Ngày đầu xét xử phúc thẩm vụ án Vinashin:

Phạm Thanh Bình nằng nặc xin giảm án

ANTĐ - Ngoại trừ bị cáo nữ duy nhất, 7 bị cáo (có kháng cáo) đều lần lượt đề nghị TAND Tối cao xem xét giảm nhẹ hình phạt và giảm mức bồi thường thiệt hại. Trong ngày đầu xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Phạm Thanh Bình cựu Chủ tịch HĐQT tập đoàn này cùng đồng phạm cũng đã bước đầu khai báo lại các hành vi phạm tội.

Phạm Thanh Bình cùng đồng phạm tại phiên tòa

Đồng loạt kháng án

Sáng qua (28-8), tại trụ sở TAND TP Hải Phòng, TAND Tối cao đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với Phạm Thanh Bình (SN 1953) - cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Vinashin cùng đồng phạm bị quy kết theo tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. 

Tại bản án sơ thẩm của TAND TP Hải Phòng, ngày 30-3, Phạm Thanh Bình bị tuyên phạt 20 năm tù giam. Giữ vai trò kế tiếp, Trần Văn Liêm (SN 1955) - cựu Giám đốc Công ty TNHH Vận tải viễn dương Vinashin bị phạt 19 năm tù; Tô Nghiêm (SN 1959) - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cái Lân bị xử phạt 18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyên (SN 1962) - cựu Giám đốc Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh bị phạt 16 năm tù; Trịnh Thị Hậu (SN 1964), Hoàng Gia Hiệp (SN 1972) - cùng cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy lần lượt bị phạt 14 và 13 năm tù; Trần Quang Vũ (SN 1958) - cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu bị phạt 11 năm tù và Đỗ Đình Côn (SN 1952) - cựu Kế toán trưởng Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh bị phạt 10 năm tù. Riêng Nguyễn Tuấn Dương (SN 1966) - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Cửu Long được chuyển tội danh và chỉ phải nhận 3 năm tù về tội “Sử dụng trái phép tài sản”. Ngoài bị phạt tù với các mức án nêu trên, các bị cáo còn phải liên đới bồi thường, khắc phục hậu quả cho Nhà nước lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. 

Cho rằng bản án sơ thẩm mà TAND TP Hải Phòng áp dụng là quá nghiêm khắc, Phạm Thanh Bình cùng 6 bị cáo đồng loạt kháng án xin giảm nhẹ hình phạt và giảm mức bồi thường về dân sự. Trịnh Thị Hậu thì kháng án về tội danh vì cho rằng hành vi phạm tội không hoàn toàn như cấp tòa sơ thẩm đã quy kết. 

Làm trái vì quá nhiều việc?!

Được tòa cho đứng lên trình bày rõ lý do kháng cáo đầu tiên là cựu Chủ tịch HĐQT Vinashin. Trước tòa, Phạm Thanh Bình cho rằng hình phạt tù 20 năm và phải bồi thường hơn 542 tỷ đồng do các hành vi cố ý làm trái gây ra là quá nặng. Ông ta đề nghị tòa phúc thẩm xem xét đến bối cảnh phạm tội, cách tính bồi thường dân sự và một số tình tiết giảm nhẹ mới về nhân thân. Cụ thể, Phạm Thanh Bình nại ra ông ta được giao nhiệm vụ rất nặng nề, cùng lúc phải tham gia nhiều cương vị, công việc khác nhau nhưng thời gian thực hiện chỉ có hạn nên khó tránh khỏi những sai sót. Bình đổ lỗi trong việc đầu tư tàu cao tốc Hoa Sen vận tải hành khách Bắc - Nam trên biển không đem lại hiệu quả kinh tế là hoàn toàn do yếu tố khách quan, suy thoái kinh tế. Còn về phía chủ quan chỉ là không thực hiện đúng, nghiêm túc mệnh lệnh hành chính theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ. Đối với các bị cáo trong nhóm xin giảm nhẹ hình phạt cũng lần lượt viện dẫn các lý do xin giảm án là cấp sơ thẩm chưa đánh giá đúng tính chất hành vi phạm tội, hậu quả xảy ra và có thêm các tình tiết mới về nhân thân.

Trong ngày đầu xét xử, Tòa án đã bước đầu tập trung thẩm vấn Phạm Thanh Bình cùng đồng phạm trong các hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đúng 18h chiều qua, HĐXX tạm nghỉ ở phần thẩm vấn về hành vi bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang của Trần Quang Vũ. Hôm nay (29-8), phiên tòa tiếp tục làm việc.