Phải tự mình đứng dậy

ANTĐ - Văn “cá” tên thật là Nguyễn Ngọc Văn ở phường Minh Xuân - TP. Tuyên Quang, vốn là một con nghiện khét tiếng xứ Tuyên, mỗi ngày dùng hết cả “chỉ” heroin bởi “hắn lắm tiền”. “Tiền nhiều rồi cũng hết, lại bị xã hội khinh bỉ thì tại sao mà không cai cho lành”, Văn “cá” tâm sự.

Cai nghiện vì bìa đậu

Gặp Văn trong ngôi nhà khang trang, vừa là nơi ở, vừa là chốn kinh doanh cá của gã ở ngay trung tâm thành phố. Văn đang rít thuốc lào, bỗng gã ngước mắt, nhận ra chúng tôi bảo: “Thuốc phiện thì bỏ lâu rồi, giờ chỉ tập bỏ thuốc lá, thuốc lào thôi, bỏ hẳn đi thì mới tử tế được”.

Những năm 1981, Văn đi làm công nhân cho một công ty lớn của Tuyên Quang, thời gian này gã đã chớm nghiện. Năm 1983, gã đã “lừa” được cô gái xinh đẹp Trần Thị Tuyết Lan về làm vợ và sinh cho hắn 2 đứa con bụ bẫm, một trai một gái.

Hạnh phúc gia đình chưa được bao lâu thì Văn bỏ quê lên Hà Giang tìm vàng sa khoáng. Vốn đã nghiện, lại ăn hang ở hốc, xa vắng gia đình nên Văn lao vào ma túy một cách liều lĩnh, không có điểm dừng.

Đến năm 1988, việc trúng mấy cây vàng đã cho phép gã “thả phanh” ăn chơi. Lại là “bưởng” vàng khét tiếng nên Văn muốn gì được nấy, mỗi ngày hít cả “chỉ” heroin, cả đống tiền cứ thế chui qua ống điếu một cách vô nghĩa.

“Giàu đến mấy mà nghiện ngập thì cũng hết, đồ đạc trong nhà không cánh cũng phải bay. Chỉ hận rằng, khi tỉnh cơn cũng là lúc mình nhận ra gia đình đã khốn nạn vì mình”, Văn tâm sự. Và rồi, anh quyết tâm cai để cho “cái gia đình nhỏ bé của mình bớt sự khốn nạn”.

Gã quyết định vào trung tâm cai nghiện ở địa phương để thành người tử tế. Thế nhưng, cuộc đời đâu đơn giản. Những cám dỗ ghê gớm của ma túy và cả những sự đểu trá của bạn bè xấu đã ghìm chân Văn trong cơn mê “hàng trắng”. Gia đình, vợ con ở ngoài cứ nuôi một tia hy vọng Văn “cá” sẽ cai được thuốc, bỏ được cái xấu mà trở về sau những lầm lỗi.

Văn tâm sự: “Hàng ngày tôi làm nhiệm vụ khoan nổ mìn cho khoảng 20 lao động, với mỗi người phải đạt 1 khối đá hộc, sau đó đập nhỏ, bán được 30.000 đồng/m3, thì mới đảm bảo tiền ăn vì những người cai nghiện sau khi đã cắt cơn phải tự làm ra sản phẩm nuôi mình”. Trong lúc gian khổ ấy, Văn vẫn lén lút với ma túy.

Trong một lần vào giờ giải lao, đứa con trai của gã còn bé xíu tập tễnh xách lên cho bố một bìa đậu. Gã nhìn con mà ứa nước mắt: “Tôi chạy đến ôm con mình mà nghẹn ngào. Tôi nghĩ, đứa con mình còn nhỏ nên chẳng biết bố nó nghiện ngập để mà khinh bỉ. Thôi, phải cai hẳn để bù đắp tình yêu của vợ của con để sau này không phải ân hận”.

“Đi lên -không nói suông”

“Tôi thề với cậu, thằng nghiện là những kẻ nói suông nhiều nhất. Tôi cũng vậy, nói suông không biết ngượng, nói dối đủ cách để thỏa mãn cơn thèm. Nhưng tôi phải đi lên, không nói suông nữa, vì bản thân mình trước rồi đến vợ con gia đình” - Văn “cá” thành thật.

Vậy là gần 3 năm “không nói suông” trong công trường cai nghiện, khi ra trại gã còn được thanh toán hưởng lợi 2,6 triệu đồng tiền công đem về cho vợ tích vốn làm ăn. “Nhưng chú biết không, xã hội có những người khinh bỉ mình lắm, họ không nghe thằng nghiện trình bày nên làm gì cũng khó”, Văn nhớ lại.

Và rồi, gã nghĩ mãi mới ra cách để sống bằng chính nghề cha ông - nghề chài lưới ngày ngày, Văn vùng vẫy trên dòng sông Lô kiếm con cá, con cua phụ giúp gia đình, ít thì để ăn, nhiều thì đem ra chợ Tam Cờ bán kiếm tiền nuôi vợ nuôi con.

Cứ thế, vừa bắt cá vừa bán vừa mở quán bún bán cho khách qua đường, vốn ít thành nhiều, vợ chồng Văn mở một quán nhỏ bán đặc sản cá sông Lô. Thế rồi năm này qua năm khác, quán của gã trở thành thương hiệu, được đăng ký bản quyền hẳn hoi.

Để thành công, Văn “cá” đã phải nhiều lần vượt qua cám dỗ, vục đầu vào công việc. Từ đứng bếp, đi chợ, mời khách… đều một tay gã lo liệu. Vợ và nhân viên chỉ phải làm việc nhẹ để quán xá được rôm rả.

Cứ nghe đâu có chương trình từ thiện là gã tới, không có nhiều thì có một chút từ tiền lãi mà đóng góp. Gã cũng thuộc hàng “thuyết khách” giỏi nên mấy con nghiện lâu năm ở xứ Tuyên đã lần lượt chiến thắng thuốc phiện.

Vẫn có thể là “tay chơi”

“Thanh niên hay sốc nổi, cứ nghĩ mình phải nghiện thì mới bản lĩnh, mới là tay chơi nhưng đó là dại”, Văn bộc bạch. Gã bảo, chính gã từng như thế nhưng khi cai nghiện thành công rồi, gã vẫn là một tay chơi, từ phong cách ăn mặc đến đi lại nói năng.

Chẳng thế mà ở cổ gã, lúc nào cũng lủng lẳng dây bạc to như cái xích có gắn cái răng lợn rừng già. Ai cũng khen nhưng gã bảo: “Không phải mình thể hiện tay chơi như vậy, mà quan trọng là để anh em nghiện hút theo mình mà trở về từ bỏ lầm lỗi”.

Gã đã giúp cho nhiều thanh niên cai nghiện, như Tạ Phi Hùng, ở tổ 5 phường Minh Xuân, một con nghiện 10 năm tưởng không thể bỏ. Ấy vậy mà Văn đã giúp cho Hùng thành công, giúp cho Hùng có công ăn việc làm, được mọi người tin tưởng.

Chính cách chơi, cách làm và cách sống của Văn đã trở thành điển hình của cả xứ Tuyên. Ngày 26-8-2008, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã đến thăm, tặng quà và căn dặn Văn cố gắng phát huy mở rộng, làm tấm gương cho những người lầm lỡ biết quay đầu trở lại làm người có ích.

“Không ai nắm tay mình mà dìu từ sáng đến tối được đâu. Nếu còn biết nghĩ cho bản thân, gia đình và xã hội thì tự mình phải đứng dậy. Đã cai là không nói suông, là đang chiến đấu với ma quỷ, nếu không chiến thắng bản thân thì đừng mong chiến thắng với ma, nhất là ma túy” - Nguyễn Ngọc Văn.