Phạm Lực: Lạ kỳ chuyện vẽ như điên và người vợ Tây

ANTĐ - Họa sĩ Phạm Lực xuất thân từ quân đội, tham gia sáng tác một thời gian dài ở Trường Sơn. Ông còn là một giáo viên dạy vẽ cho hàng trăm chiến sĩ, tạo nguồn nòng cốt văn hóa cho các đơn vị, nên có dịp đi khắp nơi, và vẽ nhiều không kể xiết.

Nữ chiến sĩ vùng cao

Người vẽ trong mơ

Ông bị bệnh mất ngủ thường xuyên và những ý tưởng cũng như hình tượng nghệ thuật hay đến trong đêm vắng. Thế là ông bật dậy cầm bút vẽ, thể hiện lại mọi điều đang tưởng như còn mơ hồ trong giấc mơ, nhưng tác phẩm nào cũng có dấu ấn khác biệt. Ông vẽ nhiều đến nỗi không thể nhớ hết số tranh của mình. Có những đêm không vẽ được y như ông bị chìm đắm trong những nỗi trằn trọc không đâu, về sự sống, về cái chết hay về sự cô đơn dày vò. Rồi sau đó là bị ốm bê bết, mệt mỏi. Ông phải vịn vào cây bút mà đứng dậy. 

Phải nói ông vẽ như điên, trong nhiều đêm thức trắng, rồi  không thể nhớ được hôm qua mình vừa vẽ những gì. Chính vì thế nói không ngoa, họa sĩ Phạm Lực là người vẽ nhiều tranh nhất hiện nay, cỡ vạn bức. Ông không thể đếm xuể và số tranh bán được cũng không thể tính nổi, vì trong tay nhiều người hâm mộ tranh ông đã có tới 6.000 bức. Quả là một con số kỳ dị. Vậy mà, ông là người duy nhất hiện nay có một CLB sưu tầm tranh riêng. 

Câu lạc bộ này được hình thành từ hai chục năm nay, do nhà sưu tầm Ngô Quang Tuấn làm chủ nhiệm, và có tới khoảng 100 thành viên, trong nước và quốc tế yêu thích và sưu tầm tranh Phạm Lực. Sơ sơ, tính số tranh trong tay các thành viên “cực yêu” Phạm Lực thì có tới con số hàng trăm, riêng chủ nhiệm Tuấn đã lên tới 1.000 tranh. Còn có ông Đặng Huy Long sưu tầm 600 tác phẩm, ông Nguyễn Bá Hoan ở Bắc Ninh có trong tay 200 bức... 

Phạm Lực: Lạ kỳ chuyện vẽ như điên và người vợ Tây ảnh 2
Hà Nội trong mưa

Từ người yêu tranh trở thành vợ

Có chuyện, một nhà sưu tầm tranh Phạm Lực ở Australia, ông Tony Olive đã từng mua hẳn 100 bức đem về nước, rồi mở triển lãm. Không ngờ chỉ trong một tuần ông Tony đã bán hết veo toàn bộ số tranh này. Nhưng rồi, ông thấy tiếc nên cố mua lại của khách 4 bức để giữ trong kho sưu tập của mình. Ấy là chưa kể hàng chục triển lãm tranh Phạm Lực nhưng ông không hề phải đụng tay đụng chân, mà chỉ được mời đến xem tranh của mình mà giờ đây không còn thuộc về mình nữa.

Nhìn bức tranh “Cô gái bán hoa”, ông rơm rớm nước mắt nhớ lại kỷ niệm ngày nào khi lang thang trên đường phố Hà Nội, vẽ và ăn chiếc bánh mỳ nóng giòn ba hào, cùng với bi đông nước cầm hơi. Vậy mà giờ đây nghe nói, có người trả bức tranh đó, tới hàng chục nghìn đô, nhưng chủ sở hữu bức tranh vẫn không bán. 

Có lẽ chuyện từ một nhà sưu tầm tranh, bà Francois Flane người Pháp, làm việc ở Việt Nam, trở thành vợ họa sĩ Pham Lực, thì thật là hiếm có trong làng hội họa Việt Nam. Bà và họa sĩ Phạm Lực gặp nhau vào những năm đầu thập kỷ 90. Bà là người sưu tầm, và rất yêu tranh của họa sĩ quân đội này. Lúc đó, họa sĩ vẽ được bức nào là bà Francois mang đi liền, không nói tiền nong hay giá cả ra sao. Suốt gần ba năm trời, họa sĩ Phạm Lực chỉ vẽ và không nhận được một xu nào. Thế rồi có lần bà xin làm người mẫu từ đó hai người có tình cảm lúc nào không hay. Họa sĩ Phạm Lực cũng không đả động đến chuyện đó và chỉ cắm cúi vẽ ngày đêm.

Không ngờ vào một ngày đẹp trời, bà Francois đến với một nụ cười bí ẩn, không vào nhà mà gọi ông ra ngoài rồi bắt lên ô tô. Họa sĩ Phạm Lực hỏi đi đâu, bà chỉ lắc đầu và cười. Bà lái xe đưa ông đi một vòng khá xa về phía Yên Phụ, rồi bất ngờ dừng lại trước một ngôi nhà hai tầng khá đẹp trên phố Nghi Tàm. Họa sĩ Phạm Lực ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, thì bà Francois bảo ông xuống xe, rồi cùng bước vào ngôi biệt thự đó. 

Lúc này, với nụ cười tươi như hoa, nói rằng ngôi nhà này được mua bằng tiền bán tranh của ông, trong suốt 3 năm qua mà bà đã sưu tầm. Năm sau bà trở thành vợ của họa sĩ Phạm Lực. Đây là ngôi nhà số 175, phố Nghi Tàm, quận Tây Hồ, mà họa sĩ Phạm Lực cùng gia đình ở từ đó đến nay đã hơn 20 năm.