Phận chìm nổi của 17 tấn tiền xu cổ

ANTĐ - Khởi hành bằng chuyến tàu định mệnh 200 năm trước, 17 tấn tiền xu hiện thời trị giá gần 500 triệu USD đã hai lần vượt Đại Tây Dương để rồi ngày 25-2 mới lần đầu tiên đến được đích cuối là Tây Ban Nha. Đó là số phận kỳ lạ của khối tài sản khổng lồ vốn là mục tiêu săn lùng của giới săn tàu cổ suốt thế kỷ 20 nhưng cũng là vấn đề đặt ra quanh việc ứng xử với nguồn di sản văn hóa dưới nước.

Kho báu dưới đại dương cuối cùng đã về đến Madrid, Tây Ban Nha

trên hai chiếc máy bay quân sự hôm 25-2

Dự án Thiên nga Đen

Odyssey Marine Exploration - một trong những công ty hàng đầu về khai thác khảo cổ biển trên thế giới hiện đã tập hợp được nhiều nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, kỹ thuật viên và các nhà khảo cổ học cùng với cơ sở dữ liệu của ít nhất 6.300 vụ đắm tàu. Và trong rất nhiều chuyến đi như vậy, họ đã thu được “mẻ lưới lớn” là số tài sản khổng lồ thuộc về con tàu vốn đã trở thành mục tiêu săn lùng của giới săn tàu cổ suốt thế kỷ 20.

Tháng 5-2007, Odyssey Marine Exploration có trụ sở tại Tampa, bang Florida, Mỹ tuyên bố những phát hiện mới tại “Black Swan” (Thiên nga Đen) - vùng biển trên Đại Tây Dương. Với tổng số gần 600.000 đồng tiền vàng - bạc nặng hơn 17 tấn, người ta tin rằng đây là bộ sưu tập tiền xu lớn nhất từng được khai quật tại một khu vực dưới đáy đại dương. Nếu tính sơ sơ, số tiền này giờ trị giá khoảng 500 triệu USD.

Công ty Odyssey hoàn thành cuộc khảo sát khảo cổ với quy mô lớn tại vùng biển Thiên nga Đen, trong đó hơn 14.000 hình ảnh kỹ thuật số đã được lưu giữ. Quá trình khai quật sơ bộ và phục hồi các hiện vật được thực hiện dưới sự giám sát của các nhà khảo cổ học có trình độ với sự giúp sức của công nghệ robot tiên tiến. Số hiện vật đã được đưa về Mỹ.

Nguồn gốc của kho báu này đầu tiên được đồn đại là của tàu Merchant Royald, bị chìm ngoài khơi cách bờ biển Gilbraltar khoảng 64km năm 1641. Tuy nhiên, đây là trường hợp khá phức tạp bởi thông tin được đăng tải trên các phương tiện truyền thông có nhiều chi tiết lạ. Lạ ở chỗ, công ty không thông báo về hình dạng, thời kỳ cũng như những đồng tiền đó của quốc gia nào. Có nguồn tin cho biết, hàng hóa thực chất thuộc về tàu chiến Nuestra Señora de las Mercedes, chìm ở ngoài khơi Bồ Đào Nha tháng 10-1804. Thậm chí “độc miệng” hơn, họ nói Odyssey đã ăn cắp những đồng xu từ Tây Ban Nha và quấy rầy các ngôi mộ của các thủy thủ Tây Ban Nha đã yên nghỉ dưới biển sâu. Thực tế là gì?

Thực tế là 75% số tiền xu này là hàng hóa thuộc sở hữu của các thương gia Tây Ban Nha và tàu Mercedes đã được thuê vận chuyển số hàng từ Peru (thuộc địa Tây Ban Nha) về cho chủ hàng người Tây Ban Nha. Đáng chú ý, khối tài sản này được thu hồi từ các bề mặt của đáy đại dương, không phải từ bất kỳ con tàu nào. Năm 1804, tàu Mercedes bị nổ tung sau khi trúng quả pháo bắn ra từ một tàu chiến của Anh ở vùng biển của Tây Ban Nha. Vụ nổ lớn đến nỗi giờ không còn mảnh vỡ nguyên vẹn của con tàu này. 

Đằng sau tranh chấp dai dẳng

 Ngay sau khi Odyssey thông báo về phát hiện của dự án Black Swan, Tây Ban Nha đã đệ đơn khiếu nại cho rằng số hàng bị lấy đi từ một con tàu của Tây Ban Nha và tại vùng biển chủ quyền của nước này, vì thế đó là tài sản của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Odyssey tuyên bố việc khai quật hiện vật của họ phù hợp với Luật Thu hồi (tài sản tàu đắm) và luật về Công ước biển, áp dụng cho các vùng lãnh hải hoặc vùng biển tiếp giáp với bất cứ quốc gia nào. Trong khi đó, các đồng tiền được cất giữ ở một nơi an toàn không được tiết lộ với một chế độ phục hồi tinh vi nhất.

Năm 2009, thẩm phán liên bang tại Tampa, Florida xử Tây Ban Nha thắng kiện nhưng công ty Odyssey kháng nghị lên tòa án phúc thẩm tại Atlanta. Kết quả là tháng 9-2011, tòa phúc thẩm thông qua quyết định của tòa sơ thẩm, tuyên bố hãng Odyssey phải trả lại 17 tấn đồng xu cùng các hiện vật khác cho chính quyền Tây Ban Nha.

Đáng chú ý là trong tháng 1-2011, thông tin rò rỉ trên mạng cáp ngoại giao cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ có liên quan đến vụ này, rằng Tây Ban Nha sẽ nhận lại số tài sản dưới đáy đại dương để đổi lấy những tác phẩm nghệ thuật của công dân Mỹ đã bị đánh cắp. Ngay sau đó, trước yêu cầu từ một hạ nghị sỹ bang Floria, một cuộc điều tra được chính Bộ Ngoại giao thực hiện chứng minh thông tin trên là không có cơ sở.

5 năm sau khi nổ ra vụ kiện, ngày 17-2-2012, tòa án tối cao Hoa Kỳ từ chối không tiếp nhận vụ kiện này nữa. Vì thế, tòa án địa phương phán quyết công ty Odyssey phải trả lại khối đồng xu cho Tây Ban Nha vào ngày 24-2 để chúng sẽ được trưng bày tại các bảo tàng chứ không phải là để trả lại những người thừa kế. Đáng nói là Tây Ban Nha đã phê chuẩn các Công ước của UNESCO về Bảo vệ Di sản văn hóa dưới nước 2001, theo đó xác định các xác tàu đắm cổ đại là di sản văn hóa, không được đổi hoặc bán mà nên đưa vào viện bảo tàng. Bộ trưởng Văn hóa Tây Ban Nha hồi đầu tháng 2-2012 cũng thông báo họ sẽ xem xét việc chia sẻ với các bảo tàng ở Mỹ Latinh bởi nguyên liệu vàng, bạc để chế tác các đồng xu này thời gian đó đến từ khu vực này.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng quyết định trên của tòa án Mỹ sẽ tạo tiền lệ xấu cho những cuộc tìm kiếm, khôi phục các kho báu dưới đáy đại dương trong tương lai. Bởi rất có thể những tay thợ săn đồ khảo cổ dưới nước sẽ cố tình ỉm kho báu tìm được để bán chứ không nộp ra tòa phân xử để rồi nhận “trái đắng” như Odyssey.