Phải trị bằng được "giặc nội xâm" tham nhũng

ANTD.VN - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 7-11, Quốc hội thảo luận về nội dung phòng chống tội phạm, tham nhũng và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) năm 2017. 

Góp ý vào công tác chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk phân tích, tố cáo của công dân là một kênh thông tin rất quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng song trong báo cáo của Chính phủ vẫn chưa có đánh giá đúng mức, đúng tầm vai trò của công dân trong công tác này.

“Chẳng lẽ trong một năm qua, không có công dân nào tố cáo về tham nhũng? Họ không tố cáo tham nhũng vì không có hay là họ không dám, không muốn tố cáo?”, nữ đại biểu tỉnh Đắk Lắk đặt vấn đề, đồng thời dẫn kết quả một khảo sát gần đây cho thấy chỉ có 38% số người được hỏi trả lời là sẵn sàng tố cáo tham nhũng. 

Phải trị bằng được "giặc nội xâm" tham nhũng ảnh 1ĐBQH Nguyễn Minh Sơn băn khoăn về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tham nhũng vặt gây bức xúc

Trong khi đó, ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) nhận định “tham nhũng vặt” đã và đang diễn ra hàng ngày, len lỏi vào mọi ngõ ngách, ở các địa phương, lĩnh vực với nhiều hình thức rất đa dạng, gây bức xúc cho dân. Tương tự, Phó Tư lệnh Quân khu 2, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (ĐBQH đoàn Hà Giang) trải lòng: “Tài sản lớn nhất của Đảng, Nhà nước là lòng dân. Thế nên, nếu chúng ta không trị được “giặc nội xâm” là tham nhũng thì lòng dân sẽ lung lay. Về giải pháp, ông đề xuất: “Nếu cần thiết thì làm phiếu thăm dò cán bộ công chức hoặc nhân dân xem cán bộ nào có tham nhũng thì loại ra khỏi bộ máy nhà nước, chỉ như thế mới phát hiện và xử lý triệt để được”.

Thay mặt Chính phủ giải trình các ý kiến của ĐBQH, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực rất khó khăn, phức tạp. Để khắc phục, tới đây, Chính phủ sẽ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; khắc phục những hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng; bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu; kiên quyết loại trừ khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ công chức, viên chức thoái hóa biến chất, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân…

Khiếu nại tố cáo đông người tăng 10%

Về công tác giải quyết KNTC năm 2017, báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2017, tình hình KNTC của công dân giảm so với năm 2016. Số lượt công dân đến các cơ quan hành chính Nhà nước để KNTC, kiến nghị, phản ánh giảm 8,5%, tổng số đơn KNTC giảm 8,9%, tổng số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước giảm 14,8%. Tuy nhiên, số đoàn KNTC đông người lại tăng tới 10,2% so với năm 2016, chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai. 

“Đáng chú ý, có tình trạng một số thế lực đã lợi dụng tình hình KNTC để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân” - Tổng Thanh tra Chính phủ nói.

Nhấn mạnh diễn biến KNTC vẫn phức tạp, gay gắt và khó lường, nhất là tình trạng KNTC kéo dài, vượt cấp còn nhiều; một số vụ khiếu nại tập trung đông người gây mất trật tự công cộng gia tăng, ĐB Võ Đình Tín, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nêu câu hỏi: “Vì sao số lượng vụ việc giảm nhưng tính chất lại nghiêm trọng hơn?”. Theo ĐB Võ Đình Tín, một trong những nguyên nhân là do công tác tiếp công dân chưa thấu tình đạt lý, khiến người dân mất lòng tin. 

Đồng quan điểm, ĐB Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, tăng cường đối thoại giữa chính quyền, người đứng đầu cơ quan công quyền với dân chính là giải pháp hiệu quả nhất để giảm KNTC. ĐB Dương Minh Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phân tích: “Tâm lý chung của người đi KNTC là muốn gặp người có chức vụ cao nhất trong cơ quan công quyền, vì vậy cần tiếp tục duy trì và tăng cường việc lãnh đạo đối thoại với dân”. Ông đề nghị Chính phủ cần có các cuộc thanh tra đột xuất về công tác giải quyết KNTC của người đứng đầu các đơn vị, cơ quan được giao nhiệm vụ.

Thẳng thắn hơn, ĐB Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ chưa thực sự yên tâm khi còn nhiều vụ việc KNTC của công dân kéo dài năm này qua năm khác mà chưa được giải quyết thấu đáo, thậm chí một số cơ quan chức năng còn có biểu hiện đùn đẩy trong giải quyết. 

“Không ít người dân đi KNTC phải bán hết tài sản để theo đuổi khiếu kiện. Đây là mũi kim đâm vào da thịt, là sự nhức nhối nếu chúng ta đặt địa vị mình vào người dân đi khiếu nại” - ông Nguyễn Minh Sơn nói. Vẫn theo ĐB Sơn, trong giải quyết KNTC của công dân, điều quan trọng không phải là đã giải quyết được bao nhiêu phần trăm mà chính là các cơ quan Nhà nước chừng nào giải quyết xong.