“Phân luồng” từ trong đầu

ANTĐ - Ngay cả đến trời đất cũng phải “động lòng” thương sĩ tử. Hôm thi đầu tiên nóng ngột ngạt như… hỏa lò, hôm sau trời mát dịu ngỡ tiết thu.

- Thương sĩ tử một, nhưng xót xa cho những ông bố, bà mẹ chầu chực bên ngoài gấp mười, gấp trăm lần. Bóp mồm, bóp miệng nuôi con ăn học chả biết có nên cơm cháo gì hay lại “xôi hỏng bỏng không”.

- Cổng trường thì hẹp, thí sinh đông đúc, chen chúc như nêm. Vậy mà ai cũng  mong con mình chui lọt qua. Mấy năm sau sẽ cầm tấm bằng trong tay, cho đời nó sung sướng, cho đời mình được mở mày, mở mặt.

- Hầu như ai cũng nghĩ chỉ có một con đường, vào đại học thì mới nên người; đường cùng, thế bí đành chui vào cao đẳng, học nghề. Mấy ai nhìn xa thấy cổng ra nhiều trường, hàng trăm nghìn cử nhân đi làm công nhân, thậm chí tiếp thị, bán hàng, trông xe…

- Công luận đã rung chuông báo động từ lâu tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, bằng cấp càng cao, thất nghiệp càng nhiều. Vậy mà nhiều người vẫn cố đẩy con mình chen chân vào những cánh cổng hẹp.

- Chẳng nên đổ lỗi cho họ khi mà ngành giáo dục chưa “phân luồng”, chỉ đường cho học sinh ngay từ lúc còn ngơ ngác giữa ngã ba lựa chọn hướng đi, ngành nghề.

- Trước hết phải “phân luồng” từ trong đầu, trong tư duy, nếp nghĩ của cả xã hội, rồi mới đến lớp trẻ.