Phần lớn hàng nhái ở Thái Lan đến từ Trung Quốc

ANTĐ - Trên đường phố Bangkok hay tại một số trung tâm thương mại trong thành phố, người ta có thể bắt gặp những chiếc đồng hồ Rolex, đầu đĩa DVD, phụ kiện thời trang hiệu Gucci hay các sản phẩm nhái khác được bày bán một cách công khai. Ham rẻ, khách du lịch nước ngoài lao vào mua sắm mà không biết có thể bị hải quan tịch thu hàng hóa và phạt nặng.

Giá rẻ bất ngờ

Đon đả mời khách mua chiếc áo thun màu đen gắn logo của hãng Ferrari, một phụ nữ Thái tại chợ Pratunam ở Bangkok phân bua: “Đây là hàng nhái, nhưng không sao cả. Tại sao tôi phải sợ? Tôi không buôn ma túy hay thuốc phiện, tôi cũng chẳng ăn cắp chiếc áo này của ai”.

Trong khi đó, một người bán đồng hồ nhái của hãng Rolex và các thương hiệu khác ở gần đó cho biết, ông nộp cho cảnh sát 30.000 baht (khoảng 940 USD) mỗi tháng hoặc 2 tháng một lần  để duy trì hoạt động của cửa hàng.

Phần lớn hàng nhái ở Thái Lan đến từ Trung Quốc ảnh 1

Hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng được bày bán công khai ở Thái Lan

Người bán hàng này còn bày một quyển catalog các mẫu thiết kế của đồng hồ Rolex nhằm thuyết phục người mua rằng đồng hồ của ông trông y như như hàng chính hãng nhưng giá rẻ chỉ bằng 1/10. 

Cũng giống như chợ Pratunam, tại chợ đêm chật cứng khách du lịch trên đường Patpong, một chủ cửa hàng trưng bày chiếc đồng hồ Rolex nhái có giá chưa tới 100 USD, trong khi đồng hồ chính hãng bán trên mạng có giá từ 6.500 USD trở lên. “Đồng hồ chính hãng được sản xuất ở Thụy Sĩ, còn đồng hồ của tôi sản xuất tại Đài Loan theo công nghệ Nhật Bản”, chủ  hàng cho biết.

Tại một trung tâm thương mại cách đó không xa, tấm biển đề chữ “Dr. Martens” đặt bên cạnh những đôi giày giống y hàng thật nhưng không có logo trên chất liệu da hoặc đế giày. “Giày Dr. Martens chính hãng giá hơn 94 USD nhưng một đôi ở đây chỉ 999 baht (31 USD). Cùng kiểu dáng, chất liệu nhưng đôi này sản xuất tại Thái Lan”, một thanh niên trẻ cho biết.

Tại Bangkok, Pattaya, Phuket, Koh Samui, Chiang Mai và các địa điểm du lịch khác, những người bán hàng rong nhỏ lẻ thường đến từ Myanmar, Bangladesh, Nepal và một số nước Đông Nam Á.  

Khi được hỏi về xuất xứ của những món hàng nhái này, những người bán hàng rong trên đường phố Bangkok cho biết, phần lớn hàng nhái hiện nhập khẩu từ các nhà cung cấp ở đảo Đài Loan, Hàn Quốc và nhất là từ Trung Quốc. Chúng được vận chuyển bằng đường bộ từ Lào hoặc  Campuchia rồi đến Bangkok, hoặc được vận chuyển  qua đường biển. 

Không dễ đánh vào đầu nguồn cung cấp

Phần lớn hàng nhái ở Thái Lan đến từ Trung Quốc ảnh 2

Một nhân viên điều tra giấu tên tiết lộ, tỉnh Sa Kaeo, giáp biên giới với Campuchia là nơi có nhiều kho chứa hàng nhái nhất Thái Lan. Những kẻ buôn lậu lão luyện dùng tiền để “làm luật” với quan chức địa phương và đe dọa sử dụng bạo lực đối với đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, còn có một nhóm sản xuất hàng nhái tinh vi khác, đó là các doanh nhân từng sở hữu giấy phép ủy quyền sản xuất của các thương hiệu tại Thái Lan.

“Họ tiếp tục sản xuất khi hợp đồng hết hạn. Họ nắm trong tay cơ sở, kỹ thuật và cả nguyên vật liệu”, luật sư Suebsiri Taweepon, chuyên về sở hữu trí tuệ thuộc hãng luật danh tiếng Tilleke & Gibbins nói.

“Khi tôi làm việc với đại diện các thương hiệu lớn, họ đều yêu cầu chính quyền Thái Lan truy bắt “những con cá lớn” chứ không phải những người buôn bán nhỏ lẻ. Tuy nhiên, điều này không dễ”, luật sư Suebsiri cho biết.

Thái Lan đã cùng các nước như Mỹ, Liên minh châu Âu tham gia chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là nạn hàng nhái. Một số khách hàng muốn sử dụng sản phẩm có nhãn mác của các hãng nổi tiếng nhưng giá rẻ đều đổ đến Thái Lan mua sắm. Việc mua bán công khai hàng giả khiến người mua vô tình phạm tội. Họ có thể bị hải quan tịch thu hàng hóa và phạt nặng.

Theo thống kê mới nhất của Cục Sở hữu Trí tuệ (DIP), thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, cảnh sát và hải quan đã tịch thu 2,3 triệu mặt hàng nhái và bắt giữ 9.795 đối tượng liên quan trong năm 2013. 

“Mới đây, luật quy định hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ cũng cấu thành tội rửa tiền. Đây là công cụ giúp giải quyết những băng nhóm buôn hàng nhái quy mô lớn, cho phép chúng tôi đóng băng mọi tài sản liên quan tới các nhóm sản xuất và buôn bán hàng giả bất hợp pháp”, bà Malee Choklumlerd, Cục trưởng DIP cho biết.