Phải tu dưỡng thường xuyên, liên tục, lâu dài

ANTĐ - ĐBQH TP Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Đinh Xuân Thảo cho rằng, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người đi xa cho tới nay còn nguyên giá trị. Song, thực hiện cho được lời Bác dặn cần quá trình lâu dài, chứ không phải ngày một ngày hai.
Phải tu dưỡng thường xuyên, liên tục, lâu dài ảnh 1
Cán bộ phải lắng nghe ý kiến của dân để hoàn thiện bản thân


- Bác Hồ căn dặn “nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, chúng ta đã thực hiện như thế nào?

- Từng ngành, từng lĩnh vực, mỗi cán bộ, đảng viên hay công dân đều tích cực thực hiện Di chúc của Bác. Về phê bình và tự phê bình, hàng năm, cán bộ, công chức, viên chức dưới cấp thứ trưởng đều có tự kiểm điểm, đánh giá, phân loại đảng viên. Riêng với cán bộ cấp thứ trưởng, bộ trưởng sẽ nhận xét hàng năm. Còn với bộ trưởng, Trung ương sẽ nhận xét. Tất nhiên, với tư cách là một đảng viên, bộ trưởng cũng phải tự nhận xét, kiểm điểm ở chi bộ nơi mình sinh hoạt. Những đánh giá đó chính là phê bình, tự phê bình theo lời dạy của Bác. Ngoài ra, tại các cuộc sinh hoạt thường kỳ, hàng tháng, mỗi đảng viên đều có thể phê bình, tự phê bình.

- Việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, HĐND cũng nhằm thực hiện lời Bác dặn “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch”?

- Đúng như vậy. Theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn là một bước quan trọng. Với cán bộ cấp bộ trưởng trở lên, việc “chấm điểm” này thể hiện sự công bằng đối với chính khách cấp cao. Kết quả lấy phiếu cũng là lời nhắc nhở đối với cán bộ cấp cao để cải thiện mình tốt hơn.

- Nhấn mạnh yếu tố “đạo đức”, Bác cũng căn dặn “Đảng phải xứng đáng là người lãnh đạo”, song đây đó vẫn còn những đảng viên vi phạm, vì sao có thực tế đáng buồn này?

- Chúng ta thường băn khoăn số cán bộ, đảng viên tích cực, tiến bộ liệu có chiếm đa số? Số chậm tiến là bao nhiêu? Tình hình mỗi thời điểm một khác nhưng hiện nay, nhìn vào tình hình phát triển chung của đất nước, có thể thấy rằng chúng ta đã vượt qua được khó khăn và đang có nhiều đổi mới, phát triển. Để đạt được thành tựu như vậy rõ ràng phải xuất phát từ vai trò của cán bộ, đảng viên hay nói cách khác là số tốt, tích cực phải chiếm phần đông. 

Đương nhiên, thế nào cũng có người nọ, người kia. Không thể có chuyện tất cả đều tốt. Đó là quy luật không tránh khỏi. Vì thế, Bác mới dặn, việc tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu phải thường xuyên, liên tục, lâu dài. Song, cán bộ có sai lầm, khuyết điểm cũng phải xem cụ thể từng trường hợp. Chỉ có người nào không làm gì mới không có khuyết điểm. Có người làm 10 việc, 8 việc tốt, xuất sắc nhưng có khi 2 việc kia lại mắc khuyết điểm. Cá nhân tôi cho như thế còn tốt hơn người không làm gì cả và không có khuyết điểm. 

- Nhiều người cho rằng, mối quan hệ cấp trên – cấp dưới trong mỗi cơ quan, đơn vị ảnh hưởng không nhỏ tới phê bình và tự phê bình?

- Trách nhiệm cá nhân người đứng đầu rất quan trọng. Lãnh đạo phát hiện những cán bộ dưới quyền có khuyết điểm mà không phê bình là thiếu sót. Ở phía ngược lại, bản thân người lãnh đạo biết rõ nhất điểm mạnh, điểm yếu của mình mà không tự phê bình thì anh em ngại là phải. Lãnh đạo phải dám đánh giá “sát ván” cá nhân mình thì cán bộ cấp dưới mới có thể góp ý, phê bình anh ta nghiêm túc được. Còn lâu nay, thực tế, ít người dám phê bình cấp trên, dù là mang tính xây dựng. Chẳng thế mà có câu nói vui mỗi khi cấp dưới phê bình “sếp” là: “Thủ trưởng công tác rất tốt, chỉ có một nhược điểm là không chịu nghỉ ngơi, làm việc nhiều quá...”.

- Phê bình, tự phê bình còn hình thức, có đảng viên từ khi được kết nạp tới lúc nghỉ hưu mấy chục năm đều “sản xuất” ra những bản tự kiểm điểm hàng năm giống hệt nhau?

-  Có tình trạng như vậy. Ở đây nên phân ra 2 trường hợp. Thực tế có những người lúc nào cũng đều đều, không có thành tích nổi bật cũng như không có sai phạm. Anh ta chẳng làm gì nên không có gì để viết, cứ rập khuôn theo mẫu, năm nào kiểm điểm cũng giống năm nào. Song, có những người làm được rất nhiều việc song không muốn nêu thành tích của mình hoặc có nêu cũng không hết được. Kiểm điểm của những người này nhiều khi cũng ngắn gọn, chung chung thôi. 

Hay về khuyết điểm, có người thẳng thắn nhìn nhận nhưng thực tế cũng có người cố lảng tránh hoặc đề cập không rõ ràng. Theo tôi, đánh giá khách quan nhất phải từ lòng dân. Người dân, cử tri bây giờ rất thẳng thắn, sẵn sàng góp ý, phê bình từ cán bộ cho tới lãnh đạo cao nhất. Tính phê bình đang ngày càng mạnh hơn. Việc tự phê bình vẫn còn hạn chế, phải từng bước khắc phục.

- Giải pháp nào để khắc phục tính hình thức trong phê bình, tự phê bình, thưa ông?

- Ngoài hình thức tự kiểm điểm hàng năm, cứ vài năm, nên có một đợt tự đánh giá nhìn nhận lại mình một cách sâu sắc, kỹ càng, từ vấn đề nhận thức tới thực tế công tác, thành tích hay khuyết điểm đều phải nêu rất kỹ. Nếu nhận xét theo quá trình như thế, những người cả mấy năm không làm được việc gì, không để lại dấu ấn gì chắc hẳn sẽ phải thấy xấu hổ với tập thể và buộc phải tìm cách vươn lên, sống có ích hơn. Đánh giá cán bộ, đảng viên phải thực chất, để mỗi người ngày mai tốt hơn hôm nay, tháng sau tốt hơn tháng trước, năm sau tiến bộ hơn năm trước...