Phạm nhân cải tạo, lao động bên ngoài trại giam có nhiều cơ hội tốt tái hòa nhập

ANTD.VN -  Chiều 22-5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), trong đó, dự thảo Luật quy định về việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam.

Phạm nhân cải tạo, lao động bên ngoài trại giam có nhiều cơ hội tốt tái hòa nhập ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

Hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư Pháp Lê Thị Nga, đa số ý kiến tán thành việc dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, đồng thời cần quy định chặt chẽ các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ phạm nhân trốn.

UBTVQH nhận thấy, đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ và là một trong những yêu cầu quan trọng của công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù.

Việc giam giữ tập trung phạm nhân với số lượng lớn trong một thời gian dài, nếu không tổ chức cho họ lao động thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam. Vì vậy, công tác tổ chức lao động cho phạm nhân vừa nhằm giáo dục cải tạo, dạy nghề, cải thiện chế độ ăn, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời cũng là biện pháp quản lý hiệu quả. 

ĐB Trần Văn Mão phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội

Lao động trong các trại giam từ trước đến nay vẫn chủ yếu chỉ làm nông nghiệp mang tính “tự cấp, tự túc”, năng suất, hiệu quả lao động và các khoản thu được để lập các quỹ theo quy định là thấp, Nhà nước vẫn phải đầu tư khoản ngân sách lớn cho các trại giam. Điều này đã hạn chế rất lớn tới các mục tiêu đặt ra trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân.

Để giải quyết tình trạng khó khăn nêu trên, thời gian qua, các trại giam đã liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân. Tại một số địa bàn có tình hình an ninh trật tự tốt và được chính quyền địa phương đồng ý, Bộ Công an đã tiến hành thí điểm, cho phép các trại giam được tổ chức “Khu sản xuất” và được liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tổ chức các “Điểm lao động” ngoài trại giam.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga: “Trại giam chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn khu vực phạm nhân lao động. Tổng kết cho thấy, trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có 1 phạm nhân bỏ trốn”.

Từ thực tiễn nêu trên, UBTVQH nhận thấy, việc đổi mới công tác tổ chức lao động tại các trại giam theo đề nghị của Chính phủ, tạo điều kiện để phạm nhân có thể tham gia lao động phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cho phép của các trại giam là cần thiết.

Theo ĐB Trần Văn Mão (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An), việc trại giam phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế; phù hợp với quy định của Hiến pháp, Điều ước quốc tế, Luật Lao động và những luật có liên quan.

Giúp cho phạm nhân thêm nhiều cơ hội trở thành người có ích

Có thể thấy, việc tổ chức cho phạm nhân lao động đảm bảo tăng thêm thu nhập, giảm bớt gánh nặng chi phí nhà nước dành cho việc cải  tạo phạm nhân; và giúp phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng tốt hơn.

ĐB Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân lao động không những nhằm cải tạo họ mà góp phần hoàn thiện mục tiêu tái hoà nhâp cộng đồng.

Tuy nhiên, ĐB Trần Văn Mão cũng không khỏi băn khoăn tính khả thi về việc quản lý phạm nhân khi đi lao động ngoài trại giam. Việc phạm nhân chấp hành hình phạt tù phải đảm bảo mức hình phạt cải tạo và giáo dục…

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân lao động không những nhằm cải tạo họ mà góp phần hoàn thiện mục tiêu tái hoà nhâp cộng đồng.

“Có những người bị phạt tù từ 10 đến 15 năm, nếu không lao động, không có tay nghề khi mãn hạn tù khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm dẫn đến mặc cảm, tự ti có nguy cơ tái phạm rất lớn”, ĐB Nguyễn Thị Thuỷ nhấn mạnh.

Cũng theo ĐB Nguyễn Thị Thuỷ, về nguyên tắc thì tổ chức cho phạm nhân lao động trong trại giam là tốt nhất. Song trên thực tế, nhất là những trại ở miền Bắc và miền Trung diện tích trật hẹp, nếu làm nông nghiệp thì không có đất sản xuất, còn làm những ngành nghề khác thì điều kiện ngân sách khó khăn, rất khó có thể đầu tư nhà xưởng để đáp ứng yêu cầu.

Thời gian qua, phương án kết hợp với doanh nghiệp để tổ chức cho phạm nhân lao động trong trại giam đã được đặt ra nhưng mới chỉ một số trại đáp ứng được. Để tháo gỡ khó khăn nêu trên, Bộ Công an đã tổ chức thí điểm cho phạm nhân lao động ngoài trại giam. Theo báo cáo của Bộ Công an thì các điểm lao động được doanh nghiệp thiết kế theo mẫu của trại giam. Nằm trong khuôn viên của doanh nghiệp, có tường rào bao quanh và tách biệt với khu dân cư.

Việc tổ chức cho phạm nhân lao động, học nghề sẽ giúp họ thêm nhiều cơ hội trở thành người có ích 

 “Kết quả thí điểm đã giúp đa dạng hoá các ngành nghề, tạo ra công ăn việc làm đồng thời giúp cho phạm nhân có nhiều cơ hội học nghề, chuyển nghề", ĐB Thuỷ nhấn mạnh.

Bản chất và mục tiêu kết hợp với doanh nghiệp để tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam không phải hoạt động kinh tế. Ở đây là việc tổ chức cho phạm nhân lao động, tổ chức dạy nghề cho phạm nhân và càng có nhiều cơ hội lao động thì cơ hội cải tạo trở thành người có ích càng lớn.