Phân bón giả: Hậu quả khôn lường

ANTĐ - Phân bón giả, kém chất lượng hoành hành khắp cả nước, gây thiệt hại khoảng 2 tỷ USD/năm. Tuy vậy, thực trạng này không hề thuyên giảm vì từ đầu năm 2014 tới nay, khu vực miền Trung liên tiếp phát hiện các vụ việc liên quan. 

Thị trường phân bón nhức nhối vì nạn phân bón giả

Mất 2 tỷ USD/năm vì phân bón giả

Từ đầu năm 2014, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng hoành hành khắp các tỉnh khu vực miền Trung, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Trước bức xúc này, Bộ Công thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các địa phương vào cuộc. Qua 2 tháng kiểm tra (từ tháng 4 đến 6-2014), Chi cục Quản lý thị trường 7 tỉnh miền Trung đã kiểm tra 500 vụ và phát hiện 89 vụ vi phạm. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh phân bón giả, nhập lậu, không công bố tiêu chuẩn… 

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tình trạng phân bón kém chất lượng, phân bón giả, phân bón nhái nhãn mác đang là thách thức đối với ngành sản xuất phân bón và gây nhiều bức xúc cho người dân. Trong năm 2013 có 100 cơ sở và trên 40 công ty sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân và xã hội. Ước tính, những năm gần đây, phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại khoảng 2 tỷ USD/năm. Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương năm 2013, qua kiểm tra hơn 5.372 vụ, có 1.390 vụ vi phạm phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Trong đó, chiếm đến 80% số vụ phân bón giả, kém chất lượng tập trung ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang…  “Phân bón là loại dễ làm giả nhất vì chỉ cần với công nghệ bằng cuốc xẻng, máy trộn bê tông, có nơi còn lấy đất pha bột gạch, bột đá trộn làm phân bón để bán cho nông dân”, ông Nguyễn Hạc Thúy phản ánh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón cho rằng, lâu nay việc kiểm tra mới chỉ tập trung vào điều kiện kinh doanh của các cơ sở sản xuất phân bón, nguồn gốc của các phân bón nhập khẩu, chưa đi sâu vào kiểm tra chất lượng, nên chiếm một lượng không nhỏ phân bón đang tiêu thụ trên thị trường bị thả nổi. 

Không chỉ lo ngại về phân bón giả mà thị trường phân bón hiện còn đau đầu với hàng thật nhưng chất lượng thấp. Ông Nguyễn Khang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang bày tỏ, đáng lo ngại nhất hiện nay lại là hàng thật nhưng chất lượng thấp. “Điều này còn nguy hiểm hơn cả hàng giả, bởi hàng giả do pha trộn vẫn có thể còn 50% là hàng thật, còn hàng thật kém chất lượng thì các chỉ số hàm lượng chỉ bằng 1/10 so với ghi trên vỏ bao. Do lợi nhuận cao nên có nhiều cơ sở bất chấp đạo đức để kiếm lời”.

Hậu kiểm để kiểm soát chất lượng

Trong khi đó, bằng mắt thường, cơ quan chuyên môn như ngành NN&PTNT, Quản lý thị trường cũng không thể phân biệt được phâng bón thật giả, chưa nói đến nông dân. Phân bón giả, kém chất lượng phổ biến trên thị trường không chỉ ảnh hưởng đến những nhà sản xuất chân chính, mà nghiêm trọng hơn còn khiến cho cây trồng chậm phát triển, năng suất giảm, gây tổn thất nặng nề cho bà con nông dân. Mặc dù các cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, song thực trạng này vẫn có chiều hướng gia tăng. 

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, Nghị định 202 của Chính phủ có hiệu lực từ đầu năm 2014 được đánh giá là có nhiều điểm mới so với các Nghị định cũ về quản lý phân bón và được mong đợi sẽ tạo đột phá trong việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng phân bón giả, kém chất lượng. Đáng lưu ý, tại NĐ này, sản xuất phân bón đã trở thành ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện thay vì thả nổi như trước đây. 

Tuy vậy, theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, mặc dù NĐ 202 quy định khá chặt chẽ các điều kiện về sản xuất, kinh doanh và cả nhập khẩu phân bón, song, để thực sự có hiệu quả, lành mạnh hóa thị trường phân bón, giúp người nông dân thì khâu hậu kiểm đóng vai trò rất quan trọng. Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị, cần có một văn bản đánh giá đúng mức tình hình chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương đồng loạt thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về phân bón. Hơn nữa, các bộ, ngành cần phối hợp mở chiến dịch tấn công ở những điểm nóng, truy quét quyết liệt những cơ sở, những đại lý sản xuất pha trộn, kinh doanh phân bón bất hợp pháp, phân bón giả, kém chất lượng.