Cải lương: Một thế kỷ thăng trầm (2)

Phận đời nghệ sĩ cải lương một thời

ANTD.VN - Nghệ thuật cải lương ra đời năm 1918 ở Nam bộ. Trong 100 năm tồn tại và phát triển, bộ môn nghệ thuật này có lúc thăng lúc trầm và có nhiều câu chuyện đáng nói. 

Phận đời nghệ sĩ cải lương một thời ảnh 1Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga (đứng giữa) trong một vở diễn 

Kẻ đắp chăn bông…

Dù đoàn lớn hay đoàn nhỏ ra đời thì bầu gánh đều  phải trông chờ vào soạn giả và đặc biệt phụ thuộc nhiều vào diễn viên. Khán giả  đi xem  ngó bảng hiệu có tên đào kép ca hay họ mới bỏ tiền mua vé, vì thế đoàn nào cũng  phải mời hay “lôi kéo” cho được đào, kép có giọng ca “mùi mẫn”. Đoàn nào không có diễn viên hạng A, hạng B, bầu gánh phải gắn cho họ những cụm từ như “quái kiệt”, “ngôi sao mới” để câu khách. Trong hợp đồng, bầu gánh bao giờ cũng có những điều khoản rõ ràng về tiền bạc, về hợp đồng bị phá vỡ thì ai gây ra sẽ phải chịu. Đào kép nổi tiếng biết giá trị của họ nên luôn ép bầu gánh đưa vào những điều khoản hơn những đào kép khác như: đi diễn xa phải có xe riêng đưa, hát xong về có xe rước.

Thế nhưng vẫn có đào kép nổi tiếng phá hợp đồng nên nhiều bầu gánh phải chiều chuộng những “con gà nòi” này, đáp ứng mọi đòi hỏi của họ. Đoàn lớn thì diễn viên sướng hơn ví dụ như Đoàn Kim Chưởng - dù họ không hát ở Sài Gòn như khi đắc thời đắc thế phải về Hậu Giang hay lên Tây Nguyên nhưng Kim Chưởng vẫn là đoàn giàu có, cho vay hơn là mượn nợ như nguyên tắc hành nghề của sân khấu cải lương. Đào kép nổi tiếng cũng dành được sự quan tâm, ưu ái của giới ký giả kịch trường, họ đặt cho biệt danh ví dụ Thanh Nga là “Nữ hoàng sân khấu”; Út Trà Ôn là “vua vọng cổ”; “Lolita” Mỹ Châu; “sầu nữ” Út Bạch Lan; kiều nữ Bích Sơn hay Bạch Tuyết là “cải lương chi bảo”...

Phận đời nghệ sĩ cải lương một thời ảnh 2Nghệ sĩ Út Bạch Lan

Ngược xuôi chạy vạy miếng ăn

Tháng 4-1963, hầu hết doanh thu của các đoàn giảm sút chỉ bằng một nửa so với trước đó, nguyên nhân là chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo ở Huế sau ngày Phật Đản. Khi chính sách đàn áp Phật giáo ngày càng rõ rệt thì đấu tranh của người theo Phật giáo nổ ra trên khắp miền Nam đã làm mọi hoạt động ngưng trệ và sân khấu cải lương rơi vào cảnh ế ẩm, buồn thảm. Một số gánh đã phải trả lại vé cho khán giả. “Thanh Minh - Thanh Nga” từng giữ vững về thành tích suất hát nhiều nhất trong năm cũng phải nghỉ hát nhiều đêm. Các đoàn lớn lai rai phát lương đờ mi cho công nhân, đào kép, các đoàn nhỏ thì lĩnh lương... thông cảm.

Nhưng đỉnh cao là đầu tháng 8-1963, chính quyền ra lệnh giới nghiêm trong 2 tuần thì mọi hoạt động nghệ thuật gần như dừng lại. Các đoàn lớn nằm yên, các đoàn nhỏ ở các tỉnh tan giã như tuyết dưới ánh nắng mặt trời. Lệnh  giới nghiêm cấm người không giấy phép không được ra đường từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng, trong khi đó các đoàn lại chỉ hát từ 9 đến 12 giờ đêm.

Nhiều  đoàn đổi giờ diễn, bắt đầu  từ  7giờ 15 phút, tuy nhiên giờ đó lại là giờ các gia đình ăn cơm tối nên chỉ đoàn nào có vở thật đặc biệt mới có khán giả. Tính đến chiều 12-8-1963, Hội nghệ sĩ tương tế ái hữu đã nhận được đơn của 22 đoàn hát nhỏ kê khai đầy đủ nhân khẩu yêu cầu hội tiếp tế  gạo cho họ. Hội  chẳng có tiền chỉ còn cách chuyển lên Bộ Xã hội để bộ giải quyết nhưng bộ này lần lữa đến cuối tháng mới cấp. 

Trong bài “Tổng kết sân khấu năm” trên Kịch ảnh xuân Giáp Thìn 1964, ký giả Sĩ Trung viết “Lệnh giới nghiêm ấy chẳng khác một ngọn giáo sắc bén đâm ngập vào sân  khấu ca kịch. Đại gia đình cải lương mang trọng thương. Cho đến khi lệnh giới nghiêm thu hồi rồi mà các đoàn không đứng dậy nổi. Tôi chứng kiến đêm đầu tiên của Thanh Minh - Thanh Nga mà mủi lòng, vé chỉ bán được 2.000 đồng nhưng đoàn này vẫn phải hát để chạy tiền bánh,  thuốc cho nghệ sĩ công nhân”… 

Phận đời nghệ sĩ cải lương một thời ảnh 3Nghệ sĩ Út Trà Ôn

Phận đời nghệ sĩ cải lương một thời ảnh 4Nghệ sĩ Mỹ Châu

Đoàn nào không có diễn viên hạng A, hạng B, bầu gánh phải gắn cho họ những cụm từ như “quái kiệt”, “ngôi sao mới” để câu khách. Đào kép nổi tiếng cũng giành được sự quan tâm, ưu ái của giới ký giả kịch trường, họ đặt cho biệt danh ví dụ Thanh Nga là “Nữ hoàng sân khấu”; Út Trà Ôn là “vua vọng cổ”; “Lolita” Mỹ Châu; “sầu nữ” Út Bạch Lan; kiều nữ Bích Sơn hay Bạch Tuyết là “cải lương chi bảo”...

(Còn nữa)