Phan Huy Lê - thầy tôi

ANTĐ - Năm 2011, một  tin vui lớn cho ngành sử học Việt Nam: Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê được bầu là Viện sĩ thông tấn nước ngoài Viện hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn nước Cộng hòa Pháp. Chúng tôi, những cựu sinh viên của Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp, nay là ĐHKHXH&NV càng tự hào về người thầy của mình, về mái trường thân yêu.  

Tôi bỗng nhớ như in kỷ niệm hồi mới nhập môn, may mắn được thầy Phan Huy Lê giảng bài đầu tiên về “Lịch sử Việt Nam”. Thầy thu hút, hấp dẫn chúng tôi không chỉ bởi chất giọng xứ Nghệ ấm áp, truyền cảm, phong thái lịch duyệt, mô phạm, mà còn bởi các sự kiện vốn rất khô khan và vấn đề sử học gai góc, nhưng lại được thầy giảng rất “nghệ”: không giáo án, không mấy khi viết bảng, thầy đi từ đầu đến cuối phòng học, rồi ngược lại… cứ thế, vừa đi, vừa giảng… và chỉ dừng lại khi viết đề mục lớn. Lớp học im ắng đến nỗi chỉ nghe tiếng bút của lũ sinh viên còn lơ ngơ như chúng tôi sột soạt chạy nhanh trên giấy cho kịp lời thầy. Cuối buổi học, thầy tươi cười bảo: “Thầy biết, trong số các em ngồi đây, có em ghi nguyện vọng vào học khoa Văn nhưng phải sang học khoa Sử. Các em cứ mạnh dạn lên, em nào phải học khoa Sử giơ tay”…  Một, hai, ba, năm phút trôi qua... rồi một, hai, ba… những cánh tay rụt rè giơ lên, trong đó có tôi. Thầy nói: “Thế là tốt rồi! Các em đã dũng cảm, trung thực! Đó là phẩm chất đầu tiên, quan trọng nhất của nhà nghiên cứu lịch sử trong tương lai. Thầy hy vọng, các em rồi sẽ yêu môn khoa học này!”.

Ngày ấy, sau ngày Tổ quốc thống nhất, trước tiền sảnh giảng đường ở Mễ Trì là thế giới của các loài hoa: tường vi, hồng quế, hồng bạch… nhưng cái bếp ăn của ký túc xá thì ôi thôi, cứ hết tiết 5, chậm chân xuống ăn thì cơm độn mì sợi vón cục, “canh toàn quốc” lõng bõng, nước mắm pha loãng, hoi hoi... nhắm mắt nhắm mũi và hai lưng cơm, bụng vẫn cồn cào… Thầy thương chúng tôi đang sức “bẻ gãy sừng trâu” mà bị đói, nên những ai không học kỹ bài, vác “ghế tựa” về, không bao giờ bị thầy “phê” khi kiểm tra học kỳ. Nhưng sau mỗi đợt đi thực tế, trong những buổi seminar, chúng tôi đã sớm được thầy và thầy Đinh Xuân Lâm rèn giũa phong cách nghiên cứu độc lập, sáng tạo trong ý tưởng chọn đề tài và xử lý tư liệu. Thầy khuyến khích chúng tôi mạnh dạn nêu lên kiến giải, nhận xét của chính mình.

Con đường khoa học từ khi thầy ở lại Khoa Lịch sử năm 1956, vừa làm giảng viên, vừa làm nhà khoa học, đến nay đã 55 năm với 445 công trình nghiên cứu là cống hiến vô cùng lớn lao; trong đó có thể kể một số bộ sách dày công nhất do thầy là tác giả hay chủ biên: Lịch  sử Việt  Nam (2 tập từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX), Địa bạ cổ Hà Nội (huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương), Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện  nay (3 tập), Chủ  nghĩa  yêu nước Việt Nam, truyền thống và hiện đại, Lịch sử Thăng Long-Hà Nội (2 tập), Tìm về cội nguồn (2 tập), Lịch sử và văn hóa Việt Nam-Tiếp cận bộ phận.

Một số sách thầy viết từ những năm 70 của thế kỷ XX, đến nay vẫn là sách gối đầu giường cho sinh viên ham học như Khởi nghĩa Lam Sơn, Một số trận quyết chiến, chiến lược trong lịch sử dân tộc, Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 và 1288. Nhưng không mấy ai biết, bước chân thầy đã từng lặn lội hàng trăm lần về các địa phương từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Tây, Thái Bình ở miền Bắc đến Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Bình Định miền Trung, rồi Rạch Gầm - Xoài Mút, Đồng Nai, Hà Tiên miền Nam khảo cứu. Bao lần thầy thức trắng đêm cùng các đồng sự khi Hoàng thành được phát lộ, mừng vui trào nước mắt mà cũng lắm ưu tư khi đứng mũi chịu sào vận động bảo tồn và trình phương án bảo vệ khu di sản. Những kiến nghị của thầy để bảo vệ  khu di tích và nỗ lực vượt bậc của tập thể các nhà khoa học mà thầy là ngọn cờ tập hợp, là linh hồn, trình lên UNESCO để Hoàng thành được công nhận là Di sản văn hóa thế giới là những lao động âm thầm không sao nói hết. Say mê với lịch sử dân tộc, chính thầy là người đã khai mở ra ngành Việt Nam học, nâng cao vị thế của Việt Nam thông qua các cuộc hội thảo Việt Nam học quốc tế.

55 mùa xuân cống hiến cho ngành sử học nước nhà, lao động khoa học miệt mài với đam mê và sáng tạo, không chịu đi trên lối mòn, thầy đã để lại trong tâm khảm chúng tôi bao điều quý giá và cao cả hơn hết là tấm gương của một nhà trí thức lớn, yêu nước, yêu quê hương.

Sử học đã và đang góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ nền độc lập tự do và chủ quyền của đất nước. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ hôm nay, thầy đang thúc đẩy hoàn thành một công trình về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để xuất bản sách, nâng cao hiểu biết của nhân dân về cơ sở lịch sử - pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, về quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa trên biển Đông. Thầy nhắc lại lời Vua Lê Thánh Tông: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại vứt bỏ... Kẻ nào dám đem một thước, một tấc đất của Vua Thái tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”.

Mỗi lần về dự kỷ niệm thành lập khoa, chúng tôi như được trở về với gia đình lớn, tràn đầy tình cảm ấm áp, yêu thương của các thầy. Ngày 20-11-2011, chúng tôi về khoa Sử. Trong 4 nhân vật được coi là “Tứ trụ” của sử học Việt Nam đương đại Lâm - Lê - Tấn - Vượng, hôm nay GS. Trần Quốc Vượng đã ra đi, còn thầy Hà Văn Tấn do sức khỏe không cho phép nên cũng vắng mặt. Mái đầu xanh của chúng tôi và các em sinh viên mới vào học, chụm bên mái đầu bạc trắng như mây của thầy và thầy Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn… rưng rưng niềm xúc động. Tôi muốn mình nhỏ lại như xưa, nghe thầy giảng bài trên giảng đường Mễ Trì.

Tôi vẫn muốn gọi tên trường Tổng hợp thân thương, để nhớ mãi những tháng năm là sinh viên những ngày gian khó, vô tư, hồn nhiên, nhưng đã may mắn được học bài học đầu tiên về lịch sử Việt Nam từ giọng nói ấm áp truyền cảm của thầy, thầy Phan Huy Lê!