Phận đời hoàn lương của một cán bộ văn hóa sau án giết người

ANTĐ - Những năm 80 thế kỷ trước, một vụ án xảy ra gây chấn động tỉnh Đồng Tháp khiến cho 2 người chết, 3 người bị thương. Đối tượng gây án là một cán bộ văn hóa huyện đã bị tuyên án 20 năm tù giam về tội giết người. Sau khi được trả tự do, người đàn ông ấy đã lập gia đình với một phụ nữ địa phương và quyết định làm lại cuộc đời mình tại chính mảnh đất đã giúp ông trở thành người lương thiện. Thế nhưng, người vợ của ông đột ngột qua đời để lại cô con gái nhỏ. Phía sau bản án giết người là câu chuyện hoàn lương của một người đàn ông ở vậy nuôi con khôn lớn thành người…
Phận đời hoàn lương của một cán bộ văn hóa sau án giết người ảnh 1

Loạt AK oan nghiệt

Người đàn ông ấy tên là Phan Văn Bé Em (SN 1959), quê ở tỉnh Đồng Tháp; hiện đang ở xã Đăk Taley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước còn khó khăn nhưng Phan Văn Bé Em vẫn được gia đình lo cho no đủ từ miếng cơm manh áo đến chuyện học hành. Khi hòa bình lặp lại, với kiến thức của mình ông được phân công dạy bổ túc văn hóa cho bà con và một số cán bộ xã trong huyện. Tuổi đời còn trẻ, lại có thêm chút kiến thức nên Phạm Văn Bé Em lúc ấy cũng có phần kiêu căng, ngang tàng.

Năm 1979, Phạm Văn Bé Em được phân công giữ chức Trưởng ban văn hóa huyện. Nhận nhiệm vụ mới, ông đã tích cực hoàn thành những công việc từ nhỏ đến lớn do cấp trên giao phó. Những tưởng mọi chuyện cứ êm đềm trôi qua thì  một sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Ông Phạm Văn Bé Em còn nhớ như in đó là vào một ngày cuối tháng 3 năm 1980. “Hôm đó là ngày họp tổng kết quý I của năm. Sau khi kết thúc cuộc họp, mặc dù rất nhiều cán bộ văn hóa xã mời đi ăn uống nhưng tôi đã từ chối và ở lại hội trường để ghi báo cáo tổng kết. Đang ghi chép thì tôi thấy một nhóm cán bộ văn hóa xã vừa đi nhậu về chạy vào phòng rồi tìm chỗ “ẩn nấp”. Số là những người này trong lúc nhậu nhẹt có va chạm với một số dân quân cũng đang ngồi uống rượu. Chẳng ai nhịn ai, lời qua tiếng lại kèm theo sự thách thức, nhóm cán bộ văn hóa bị 5 người dân quân đuổi đánh. 

Thế nhưng vừa chạy vào phòng chốt cửa thì cũng là lúc nhóm dân quân đuổi đến bên ngoài. Do không mở cửa vào được, nhóm dân quân đã dùng súng bắn từ ngoài vào trong phòng khiến 2 chấn song cửa sổ bị gãy và một số đồ đạc trong phòng bị trúng đạn nát bươm bay tung tóe. Nghe thấy tiếng súng tôi lo sợ nằm rạp xuống đất, tưởng là bọn diệt chủng Pôn Pốt qua đến nơi. Sau đó tôi chạy đến chỗ khẩu súng AK đang treo trên tường. Lấy được súng, tôi chạy đến khe cửa, nhìn ra thấy mấy người đang mặc quần áo dân quân, tưởng địch đóng giả tôi đứng dậy xả một tràng đạn về phía họ. Kết quả là 2 người chết và 3 người bị thương”.  

Thế nhưng ngay sau đó, khi đi ra kiểm tra những người bị thương đang nằm thoi thóp nghe những tiếng kêu cứu, ông phát hiện họ không phải là quân Pôn Pốt từ Campuchia. Không hiểu trời xui đất khiến thế nào ông vẫn định tiếp tục bắn họ. May mắn là có nhiều người dân can ngăn nên 3 người bị thương vẫn sống sót. Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp sau đó đã tuyên phạt Phạm Văn Bé Em 20 năm tù giam về tội giết người. 

Phận đời hướng thiện

Vụ án do Phạm Văn Bé Em, một cán bộ văn hóa huyện gây ra đã làm chấn động dư luận địa phương một thời gian rất dài sau đó. Hành vi nổ súng giết người của ông có người lên án, có người phân trần rằng một phần lỗi hoàn toàn không phải do ông. Sau khi nhận bản án, ông chia sẻ rằng mình như bừng tỉnh: “Tôi chấp nhận mức án đó cho hành vi của mình, trong suốt những năm tháng trong trại giam, tôi sống trong sự ăn năn hối lỗi”. Sau khi tòa phán xử, ông Phạm Văn Bé Em được chuyển lên Trại giam Gia Trung, tại xã Đăk Taley, huyện Mang Yang để thi hành án. 

Ngã rẽ cuộc đời của người đàn ông từng mang lỗi lầm cũng bắt đầu từ mảnh đất này. Được các quản giáo động viên, giúp đỡ, chàng trai trẻ đất Đồng Tháp không nản trước bất kỳ công việc nào. Vốn là người có ý thức tự giác cao, có trách nhiệm với công việc nên chỉ một thời gian ngắn ở trong trại, ông đã được cán bộ trại giam cho ra lao động tự giác. Đó là điều hiếm thấy ở các phạm nhân bình thường. Mặc dù bản án ông phải chịu là 20 năm nhưng nhờ nỗ lực cải tạo mà chỉ trong vòng 14 năm, phạm nhân Phạm Văn Bé Em đã được giảm án và đặc xá.

Trước khi ra trại 1 năm, trong quá trình lao động tự giác ở ngoài ông đã quen một người con gái từ huyện Hải Hậu, Nam Định vào đây làm kinh tế mới. Cảm thương anh chàng miền quê Nam bộ  chất phác, chị đã đem lòng yêu mến. Với ông Phạm Văn Bé Em, đây cũng là lần đầu yêu thương mặc dù đã gần 40 tuổi. Sợ người mình yêu khổ vì lúc đó ông chưa biết chắc lúc nào mình ra tù nên chỉ dám bộc bạch: “Nếu nhận lời thương thì đợi anh ra trại, anh về quê rồi quay trở ra hỏi cưới…”. Chỉ một câu nói mà người con gái ấy đã chờ ông cả năm trời. Cũng may, chỉ một năm sau ông Phạm Văn Bé Em được đặc xá ra tù trước thời hạn. 

Năm 1995, một đám cưới nhỏ được tổ chức và cũng trong năm đó một bé gái chào đời. Thời gian mới cưới, ông Phạm Văn Bé Em đưa vợ về quê sinh sống. Thế nhưng cuộc sống với hai bàn tay trắng lúc bấy giờ vô cùng khó khăn. Hai vợ chồng nhiều đêm trăn trở nghĩ cuộc sống hiện tại không có đất, không có nghề nghiệp để làm ăn thì sẽ không thể có tương lai được. Rồi trong suy nghĩ của đôi vợ chồng lóe lên vùng đất bạt ngàn chưa được khai hoang ở nơi ông Phạm Văn Bé Em đi thụ án trước đây. Ông bàn tính với vợ: “Hay là mình quay lại tỉnh Gia Lai, đến xã Đăk Taley, huyện Mang Yang khai đất làm ăn. Khi nào có chút vốn rồi về đây sinh sống, chứ cứ như thế này thì khổ quá!”.

Nói là làm, ông Phạm Văn Bé Em liền đưa vợ con trở lại mảnh đất từng giáo dưỡng mình. Ở đây, ông chỉ tập trung vào làm việc để lo cho vợ con. Nhưng sau khi đã có khoảng 2ha rẫy khai hoang, nhà cửa cũng đã ổn định thì một tai họa bất ngờ ập đến. Bất hạnh lại tìm đến ngôi nhà nhỏ khi vợ của ông Phạm Văn Bé Em trong một lần đi làm từ rẫy về đã bị một chiếc xe ôtô đâm phải. Vì vết thương quá nặng nên chị đã qua đời sau đó. Ngày đám tang, nhìn cảnh người chồng khóc vợ, đứa con gái tuổi mới lên 6 tuổi đã mồ côi mẹ ai cũng đau lòng. 

Nhiều người nghĩ rằng ông Phạm Văn Bé Em sẽ về quê hoặc lấy vợ mới để cuộc sống gia đình ổn định, cũng là để có người chăm sóc con cái. Thế nhưng họ hoàn toàn bất ngờ khi ông Phạm Văn Bé Em vẫn ở vậy. Đằng đẵng mười mấy năm sau ngày vợ mất, ông chỉ tập trung vào làm ăn và nuôi dạy cô con gái thành người.

Hiện tại cô con gái cũng đã đến tuổi trưởng thành, đang theo học tại một trường cao đẳng ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Gặp gỡ, chuyện trò, hỏi tại sao ông không đi bước nữa, ông Phạm Văn Bé Em thật thà nói rằng: “Tại mình sợ con riêng con tư, rồi nghe nhiều chuyện dì ghẻ không thương con chồng. Thôi thì cố gắng ở vậy vừa làm cha, vừa làm mẹ cho con bé đỡ khổ”… Nhiều người hàng xóm cho biết, họ rất quý mến đức hy sinh của ông Phạm Văn Bé Em. Từ ngày vợ chết, lời hứa gom vốn cùng nhau về quê làm ăn ông cũng không thực hiện nữa. 2ha đất ông bán dần đi để chi phí tiền cho con gái ăn học. Hiện tại ông chỉ làm khoảng 7, 8 sào, làm hết rẫy của mình ông đi làm thuê để kiếm sống.

Nghĩ đến đứa con gái đang học xa nhà, ông lại tâm sự: “Số rẫy còn lại tôi để dành đến lúc con gái ra trường rồi bán đi để lo cho nó công việc, cuộc sống gia đình ổn định. Lúc ấy tôi sẽ về quê để yên tâm mà nhắm mắt xuôi tay…”. Phận đời hoàn lương của ông Phạm Văn Bé Em dù có những vất vả, khó khăn và cả sự đau khổ nhưng ông đã trả nợ được những lỗi lầm tuổi trẻ, lập gia đình và tạo dựng cuộc sống tại chính mảnh đất đã giúp mình trở thành người lương thiện.