Phân giới Việt Nam - Campuchia phù hợp luật pháp quốc tế

ANTĐ - Tại phiên họp báo chiều 23-7 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, khẳng định: "Công tác phân giới cắm mốc trên thực địa, thuần túy là công việc song phương giữa hai nước Việt Nam và Campuchia được tiến hành trên cơ sở hai hiệp ước nói trên cũng như các thỏa thuận liên quan khác giữa hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như thực tiễn quốc tế”.

* Các vụ việc trên khu vực biên giới cần kịp thời trao đổi - hợp tác giải quyết hai bên, không để vấn đề phát triển hoặc lan rộng

Nhắc lại rõ 2 hiệp ước cơ sở

Tại phiên họp báo chiều 23-7 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, báo giới trong nước và quốc tế dành sự quan tâm, chú ý tới những thông tin liên quan đến tình hình Campuchia. Bởi mới đây, Thủ tướng Campuchia Hun Sen gửi thư lên Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, lãnh đạo 3 nước Anh, Pháp, Mỹ để mượn lại những tấm bản đồ Bonne có xác nhận đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. 

Đáp ứng mối quan tâm của các phóng viên trong nước và quốc tế, ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cung cấp thêm thông tin tư liệu có liên quan tới biên giới Việt Nam - Campuchia.

Phân giới Việt Nam - Campuchia phù hợp luật pháp quốc tế ảnh 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kiểm tra cột mốc số 78 biên giới Việt Nam - Campuchia trên địa bàn huyện Lộc Ninh (Bình Phước) vào ngày 28-10-2012 (Ảnh tư liệu)

Cụ thể: Ngày 27-12-1985, Việt Nam và Campuchia đã ký kết hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước và hiệp định này có hiệu lực từ ngày 22-2-1986. Đến ngày 10-10-2005, hai nước đã ký hiệp ước bổ sung cho hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia 1985 và hiệp ước này có hiệu lực từ 6-12-2005.

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, căn cứ hai hiệp ước này thì: đường biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia được thể hiện trên bản đồ Bonne tỉ lệ 1/100.000 và bản đồ UTM tỉ lệ 1/50.000 đính kèm với hiệp định hoạch định biên giới Việt Nam - Campuchia năm 1985.

Ông Lê Hải Bình khẳng định tại cuộc họp báo chiều 23-7: “Tôi xin nhấn mạnh rằng, công tác phân giới cắm mốc trên thực địa, thuần túy là công việc song phương giữa hai nước Việt Nam và Campuchia được tiến hành trên cơ sở hai hiệp ước nói trên cũng như các thỏa thuận liên quan khác giữa hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như thực tiễn quốc tế”.

Đã phân định 920 km trong tổng số 1.137km biên giới

Cách đây 2 tuần, tại Phnompenh (thủ đô Vương quốc Campuchia), ông Hồ Xuân Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam kiêm Chủ tịch Ủy ban liên hợp về phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia và ông Var Kimhong, Bộ trưởng cao cấp phụ trách công tác biên giới Campuchia kiêm Chủ tịch Ủy ban liên hợp về phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Campuchia - Việt Nam, đã cùng nhau điểm lại công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước từ năm 2006 đến nay.

Theo đó, kết quả cũng hết sức rõ ràng, trong 9 năm, hai bên đã phân giới được khoảng 920km trong tổng số chiều dài đường biên giới khoảng 1.137km; xác định được 260/314 vị trí mốc (đạt 84,1%); xây dựng được 305/371 cột mốc (đạt 82,2%); quy thuộc được 104 cồn bãi. Trong đó: 39 cồn bãi quy thuộc Việt Nam, 65 cồn bãi quy thuộc Campuchia và hai bên hoàn thành kiểm tra, nghiệm thu được 191 bộ hồ sơ cột mốc.

Tại cuộc họp mới nhất giữa hai vị Chủ tịch Ủy ban liên hợp về phân giới, cắm mốc biên giới đất liền của hai nước, hai bên nhất trí sẽ tăng cường tần suất và cường độ làm việc của các lực lượng phân giới, cắm mốc và các cuộc họp giữa hai Chủ tịch Ủy ban Liên hợp phân giới cắm mốc; tuân thủ nghiêm túc các Hiệp ước, Hiệp định song phương về biên giới đã ký kết; tích cực thúc đẩy đàm phán, sớm hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trong năm 2015 như thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước, nhằm xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài vì lợi ích chung của nhân dân hai nước.

Cũng tại cuộc họp giữa hai vị Chủ tịch Ủy ban liên hợp về phân giới, cắm mốc biên giới đất liền của hai nước trong tháng 7-2015, trên cơ sở đối chiếu với các quy định của Hiệp ước, Hiệp định, Thỏa thuận về biên giới đã ký giữa hai nước, đặc biệt là Thông cáo Báo chí chung ngày 17-1-1995, hai bên đã trao đổi thẳng thắn về một số vụ việc xảy ra trên biên giới trong thời gian qua. Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp giữa các địa phương và các cơ quan chức năng của hai bên trong việc giải quyết các sự kiện xảy ra trên biên giới.

Trong trường hợp xảy ra các vụ việc trên khu vực biên giới, hai bên cần kịp thời trao đổi, hợp tác giải quyết, không để vấn đề phát triển hoặc lan rộng, ảnh hưởng đến quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, cản trở công tác phân giới cắm mốc.

Cùng nhau hợp tác giữ gìn ANTT biên giới

Tại Điểm 8, Thông cáo Báo chí chung Việt Nam - Campuchia ngày 17-1-1995, quy định rất rõ: “Hai bên thỏa thuận, trong khi chờ đợi giải quyết những vấn đề còn tồn tại về biên giới, thì duy trì sự quản lý hiện nay: không thay đổi, xê dịch các cột mốc biên giới; giáo dục, không để nhân dân xâm canh, xâm cư và cùng nhau hợp tác giữ gìn an ninh, trật tự biên giới”.

Bởi vậy, việc tăng cường phối hợp giữ gìn trật tự trị an biên giới; đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân vùng biên giới của cả hai nước tự giác tuân thủ các quy định liên quan, là hết sức cần thiết để duy trì đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài vì lợi ích chung của nhân dân hai nước.

Được biết, cuộc họp tiếp theo giữa hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp về phân giới, cắm mốc biên giới đất liền của hai nước sẽ diễn ra tại Việt Nam ngay trong tháng 8-2015 tới đây.

Việt Nam sẵn sàng cung cấp thông tin chính thống

Tại cuộc họp giao ban đánh giá hoạt động 6 tháng đầu năm 2015 của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ ngày 22-6, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nêu đề nghị, các lực lượng chức năng của Việt Nam và các nước láng giềng cần tiếp tục duy trì tuần tra chung nhằm phát hiện, xử lý nhanh, kịp thời các vấn đề nảy sinh.

Trước những luận điệu thù địch về vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, lực lượng công an sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện và cung cấp thông tin chính thống cho các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Đại sứ quán các nước tìm hiểu về các khu vực này để hiểu rõ vấn đề.