Phân bổ quỹ bảo trì bị chậm, thu không đủ chi

ANTD.VN - Liên quan đến kiến nghị của các địa phương về việc nguồn vốn bảo trì bị chậm, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, Bộ sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ.

Năm 2013, Quỹ Bảo trì đường bộ thu hơn 5.000 tỷ đồng, nhưng chỉ đáp ứng được trên 42% nhu cầu. Đến năm 2017, dự kiến sẽ thu được trên 8.000 tỷ đồng, cộng với cấp bù ngân sách cũng mới chỉ đáp ứng được trên 50% nhu cầu.

Phân bổ quỹ bảo trì bị chậm, thu không đủ chi ảnh 1Công tác bảo trì đường bộ vẫn còn một số tồn tại

Chưa đáp ứng đủ nhu cầu

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GT-VT), trước khi Quỹ Bảo trì đường bộ ra đời, hàng năm, Tổng cục được phân bổ khoảng 2.000 tỷ đồng cho công tác bảo trì đường quốc lộ. Số tiền này chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu bảo trì tối thiểu. 

“Tại các địa phương, trừ Hà Nội và TP.HCM, vốn cho công tác bảo trì đường bộ rất hạn chế, chỉ khoảng 10-15 tỷ đồng/năm để bảo trì các tuyến đường tỉnh lộ, chủ yếu là thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa đột xuất khi có sự cố hư hỏng xảy ra”, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho hay. 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, năm 2013, Quỹ Bảo trì đường bộ ra đời, đã chia gánh nặng cho ngân sách trong việc bảo trì đường bộ, khi chiếm tới 65% số tiền dành cho việc bảo trì đường bộ trên cả nước. 

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ chỉ ra rằng: “Năm 2013, Quỹ thu được hơn 5.000 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ đáp ứng được trên 42% nhu cầu định mức. Năm 2017, dự kiến, sẽ thu được trên 8.000 tỷ đồng, cộng với cấp bù ngân sách mới chỉ đáp ứng được trên 50% nhu cầu” .

Từ phía địa phương, nhiều ý kiến cho biết, do Quỹ thu phí từ các phương tiện hàng ngày, nên việc xây dựng kế hoạch chỉ mang tính dự kiến nên phải điều chỉnh bổ sung kế hoạch thu hàng năm. Việc điều chỉnh phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét điều chỉnh kế hoạch thu - chi, sau đó mới có thể sử dụng vốn. Điều này gây mất thời gian và ảnh hưởng tới tiến độ xử lý công việc. 

Sẽ gặp khó khi cần xử lý gấp

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, hàng năm, sau khi Quốc hội họp vào tháng 10-11 mới ra nghị quyết sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ, trong khi đó hoạt động chi của Quỹ là phải dùng cuối năm nay và đầu sang năm, nên gây chậm trễ cho các địa phương, mất tính kịp thời khi cần sửa chữa gấp. Hầu hết các địa phương đều có kiến nghị về vấn đề này, do đó, Bộ GTVT sẽ tổng hợp và báo cáo lên Chính phủ. 

Về phương án thu - chi trung hạn của Quỹ Bảo trì đường bộ, ông Lê Hoàng Minh cho biết, Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương căn cứ trên tình hình tăng trưởng phương tiện, căn cứ trên số thu phí sử dụng đường bộ của giai đoạn 2013-2017, xây dựng kế hoạch thu trung hạn (2017-2020) là 31.950 tỷ đồng để bảo trì 19.777 km đường bộ. Ngoài ra, Hội đồng Quỹ sẽ tập trung xây dựng đề án tăng nguồn thu cho Quỹ, phấn đấu đến sau giai đoạn 2017-2022, ngân sách Nhà nước sẽ không phải cấp bổ sung và Quỹ sẽ chủ động tự cân đối trong công tác bảo trì hệ thống kết cấu đường bộ.

Trước những ý kiến cho rằng việc thu phí đường bộ khiến người dân bị phí chồng phí vì đi đường BOT cũng mất phí, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay, ngành giao thông đang quản 557.000km trên toàn quốc trong đó riêng đường quốc lộ là 23.000km. Trong số 23.000km đường quốc lộ chỉ có 2.000km xây dựng, nâng cấp dưới dạng BOT nên vẫn phải thu phí đường bộ. 

Theo Bộ GTVT, Quỹ bảo trì được dùng để sửa chữa, bảo dưỡng tất cả các loại đường từ quốc lộ, tới tỉnh lộ tới đường liên thôn, liên xã, qua đó mang lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng thừa nhận trong công tác bảo trì đường bộ vẫn còn một số tồn tại liên quan tới chất lượng và Tổng cục Đường bộ đã kịp thời chấn chỉnh các ban quản lý, các nhà thầu trong dự án sửa chữa, quản lý hành lang giao thông.