Liên tục cháy kho hàng, vũ trường, nhà xưởng:

Phải truy trách nhiệm chủ cơ sở để xảy ra hỏa hoạn

ANTĐ - Những vụ cháy liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy công tác phòng ngừa về an toàn PCCC tại nhiều cơ sở, đơn vị doanh nghiệp, nhà xưởng chưa thực sự được quan tâm, chưa tương xứng với tính chất nguy hại của “giặc lửa”. Điều đáng nói, dường như chưa thấy chủ cơ sở nào bị quy trách nhiệm.

Phải truy trách nhiệm chủ cơ sở để xảy ra hỏa hoạn ảnh 1Tan hoang các vụ cháy 

Lộ rõ nguy cơ

Theo phân tích của Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội: “Việc phòng ngừa an toàn PCCC tại cơ sở phải luôn được xác định là quan trọng số 1. Nếu công tác phòng ngừa kém, bất cẩn để xảy ra một vụ cháy thì cá nhân, tổ chức ngoài việc chịu trách nhiệm còn bị thiệt hại ít nhất 3 lần chi phí. Thứ nhất tài sản bị cháy không dùng được nữa; thứ hai phải chi phí để trang bị cái mới, thứ ba là chi phí chữa cháy. Đó là chưa kể nhiều hệ lụy khác”. 

Mặc dù vậy nhưng trên thực tế hiện nay, công tác PCCC tại nhiều cơ sở, doanh nghiệp, cụm công nghiệp vẫn chưa được coi trọng. Vụ cháy tại Công ty TNHH Việt Hà có địa chỉ tại Lô 11-khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội xảy ra tối 18-10, đã cho thấy nhiều thiếu sót trong công tác an toàn PCCC, không chỉ đối với đơn vị, doanh nghiệp để xảy cháy mà còn đối với tất cả nhà xưởng, xí nghiệp… trong cụm công nghiệp trên địa bàn. Kết quả khám nghiệm hiện trường vụ việc cho thấy, công ty này đã không tuân thủ về quy định an toàn PCCC, như vi phạm khoảng cách giữa vật dễ cháy dẫn đến cháy lan trên diện rộng. Là kho chứa nguyên liệu dễ cháy nhưng không có hệ thống báo cháy và chữa cháy, vách tạo màng chống cháy lan. Điều đáng nói cơ sở này đã từng bị cơ quan Cảnh sát PC&CC kiểm tra, xử lý vi phạm 2 lần về lỗi khoảng cách để các nguyên liệu, sản phẩm không đúng quy định. Trước nguy cơ tiềm ẩn của cơ sở, lực lượng kiểm tra PC&CC đã phải về hướng dẫn, đề nghị doanh nghiệp này lắp đặt bổ sung các thiết bị báo cháy cần thiết. 

Đến khi xảy cháy, tất cả những nguy cơ, tồn tại đã bộc lộ rõ. Với tổng diện tích gần 400 ha, theo quy định khu công nghiệp phải có ít nhất 110 đầu họng cấp nước cứu hỏa; nhưng thực tế mới chỉ có 61 họng cấp nước cứu hỏa, trong đó một số họng và áp lực nước tại một số họng chưa đạt. Và khi hoả hoạn xảy ra, lực lượng Cảnh sát PC&CC đã phải dùng máy bơm tăng áp chuyên dụng và xe PC&CC để dập lửa.

Xử lý vi phạm còn “nương tay”

Vẫn theo Đại tá Nguyễn Văn Sơn, quy định xử phạt vi phạm về công tác đảm bảo an toàn PCCC tại cơ sở, doanh nghiệp vi phạm hiện chưa đủ sức răn đe. Đây là lý do số cơ sở vi phạm vẫn nhiều, mặc dù đã bị kiểm tra, xử lý. 

Từ thực tế ấy, có thể đặt ra câu hỏi: việc diễn tập, tập huấn, ký cam kết về an toàn PCCC tại những đơn vị, doanh nghiệp này diễn ra hàng tháng, hàng năm, thậm chí ngay sau khi vừa diễn tập xong, đã xảy ra hỏa hoạn… Lỗi do đâu?

 Một cán bộ kiểm tra của lực lượng Cảnh sát PC&CC khẳng định: “Theo quy định về Luật An toàn PCCC, đối với những cơ sở kinh doanh, nhà xưởng… việc tập huấn, ký cam kết thực hiện an toàn PCCC chỉ là những buổi tuyên truyền, “ôn bài” trong công tác này nhằm nâng cao năng khả năng tác chiến chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhằm hạn chế tối đa thiệt hại nếu như xảy ra hỏa hoạn. Việc tuân thủ quy định về an toàn cũng như làm tốt công tác chủ động phòng ngừa mới thực sự có ý nghĩa thiết thực và quan trọng nhất”. 

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV tại một số khu công nghiệp, nhà xưởng, vũ trường trên địa bàn thành phố hiện nay cho thấy, đang có tình trạng làm đối phó với công tác kiểm tra an toàn PCCC. Nhiều cơ sở ký cam kết hay mua sắm vật tư chữa cháy, thậm chí tập huấn cho đội ngũ chữa cháy cơ sở vẫn mang tính hình thức, cho đủ hồ sơ, chứ chưa thực sự coi trọng công tác phòng ngừa. Nhiều trường hợp dù đã được tập huấn nhưng khi xảy ra hỏa hoạn, phải dùng đến bình chữa cháy xách tay thì đã quá hạn sử dụng; hoặc không biết cách vận hành. 

Đối với vụ cháy nhà xưởng trên phố Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy cũng  xảy ra tối 18-10, một cán bộ cảnh sát địa bàn cho biết, cơ sở này mới hoạt động được khoảng 1 năm, các nhân viên của cơ sở đều đã được tập huấn, hướng dẫn về an toàn PCCC. Tuy nhiên, thực tế PV ghi nhận rõ sự lúng túng của đội ngũ chữa cháy cơ sở thời điểm xảy cháy. Chưa kể đến sự thiếu thốn, qua quýt trong trang bị phương tiện, thiết bị PCCC đối với khu nhà xưởng là tổ hợp các loại sinh hoạt, nơi tập kết chứa đủ loại nguyên liệu dễ cháy như gỗ, đệm mút. Trong khi đó, chủ nhà xưởng, người chịu trách nhiệm về tài sản lại không thường xuyên có mặt để giám sát công nhân làm thuê.

Qua những sự cố hỏa hoạn cho thấy, giữa tập huấn và thực tiễn là khoảng cách khá xa. Không phủ nhận sự cần thiết của các buổi tập huấn, tuyên truyền. Nhưng việc tập huấn, diễn tập cần được thực hiện thường xuyên, để “nâng” nhận thức và ý thức chấp hành của cơ sở. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có thái độ và biện pháp quyết liệt hơn nữa đối với những vi phạm mang tính hệ thống, đối phó, đặc biệt ở những cơ sở tiềm ẩn nguy cơ  hỏa hoạn cao. Nên chăng, phải “ xử điểm” trách nhiệm chủ cơ sở để xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng, tạo tính răn đe, phòng ngừa…