán xử của tòa.

- Rõ ràng nạn thuốc giả không phải là bây giờ chúng ta mới đối mặt, đặc biệt là thuốc giả chống ung thư thì càng đáng lên án, khi người bệnh rơi vào tình trạng rất hiểm nghèo. Thưa ông, trong trường hợp Công ty VN Pharma, tại tòa có ý kiến bào chữa cho rằng họ chỉ sử dụng giấy tờ giả mạo thôi, chứ thuốc vẫn có hoạt chất điều trị ung thư. Bào chữa với lý lẽ như vậy có chính đáng không?

- Tôi lại cho rằng, nếu là thuốc thật thì tại sao anh phải dùng giấy tờ giả mạo. Nếu như trong vụ án này, bị can thừa nhận làm giấy tờ giả mạo thì nguyên chuyện đó đã thấy thuốc ung thư đấy không dùng được. Đã thuốc thật, thì cớ sao phải giả mạo giấy tờ? Việc nhập thuốc đó, tôi cho là không khó, vì những hãng thuốc lớn nhất thế giới hiện nay nghiên cứu ra thuốc điều trị ung thư luôn bên cạnh chúng ta.

Vì thế, khi anh nhập vào Việt Nam, chúng tôi cũng khuyên rằng là chưa chắc đã qua được các nhà thầu khác ở bệnh viện, ở các cơ sở y tế. Còn có một hàng rào ngăn lại những thuốc không rõ nguồn gốc, cho nên rất may là lô thuốc kém chất lượng đó đã bị dừng lại, ngăn lại, khoanh lại ở chỗ đấy. Cho tới hôm tòa xét xử, chưa có bệnh nhân nào phải dùng thuốc đó, tôi cho rằng là chúng ta làm như vậy còn là kịp thời.

PGS.TS Phạm Duy Hiển 

- Kể cả trong thuốc đó có hàm lượng hoạt chất chống ung thư thì cũng không đảm bảo thuốc này có tác dụng, đúng không thưa Phó Giáo sư?

- Vâng, hoạt chất với thuốc là khác nhau. Không phải cứ có hoạt chất là có thuốc. Bởi vì, chúng ta có thể nhập hoạt chất về, nhưng không có công nghệ, không có dây chuyền để sản xuất ra thuốc. Đấy là hai việc khác nhau. Việc bào chế không đúng quy trình thì không thể ra thuốc được. Đó là hai việc khác nhau và dù thuốc có hoạt chất nào đó thì vẫn có thể bị gọi là thuốc giả.

- Thưa Phó Giáo sư, trong vụ án này, dư luận rất phẫn nộ, bởi vì bệnh nhân ung thư rất đặc biệt và bản thân họ vốn đối mặt với rất nhiều khó khăn và nguy hiểm với tính mạng…

- Phẫn nộ trước sự giả dối, sự lừa gạt là sự phẫn nộ rất nhân tính. Không phải chỉ đối với thuốc, bất kỳ cái gì giả dối, chúng ta đều lên án, chúng ta đều phẫn nộ. Trong thuốc, tôi thấy là nếu chỉ là lừa gạt bệnh nhân ung thư như vậy thôi thì vẫn chưa phải gây ra sự phẫn nộ nhất. Ví dụ, bệnh viêm phổi nếu dùng kháng sinh tốt, kháng sinh thật thì bệnh nhân sống, nhất là viêm phổi ở người già.

Nhưng nếu kháng sinh giả thì dù bị nhẹ cũng thành viêm nặng, mà đặt trong bệnh viện thì viêm phổi bệnh viện là cực kỳ nặng. Bệnh nhân có thể tử vong. Cho nên với bệnh ung thư, nếu thuốc rởm thì 1, 2 ngày chưa thấy gì, nhưng mà với kháng sinh chuyên dụng, chỉ cần hai ngày thôi, nếu dùng kháng sinh giả là bệnh nhân tử vong. Cái gì giả mạo, lừa gạt cũng phải lên án, nhưng đặc biệt nhất là thuốc chuyên dụng mà bị làm giả thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp.

- Thuốc ung thư giả ngoài việc cướp đi hy vọng chữa bệnh thì điều đáng nói là giá thuốc chữa ung thư rất đắt, nên mang lại siêu lợi nhuận cho những kẻ làm giả hoặc lập lờ nguồn gốc bán thuốc điều trị ung thư…

- Điều đó rất đúng! Về mặt tâm lý, người bị ung thư bị bệnh tật giày vò,  tâm lý mòn mỏi dần đi, bây giờ hy vọng vào dùng thuốc mà lại bị thuốc giả thì điều đó có thể làm cho bệnh nhân suy sụp. Đây là đặc thù đối với bệnh nhân ung thư, còn mức độ nguy hiểm thì chưa chắc đã nguy hiểm hơn các bệnh khác.

- Có chi tiết đáng quan tâm ở tòa là có người khai rằng đã chi hàng tỷ đồng tiền hoa hồng cho bác sĩ để kê đơn thuốc. Nếu điều này là đúng thì bác sĩ nhận hoa hồng tiếp tay cho cho tội ác có đúng không?

- Tôi đã từng tham gia lãnh đạo bệnh viện, quản lý bệnh viện. Chúng tôi có ba bốn trăm bác sĩ và chúng tôi từng quản lý vấn đề này. Đến bây giờ, Bộ Y tế vẫn đang thực hiện nghiêm cấm chuyện này, nói không với văn hóa phong bì. Nếu như có một đồng phạm nào đấy, cá nhân nào đấy đã công nhận trước tòa, thì tôi đề nghị Toà xử thêm tội nữa, đó là tội đưa hối lộ và chúng ta cần làm rõ việc này ra.

Chúng tôi luôn nâng cao vai trò lãnh đạo quản lý, nhưng bệnh viện không thể quản lý từng hành vi nhỏ như vậy được. Hãng thuốc đến tận nhà dúi vào tay bác sĩ thì chúng tôi chịu, không thể biết được. Nếu như họ làm việc đó thì họ phải xem lại, có thể nặng tội thêm. 

- Xin hỏi về lỗ hổng trong quản lý kiểm định và nhập thuốc?

- Với sự phát triển của kinh tế thị trường, luôn có hai vế đi với nhau là làm sao để lợi nhuận cao nhất, chi phí thấp nhất. Và thuốc giả là một trong những cái nảy nòi trong kinh tế thị trường, và theo nghĩa đen tức là nó lấy lợi nhuận là trên hết. 

- Vậy theo Phó Giáo sư, chúng ta có cần thêm cơ chế để kiểm soát thuốc giả vào bệnh viện khi thuốc tới tay người bệnh?

- Đó là đòi hỏi thiết thực vì thuốc giả và thuốc thật có thể luôn tồn tại song hành. Hiện có rất nhiều hàng rào kiểm soát, do vậy, Công ty VN Pharma chưa chắc đã mang được thuốc giả vào trong bệnh viện, sau khi qua các hàng rào còn tới hàng rào ban lãnh đạo bệnh viện. Ví dụ như chúng tôi lấy tối thiểu tiêu chuẩn của thuốc đặc thù là tiêu chuẩn Australia, sau đó là tiêu chuẩn châu Âu, rồi tới tiêu chuẩn Mỹ. Thuốc đặc thù phải như thế.

- Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!