“Phân làn tự giác”

ANTĐ - Ùn tắc giao thông không chỉ là vấn đề nan giải của giao thông ở Việt Nam. Những nước trong khu vực cũng gặp điều tương tự. Nhưng thay vì cảm giác khó chịu đến bực mình khi tham gia giao thông thì ở Indonesia, ở Singapore dù có ùn tắc giao thông người ta vẫn thấy một sự trật tự, một văn hóa giao thông đáng học tập.

Trước tiên có thể thấy ở nước bạn việc giải quyết các dòng xe hỗn hợp - một trong những nguyên nhân chính gây ra ùn tắc giao thông đô thị được thực hiện rất tốt theo quy hoạch, tổ chức phân luồng phân tuyến trên cơ sở quy hoạch tổng thể về tổ chức giao thông trên toàn bộ các tuyến đường giao thông. Đặc biệt quy hoạch tổ chức giao thông tại các nút thực sự hoàn hảo, trong đó thấy rõ bạn tận dụng hiệu quả các nút được bố trí đèn điều khiển; tổ chức phân loại tất cả các nút giao thông trong thành phố để có các phương án tổ chức và điều khiển giao thông qua nút tùy thuộc vào số liệu và đặc điểm dòng xe. Điều này Hà Nội chưa có hoặc có nhưng làm chưa đến nơi đến chốn.

“Quốc đảo sư tử" Singapore là một trong những nước sở hữu hệ thống giao thông hiệu quả bậc nhất thế giới. Ở đây có thu phí xe vào khu trung tâm để hạn chế mật độ giao thông.

Singapore là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng loại hình thu phí đường bộ đối với phương tiện tham gia giao thông. Hệ thống thu phí đường bộ điện tử, gọi tắt là ERP (Electronic Road Pricing), đạt hiệu quả tốt, giúp giảm khoảng 14% lượng phương tiện trong giờ cao điểm, tốc độ tham gia giao thông tăng khoảng 20%, đồng nghĩa với đường phố thông thoáng hơn giúp các phương tiện đi lại thoải mái hơn. Việc áp dụng ERP của Singapore cho thấy việc tuyên truyền và quảng cáo những lợi ích tổng thể cho giao thông đô thị đến với người dân là hết sức quan trọng, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp. Đi cùng với việc hạn chế phương tiện (qua phí đăng ký xe ô tô cao hơn cả giá xe. Một chiếc Toyota giá khoảng 40.000 đôla Singapore nhưng phí sử dụng xe là … 50.000 đô la!) và thu phí giao thông không thể thiếu nhưng việc củng cố và phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng nhằm đáp ứng đủ lượng phương tiện thay thế cũng được đầu tư lớn.

Ví như tại Singapore, nếu ô tô, xe máy bị cấm, bị hạn chế  thì có xe buýt và tàu điện ngầm là những phương tiện đi lại phổ biến thay thế. Ở đây giá vé xe buýt và tàu điện ngầm, đặc biệt  vé tháng rất rẻ nên được nhiều người lựa chọn. Tình trạng nhốn nháo và trộm cắp vặt trên các phương tiện công cộng không có cũng là một nguyên nhân để người dân tin tưởng lựa chọn loại hình giao thông này.

Tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ phương tiện và dân số tăng nhanh trong khi hạ tầng cơ sở giao thông tuy có tăng nhưng không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông đô thị diễn ra như là một quy luật tất yếu.

Ý thức của người tham gia giao thông lại quá tồi tệ, cách làm của các cơ quan chức năng thì chưa chuyên nghiệp và không quyết liệt. Bất kỳ việc gì đều làm nửa chừng rồi lại bỏ gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước đang là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, đẩy tình hình an toàn giao thông ở các đô thị lớn ở Việt Nam ngày một xấu đi.

Tại Singapore thật hiếm thấy cảnh sát giao thông trên đường nhưng các phương tiện lưu thông đâu ra đấy vì tất cả được máy ghi hình chuyển về trung tâm điều hành giao thông xử lý. Mọi vi phạm dù nhỏ nhất cũng bị phạt rất nặng. Giấy phép lái xe có kèm phiếu điểm. Đi quá tốc độ, đỗ sai quy định phạt trừ 6 điểm. Với số điểm phạt lên 24 thì giấy phép hết hiệu lực, nghỉ lái xe 1 năm!

Khi ý thức của người tham gia giao thông đã vào khuôn khổ thì chúng ta không cần phân làn nổi như bây giờ mà đó là sự “phân làn tự giác”. Có như vậy ùn tắc sẽ giảm.