Phải truy cứu đến cùng với tội danh tham nhũng

ANTĐ - ĐBQH Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND Tối cao, ĐBQH Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ sáng 29-5, xung quanh vấn đề “cho phép tội phạm tham nhũng dùng tiền để thoát án tử hình”.

“Cho phép tội phạm tham nhũng dùng tiền để thoát án tử hình là việc đáng cân nhắc”

ĐBQH Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết: “Hiện nay việc thu hồi tài sản tham nhũng sau khi kết án rất hạn chế, quá trình xét xử tội phạm tham nhũng cũng hết sức khó khăn. Do vậy, quy định người bị kết án tử hình do tham nhũng có thể thoát khỏi án tử hình nếu nộp lại tài sản tham nhũng cho Nhà nước là việc đáng cân nhắc”.

Phải truy cứu đến cùng với tội danh tham nhũng ảnh 1

- PV: Ở góc độ của cơ quan tố tụng, xin ông cho biết công tác đấu tranh phòng chống, xét xử tội phạm tham nhũng hiện đã đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng?

- Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn: Vấn đề phát hiện, điều tra và đấu tranh chống tham nhũng hết sức nan giải. Một trong những lý do khiến hiệu quả phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng chưa cao là do bệnh thành tích. Nội bộ cơ sở, đơn vị là người biết rõ nhất cá nhân của đơn vị đó có hành vi tham nhũng nhưng vì bệnh thành tích của đơn vị nên không nhiều người dám đứng lên tố giác, dẫn đến việc phát hiện ở cơ sở chưa cao, việc tố giác ở nội bộ cơ sở chưa nhiều. 

So với sự mong mỏi của người dân thì công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng ở nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, có thể thấy, xã hội ngày càng phát triển nên những người có hành vi tham nhũng hiện nay đều là những người có trình độ, hiểu biết do đó hành vi tham nhũng thường rất tinh vi, khiến cho việc thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, công tác giám định để xác định thiệt hại, hậu quả thế nào cũng là vấn đề còn trở ngại. Đến khi đưa ra xét xử thì thời hạn rất ngắn, quan điểm giữa cơ quan điều tra và cơ quan tố tụng đôi khi còn bất đồng nên có những vụ án phải mất rất nhiều thời gian để đưa ra kết luận cuối cùng. 

- Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) không đề xuất bỏ hình phạt tử hình với những tội danh tham nhũng, nhưng điều 39 của dự luật lại quy định các tội về mục đích kinh tế sau khi bị kết án tử hình mà khắc phục tốt thì có thể thoát án tử hình. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Thời gian qua số tài sản tham nhũng trong một số vụ án xác định không chính xác, có những trường hợp phát hiện được số tài sản tham nhũng rất ít nhưng bản thân người tham nhũng đó lại có tài sản rất nhiều. Rất nhiều vụ án tham nhũng lớn, người tham nhũng bị kết án tử hình nhưng tài sản tham nhũng thu hồi không được bao nhiêu. Chẳng hạn như vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm, đã xác định mỗi bị cáo tham ô 10 tỷ đồng nhưng hiện khoản tiền nộp vào ngân sách chưa được bao nhiêu, trong khi tài sản của các bị cáo có tương đối. Việc thu hồi tài sản đó phải đặt ra như thế nào?

Hiện nay, người đã bị kết án tử hình chỉ có thể được xem xét ân giảm nếu được Chủ tịch nước ký quyết định ân giảm. Trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đưa thêm vào quy định người bị kết án tử hình nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất là 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có… thì có thể chuyển thành tù chung thân. Việc Ban soạn thảo dự thảo luật đưa quy định này nhằm cân nhắc án phù hợp cho những người thực sự ăn năn hối cải, đã trót phạm tội nhưng nghiêm túc khắc phục. Vấn đề này vẫn đang có nhiều quan điểm khác nhau, ngay trong Ban soạn thảo luật cũng còn ý kiến phân vân.

- Với quy định như ở Điều 39 Bộ luật Hình sự (sửa đổi), dư luận băn khoăn, tội phạm tham nhũng có thể gia tăng, ông nghĩ gì về điều này?

- Theo tôi, quy định tội phạm tham nhũng bị kết án tử hình có thể thoát án tử hình nếu khắc phục tốt và nghiêm túc nộp số tiền tham nhũng được vào ngân sách Nhà nước, chính là nhấn mạnh trách nhiệm của các bị cáo đối với hành vi tham nhũng của mình, để xem xét thái độ ăn năn của họ như thế nào. Hiện luật chưa quy định nhưng theo quan điểm của tôi đây cũng có thể là điều kiện để xem xét giảm án. 

Trong khi đó, những người có hành vi tham nhũng thường là những người có thời gian tham gia hoạt động nhiều năm, công lao cũng có, rất nhiều người có huân huy chương, bằng khen, thậm chí là chiến sĩ thi đua toàn quốc và khá nhiều lại có chức vụ cao… Các tòa án khi xét xử đánh giá tội phạm này cũng rất cân nhắc, phải kết hợp nhiều mặt, xem xét nhiều yếu tố, cả yếu tố về nhân thân, nhưng quan trọng nhất là căn cứ trên yếu tố pháp luật, pháp luật có quy định thì mới thực hiện được.

ĐBQH Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương: Phải truy cứu đến cùng với tội danh tham nhũng

Việc thu hồi tài sản tham nhũng sau khi bị kết án thời gian qua còn thấp, lý do vì có nhiều khó khăn. Muốn đạt hiệu quả cần phải xử lý đồng bộ từ khâu điều tra đến các hoạt động tố tụng. Trong các giai đoạn đó cần phải có các biện pháp ngay từ đầu như niêm phong, kê biên tài sản… để đảm bảo cho quá trình thi hành án sau này chứ không phải đến khâu xét xử, sau xét xử mới đặt ra vấn đề thu hồi tài sản.

Trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đề xuất tước bỏ thời hiệu truy cứu trách nhiệm đối với tội phạm liên quan đến tham nhũng, đây là điều cần thiết vì tội tham nhũng là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và thường là tội phạm ẩn, nhiều khi không thể phát hiện ngay được khi có hành vi tội phạm. Do đó muốn truy cứu được tội phạm này cần có thời gian và phải đảm bảo được yêu cầu, khi chúng ta phát hiện tội tham nhũng ở thời điểm nào sẽ xử lý ở thời điểm đó, chứ không có thời hiệu truy cứu nào cả. Điều này cũng phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay.

Nguyễn Phan (Ghi)