Phản đối việc tàu chiến Trung Quốc ngăn cản tàu tiếp tế Việt Nam trên Biển Đông

ANTĐ -Tàu tiếp tế của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo trong quá trình làm nhiệm vụ tiếp tế, thay quân từ đảo Sơn Ca đi Song Tử Tây đã bị tàu Cảnh sát biển và tàu chiến Trung Quốc ngăn cản.

Theo báo cáo của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo (Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam) ngày 27-11 về chuyến công tác tiếp tế kiểm tra các Hải đăng Trường Sa tháng 11-2015,  các chuyến tiếp tế kiểm tra trong năm qua tiến hành bình thường, nhưng trong chuyến tiếp tế, kiểm tra vừa qua đã gặp một số khó khăn.

Cụ thể, ngày 7-11-2015, tàu khởi hành từ Vũng Tàu tiến hành tiếp tế, kiểm tra và thay ca tuần tự các đèn biển trên các đảo Đá Lát, Trường Sa Lớn, Đá Tây, An Bang, Tiên Nữ, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca trong điều kiện hàng hải bình thường.

Từ 8h ngày 9-11 đến 19h30 ngày 12-11, đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ tiếp tế, thay quân cho các đảo Hải đăng Đá Lát, Trừơng Sa Lớn, Đá Tây, An Bang, Tiên Nữ, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ diễn ra bình thường.

Hải trình tàu Hải Đăng 05 do Tổng công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải Miền Nam cung cấp

Tuy nhiên, trong quá trình từ đảo Sơn Ca đến Song Tử Tây, vào lúc 9h30 ngày 13-11 tàu Hải Đăng 05 hành trình đến khu vực 10,53 độ Vĩ Bắc; 113,51 độ Kinh Đông, cách đảo Xu Bi (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) khoảng 13-14 hải lý thì bị 2 tàu Cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 35115 và 2305 ngăn cản, buộc tàu phải chuyển hướng hành trình 340 độ.  

Đến 11h cùng ngày, tàu chiến mang số hiệu 995 tiếp tục ra ngăn cản và bắn pháo hiệu buộc tàu Hải Đăng 05 phải chuyển hướng đến 13h30 mới dừng lại. Trên tàu chiến 995 đã dỡ bạt pháo, tại một số thời điểm quan sát thấy có một số vị trí trên boong cứu sinh, boong thượng tầng, cabin có súng AK chĩa về phía tàu Hải Đăng 05.

Đến 14h, tàu Hải Đăng 05 chuyển hướng hành trình 76 độ về đến đảo Song Tử Tây vào lúc 20h cùng ngày.

Bà Nguyễn Thị Thu An, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Nam cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin và tường trình của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo, trong ngày 27-11 đơn vị đã có báo cáo gửi Bộ GTVT và Bộ Tư lệnh Hải quân.

Ngoài ra, Tổng công ty sẽ làm việc với Bộ Tư lệnh Hải quân để đảm bảo an toàn cho các chuyến tiếp tế, kiểm tra tiếp theo. Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu An, do tối ngày 26-11, tàu của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo mới về đến nơi nên Tổng công ty mới nắm được cụ thể sự việc, và ngày 27-11 mới có báo cáo lên Bộ GTVT, vì vậy cũng chưa nhận được thông tin chỉ đạo từ Bộ GTVT hay ý kiến từ Bộ Tư lệnh Hải quân.

Lãnh đạo Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam cho hay, trước đây đã có nhiều lần tàu Trung Quốc có hành vi tương tự, nhưng lần này họ tiếp cận gần hơn, chỉ cách vài chục mét.

Theo ông Nguyễn Duy Hiết, Giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo, Công ty được giao quản lý, vận hành, tiếp tế các hải đăng trên Biển Đông thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa; khu vực nhà Giàn DK1 thuộc thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc gồm 13  Hải đăng.

Đến hết tháng 10-2015, đơn vị đã thực hiện được 5 chuyến tiếp tế, các chuyến tiếp tế được thực hiện theo đúng quy định, thay quân, cung cấp đầy đủ hàng hóa, vật tư thiết bị, máy móc… kịp thời phục vụ cho hoạt động sản xuất tại các Hải đăng Trường Sa. Chuyến tiếp tế xảy ra khó khăn, sự cố vừa qua là chuyến thứ 6 trong năm 2015 của đơn vị.

Kiên quyết phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực đối với các tàu thuyền của Việt Nam

Ngày 27-11, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin các tàu hải cảnh và tàu quân sự của Trung Quốc vây ép, đe dọa sử dụng vũ lực đối với tàu Hải Đăng 05 của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

“Các cơ quan chức năng trong nước đang làm rõ vị trí, khu vực xảy ra vụ việc cũng như một số vấn đề liên quan để có các biện pháp đấu tranh ngoại giao phù hợp. Tôi xin khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực đối với các tàu thuyền của Việt Nam. Việc làm đó là vi phạm luật pháp quốc tế, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở khu vực và hoàn toàn không thể chấp nhận, biện minh được”.